Tỷ giá VND/USD tăng mạnh, ngân hàng lãi lớn nhờ kinh doanh ngoại hối

Với giá bán thường cao hơn nhiều so với giá mua giúp các ngân hàng lãi lớn từ hoạt động kinh doanh ngoại hối. Một số chuyên gia tài chính cho rằng tỷ giá càng tăng thì ngân hàng càng lãi lớn trong mảng kinh doanh ngoại hối.

Ngân hàng lãi lớn nhờ kinh doanh ngoại hối

 Kinh doanh ngoại hối đang trở thành mảng kinh doanh béo bở của các ngân hàng. Trong nửa đầu năm 2023, khi nhiều hoạt động kinh doanh chính khác sụt giảm mạnh, nhiều ngân hàng vẫn thu lãi đậm từ kinh doanh ngoại hối. Tại một số nhà băng, hoạt động này đạt tốc độ tăng trưởng ba chữ số.

Tổng lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối của 27 ngân hàng trên sàn chứng khoán và Agribank trong 6 tháng đầu năm nay đạt gần 12.000 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, nhóm Big4 (gồm: VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank) ghi nhận gần 8.300 tỷ đồng lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối trong nửa đầu, tăng 30% so với cùng kỳ và chiếm 69% tổng lãi thuần toàn ngành.

 Vietcombank tiếp tục nắm giữ vị trí quán quân về lợi nhuận từ kinh doanh ngoại hối nhờ lợi thế đặc thù về hoạt động ngoại thương trong nhiều năm. Nhà băng này ghi nhận lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt gần 3.200 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. 

VietinBank ghi nhận lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 47,1%, khoảng 2.350 tỷ đồng. BIDV thu về gần 1.500 tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ. Agribank báo cáo lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối nhảy vọt thêm 124,5%, đạt gần 1.300 tỷ đồng. 

 Nhiều ngân hàng trong nhóm tư nhân cũng có kết quả tích cực từ kinh doanh ngoại hối. Đặc biệt, có tới 3 nhà băng ghi nhận mức tăng trưởng lãi từ kinh doanh ngoại hối ở mức ba con số, là: OCB (427,4%), LPBank (334%), BaoVietBank (152,5%).

Dù kết quả có sự phân hóa lớn nhưng đa số các ngân hàng vẫn ghi nhận lãi lớn từ hoạt động kinh doanh ngoại hối trong nửa đầu năm 2023, đặc biệt có sự tăng trưởng rất mạnh nếu so sánh với những năm trước đó.

 Kết quả tích cực từ kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng được dự báo từ trước trong bối cảnh chỉ số đồng USD vẫn duy trì được sức mạnh khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dần đi vào chặng cuối của chu kỳ nâng lãi suất.

Tỷ giá VND/USD tăng mạnh, ngân hàng lãi lớn nhờ kinh doanh ngoại hối - Ảnh 1

Chênh lệch tỷ giá tăng cao, ngân hàng lãi lớn

Tại mảng kinh doanh ngoại hối ở các nhà băng, đa phần lợi nhuận đến từ hoạt động mua bán ngoại tệ giao ngay. Điều này tương ứng nguồn thu nhập đến từ chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra.

Đây là hoạt động có lợi nhuận ổn định của các ngân hàng, khi nguồn thu nhập đến từ chênh lệch giữa giá mua vào và bán giao ngay luôn được duy trì ở một mức biên xác định. Các ngân hàng quốc doanh có được nguồn thu lớn và ổn định từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giao ngay nhờ quy mô giao dịch "khổng lồ" của mình.

Hiện giá bán USD tại các ngân hàng vẫn đang cao hơn thị trường chợ đen 70-85 đồng, trong khi giá mua thấp hơn khoảng 200-300 đồng. Nói dễ hiểu, các ngân hàng đang mua USD với giá rẻ hơn nhiều so với chợ đen, trong khi bán ra đắt hơn.

Hơn nữa, chênh lệch giữa giá mua và giá bán tại các ngân hàng thương mại, giá bán USD niêm yết trong nửa đầu năm nay thường xuyên cao hơn giá mua từ 350-400 đồng/USD, cao hơn nhiều so với cùng kì 2021 (chỉ khoảng hơn 200 đồng). Với mức chênh lệch tăng cao nhất lên đến gấp đôi như vậy, không khó hiểu khi các ngân hàng lãi lớn ở hoạt động này.

Chênh lệnh giá mua - bán lớn giúp các ngân hàng có được biên lợi nhuận cao hơn trên mỗi giao dịch, đồng thời khối lượng giao dịch cũng có xu hướng tăng.

Sự nới rộng về chênh lệnh giá mua - bán cùng với mức chênh lệch giá bán nói trên giúp các ngân hàng lãi lớn trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ.

Thêm nữa, giai đoạn tỷ giá biến động mạnh là thời điểm thuận lợi và cơ hội cho các ngân hàng lướt sóng, kiếm lợi nhuận ở hoạt động kinh doanh ngoại tệ.

Sau giai đoạn tương đối ổn định trong nửa đầu năm, tỷ giá USD/VND đã có những biến động đáng chú ý trong thời gian gần đây. Điều này sẽ nới rộng chênh lệch lãi suất USD-VND trên thị trường liên ngân hàng vốn đang ở mức cao kỷ lục. Theo một số chuyên gia tài chính thì tỷ giá càng tăng ngân hàng càng lãi lớn trong mảng kinh doanh ngoại hối.

Cùng với đó, lợi nhuận từ kinh doanh ngoại tệ của các nhà băng còn đến từ hoạt động mua - bán USD giữa các ngân hàng với Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Nửa đầu năm nay, NHNN thường xuyên duy trì giá mua USD tại Sở Giao dịch cao hơn 100-200 đồng/USD so với giá mua USD mà các ngân hàng áp dụng cho khách hàng. Với diễn biến này, các ngân hàng chỉ cần mua USD từ khách hàng và bán lại cho NHNN thì mức lãi thuần cũng lên đến cả nghìn tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến nay, nhà điều hành đã mua vào hơn 6 tỷ USD thông qua các nhà băng.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đang lãi lớn từ hoạt động cho vay.

Các ngân hàng đều đang sử dụng nghiệp vụ Swap để hoán đổi USD sang VND, sau đó dùng VND để cho vay các doanh nghiệp. Do đó, dù ngân hàng có thể lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, song tựu chung ngân hàng vẫn lãi ròng từ nguồn ngoại hối mang lại.

Trong trường hợp tỷ giá tăng, ngân hàng sẽ hưởng lãi kép: vừa lãi từ nghiệp vụ cho vay vừa hưởng lãi nhờ tỷ giá tăng. Trong trường hợp tỷ giá giảm, ngân hàng sẽ lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại hối nhưng sẽ được bù đắp từ hoạt động cho vay.

Với lợi nhuận từ hoạt động cho vay bao giờ cũng lớn hơn nhiều so với mức giảm của tỷ giá USD/VND, nên lãi ròng của ngân hàng từ kinh doanh ngoại hối vẫn rất lớn.

Ngoài ra, những ngân hàng có thế mạnh về kinh doanh ngoại tệ, đặc biệt là có cơ sở khách hàng doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu lớn, thì càng có nhiều lợi thế ở hoạt động này. Bởi trong giai đoạn thị trường ngoại hối thường xuyên biến động, rủi ro tỷ giá lớn buộc các khách hàng này phải mua các hợp đồng mua bán ngoại tệ kỳ hạn hoặc quyền chọn, từ đó giúp các ngân hàng càng gia tăng nguồn thu phí từ các hợp đồng này.

Dễ nhận thấy, nhóm ngân hàng thương mại gốc quốc doanh hay các ngân hàng thương mại tư nhân hàng đầu có khách hàng xuất nhập khẩu lớn cũng như có lợi thế về nguồn ngoại tệ dồi dào thường có kết quả lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối cao và tăng trưởng mạnh.

Minh Dũng

Theo VietnamFinance