Tuyến đường huyết mạch phía Nam Hà Nội sắp được mở rộng gấp 5 lần

Tuyến đường quốc lộ 21B hiện đang có mặt cắt ngang là 7 mét. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang tiến hành lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cải tạo, nâng cấp đường 21B lên 35 mét.

 

Tuyến đường huyết mạch phía Nam Hà Nội sắp được mở rộng gấp 5 lần - Ảnh 1

Cụ thể, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang tiến hành lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 21B đoạn qua địa phận huyện Ứng Hòa với tổng mức đầu tư (dự kiến) là 2.300 tỉ đồng.

Công trình có chiều dài khoảng 10km, điểm đầu tại Km31+550 (nút giao đường tỉnh 424), điểm cuối tại Km41+550 (hết địa phận huyện Ứng Hòa).

Hiện trạng đoạn tuyến cơ bản đạt cấp II đồng bằng, đoạn qua khu dân cư thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị; quy mô mặt cắt ngang 35m với 6 làn xe.

Đối với các đoạn tuyến có điều kiện mặt bằng thuận lợi, tốc độ thiết kế 80 km/h.

Các đoạn tuyến do phải bám sát đường hiện trạng, tránh giải phóng mặt bằng với khối lượng lớn, tránh cắt công trình tôn giáo tín ngưỡng, đề xuất tốc độ thiết kế 50-60 km/h.

Hiện nay, đơn vị tư vấn đang phối hợp với UBND huyện Ứng Hòa để chuẩn xác số liệu giải phóng mặt bằng làm cơ sở tính toán chi phí giải phóng mặt bằng dự án.

Ghi nhận thực tế cho thấy, mặt cắt ngang Quốc lộ 21B đoạn từ nút giao đường tỉnh 424 đến hết địa phận huyện Ứng Hòa) chỉ khoảng 7m (cả hai hướng) với hai làn xe, không dải phân cách.

Quốc lộ 21B hiện nay có điểm đầu tại nút giao Ba La (Hà Đông, Hà Nội) và điểm cuối ở nút giao với quốc lộ 1 (Km 278+200 QL1) thành phố Tam Điệp (Ninh Bình). Đây là tuyến quốc lộ kết nối các đô thị lớn như: Hà Đông - Phủ Lý - Nam Định.

Khởi đầu từ ngã ba giao cắt với Quốc lộ 6 tại Phú Lãm, quận Hà Đông. Quốc lộ 21B chạy theo hướng Bắc-Nam, phía tả ngạn sông Đáy; qua các thị trấn Kim Bài huyện Thanh Oai, Vân Đình huyện Ứng Hòa của Hà Nội; các đô thị Quế huyện Kim Bảng, thành phố Phủ Lý của tỉnh Hà Nam và trở thành tuyến đường nối 2 thành phố Phủ Lý - Nam Định.

Khi qua cầu Đò Quan (Nam Định) quốc lộ 21B đi về phía Nam xuyên các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Hải Hậu, Nghĩa Hưng của Nam Định. Từ thị trấn Quỹ Nhất Quốc lộ 21B đổi hướng chính Tây Bắc và vượt sông Đáy vào địa phận tỉnh Ninh Bình. Trên tỉnh Ninh Bình, quốc lộ 21B đi từ đê Quang Thiện theo đường Lạc Thiện tới sông Ân đi bên kia sông so với quốc lộ 10, qua đô thị Phát Diệm, đi dọc đê xã Tân Thành tới Lồng, theo đường 480E xuyên hồ Yên Thắng và kết thúc tại thành phố Tam Điệp.

Tổng chiều dài tuyến Quốc lộ 21B sau khi xây dựng khoảng 210 km, tuy nhiên thực tế cự ly từ điểm đầu Hà Đông đến điểm cuối Tam Điệp chỉ khoảng ~120 km theo đường ô tô nếu đi theo các tuyến đường giao thông khác.

Hiện trên tuyến Quốc lộ 21B đang có nhiều dự án thành phần khác nhau. Trong đó đoạn qua huyện Thanh Oai có tổng chiều dài 16,4km với 4 gói thầu được khởi công cách đây 2-4 năm nhưng hiện vẫn chưa hoàn thành do vướng mặt bằng tại nhiều vị trí, khiến cho tuyến đường này xuất hiện nhiều nút thắt cổ chai. Vướng mặt bằng hiện nay chủ yếu liên quan đến đất ở, đoạn từ tỉnh lộ 427 đến thị trấn Kim Bài vướng đất ở thuộc xã Bình Minh và Thanh Mai; đoạn từ thị trấn Kim Bài đến ngã tư Vác vướng đất ở xã Phương Trung, Dân Hòa với chiều dài khoảng 200m; đoạn từ ngã tư Vác đến hết địa phận huyện Thanh Oai và từ nút giao tỉnh lộ 427 đến cầu Thạch Bích đang triển khai thi công xử lý nền, tập trung giải phóng mặt bằng phần đất ở và tạ tầng ngầm/nổi.

Hiện nay thành phố Hà Nội đã giao cho huyện Thanh Oai phê duyệt giá đất ở, nhưng trong quá trình thực hiện giá đất ở được huyện phê duyệt thấp hơn nhiều so với giá đất hiện nay đang giao dịch ngoài thị trường nên việc đồng thuận của nhân dân không cao, dẫn đến tiến độ giải phóng mặt bằng đất ở rất chậm.

Cẩm Tú

Theo Chất lượng và cuộc sống