Tỷ giá VND/USD đột ngột 'dậy sóng': Nỗi lo cuối năm lại dồn về
Tỷ giá VND/USD bất ngờ tăng cao sau 7 tháng khá yên ả. Tỷ giá trong nửa cuối năm được cho là sẽ tăng nhưng trong mức độ biến động ở mức cho phép nhưng điều này có thể gây khó khăn hơn cho đà giảm lãi suất.
Tỷ giá đột ngột tăng mạnh
Sau giai đoạn tương đối ổn định trong nửa đầu năm, tỷ giá USD/VND đã có những biến động khá mạnh trong thời gian gần đây.
Tỷ giá VND/USD tăng mạnh trong những tuần đầu tháng 8. Trong hai tuần gần đây, tỷ giá USD tăng 1,65% so với đầu năm và tăng 2% so với mức thấp nhất thiết lập trong tháng 5.
Ngày 15/8, tỷ giá VND/USD tiếp tục tăng mạnh. Trong phiên này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nâng giá bán USD và tăng tỷ giá trung tâm ở mức cao lịch sử.
Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 15/8, NHNN đã đẩy giá bán USD tại Sở giao dịch từ 24.990 VND/USD lên 25.025 VND/USD, tương ứng mức tăng 35 đồng và chỉ còn thấp hơn mức trần cho phép 50 đồng/USD. Lần điều chỉnh này của NHNN đã khiến giá bán USD lên mức cao nhất từ trước tới nay. So với đầu năm, giá bán USD đã tăng thêm 245 đồng, tương đương 1%. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giá bán USD vượt mốc 25.000 đồng.
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày 15/8 đạt 23.881 đồng/USD, tăng thêm 33 đồng so với ngày hôm trước. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm tăng 275 đồng. Tỷ giá trung tâm cũng đồng thời đang ở mức cao nhất từ trước tới nay.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá VND/USD cũng tăng vọt, đóng cửa ngày 15/8 ở mức 23.970 đồng/USD và trong ngày đã từng đạt mức 24.020 đồng/USD. Giá USD ghi nhận mức tăng 0,55% so với cách đây một tuần và tăng gần 2% so với năm ngoái. Tuy nhiên, mức giá hiện vẫn đang thấp hơn mức kỷ lục đạt được trong 52 tuần qua ở mức 24.877 đồng/USD.
Cùng xu hướng, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại cũng được điều chỉnh tăng mạnh.
Giá USD trong các ngân hàng chốt phiên 15/8 tăng mạnh, vượt 24.000 đồng và đạt mức cao nhất nửa năm nay. Có ngân hàng lớn tăng giá cả 2 chiều mua bán thêm gần 100 đồng, lên 23.770-24.140 đồng/USD. Còn ở nhóm cổ phần, tỷ giá USD phổ biến ở mức 23.730-24.120 đồng.
Tại thị trường tự do, giá USD ngày 15/8 được mua - bán ở mức 23.800-23.900 đồng/USD. Dù mức giá này đã tăng 50 chiều mua và 70 đồng chiều bán so với ngày trước đó nhưng vẫn thấp hơn các ngân hàng hơn 100 đồng.
Giá USD trong nước ngày 15/8 đều tăng mạnh theo đà tăng của đồng bạc xanh trên thế giới.
USD Index đã tăng lại lên mức 103 điểm trong hai tuần đầu tháng 8 sau khi chạm ngưỡng thấp nhất năm là mức 99,7 điểm trong tháng 7. Hiện giá USD thế giới đã lên mức cao nhất trong vòng 1 tháng.
Việc giá USD đã đứng im suốt 7 tháng qua bất ngờ tăng đột ngột một phần đến từ việc NHNN đã tăng tỷ giá trung tâm khá mạnh khiến mức giá bán ra của Sở Giao dịch NHNN tăng vọt. Mức giá 25.000 đồng được xem là khá "nhạy cảm" trên thị trường.
Thêm vào đó, mức chênh lệch lãi suất giữa USD và tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng được duy trì ở mức cao trong suốt thời gian qua đang kích thích hoạt động đầu cơ, tạo sức ép với tỷ giá. Lãi suất tiền đồng hiện cao hơn USD từ 0,3-4,85%/năm.
Tỷ giá tăng cản đà giảm lãi suất
Giá USD tại Việt Nam tăng mạnh trong bối cảnh sức ép tỷ giá có xu hướng gia tăng ở khu vực châu Á.
Các nước châu Á đảo chiều chính sách tiền tệ để hỗ trợ hồi phục nền kinh tế, vốn bị ảnh hưởng bởi một loạt biến cố, từ đại dịch Covid-19 cho tới xung đột tại Ukraine, xuất khẩu sụt giảm.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sáng 15/8 bất ngờ hạ lãi suất chủ chốt với mức mạnh nhất kể từ năm 2020 trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phục hồi chậm chạp, tỷ lệ thất nghiệp cao. Đồng Nhân dân tệ (NDT) và lợi suất trái phiếu ngay lập tức giảm mạnh. NDT xuống còn 7,273 NDT đổi 1 USD, mức thấp nhất trong 10 tháng qua.
Trong khi đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và có thể tăng lãi suất thêm 1 lần nữa trong tháng 9.
Tại Việt Nam, NHNN đã 4 lần hạ lãi suất điều hành và đang được kỳ vọng sẽ có thêm 1 lần giảm lãi suất nữa, khoảng 50 điểm phần trăm.
Giới phân tích nhận định tỷ giá trong nửa cuối năm sẽ tăng nhưng trong mức độ biến động ở mức cho phép.
Theo công ty tư vấn đầu tư FIDT, Việt Nam thuộc các quốc gia hạ lãi suất/lãi suất thấp so với đồng USD. Tỷ giá trong nửa cuối năm dự báo sẽ tăng nhưng trong mức độ biến động cho phép (thường là không quá +2% so với đầu năm).
Còn theo ông Đinh Quang Hinh, chuyên gia phân tích tại VnDirect, sức ép tỷ giá cuối năm sẽ phụ thuộc vào diễn biến lãi suất USD cũng như định hướng hạ lãi suất của NHNN để hỗ trợ tăng trưởng và lạm phát trong nước. Tỷ giá có thể biến động mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023 nhưng mức độ dao động không quá 2% so với hồi đầu năm.
MBS Research cho rằng mặc dù áp lực lên VND đã tăng nhưng không gây áp lực lên ổn định kinh tế vĩ mô. MBS dự báo tỷ giá tiếp tục đi lên trước khi giảm nhẹ trở lại vào năm sau.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế và Thị trường Ngoại hối Việt Nam 6 tháng cuối năm 2023, Shinhan Bank cho biết VND có thể đối mặt với nguy cơ mất giá trong ngắn hạn nhưng sau đó sẽ ổn định trở lại.
NHNN hiện đang ưu tiên các chính sách nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và để tỷ giá VND/USD biến động ở mức thấp. Ngày 15/8, NHNN đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm thêm 1,5-2% lãi vay, áp dụng với cả khoản vay hiện hữu.
Các chuyên gia nhận định, dù áp lực lên VND đã tăng nhưng chưa đến mức đáng ngại, khó có thể khiến NHNN đảo chiều chính sách. Tuy vậy, cầu USD gia tăng do yếu tố mùa vụ cuối năm trong buộc nhà điều hành phải cẩn trọng. Nếu tỷ giá tiếp tục đi lên, kỳ vọng về việc NHNN tiếp tục hạ lãi suất điều hành sẽ khó xảy ra.