Tỷ phú thép cơ ngơi khủng; 'con cưng' Shark Liên bị kiện

Tỷ phú Trần Đình Long nắm cơ ngơi 11 tỷ USD; công ty Shark Liên bị đại gia Thái Lan đưa ra tòa trọng tài... là tin tức nổi bật trong tuần.

Tỷ phú thép nắm cơ ngơi 11 tỷ USD

Reuters vừa công bố công bố Top 30 công ty thép vốn hóa lớn nhất thế giới, trong đó có một doanh nghiệp Việt Nam. Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long đứng thứ 15 trong danh sách này với mức vốn hóa 11 tỷ USD, lớn hơn vốn hóa của Tập đoàn Thép hàng đầu Nhật Bản là JFE Holdings.

Với công suất thép thô 8 triệu tấn/năm, Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á và tương đương nhà sản xuất thép Top 50 thế giới.

Tập đoàn Hòa Phát hiện có vốn điều lệ 44.729 tỷ đồng, lớn thứ 4 trong số các doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam. Trong phiên giao dịch ngày 6/10, cố phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát chính thức lập đỉnh mới khi đóng cửa ở mức 56.100 đồng. Với tổng số 4,4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, mức vốn hóa của HPG đạt 247.000 tỷ đồng, tương đương 11 tỷ USSD.

Tính tới hết 6/10, theo Forbes, ông Trần Đình Long có tài sản ròng 3,8 tỷ USD, xếp thứ 853 trên thế giới và là người giàu thứ hai Việt Nam, chỉ sau Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng.

Công ty của tỷ phú Trần Bá Dương thành chủ mới của Emart

Trong thông tin phát đi ngày 9/10, Thaco - công ty của tỷ phú Trần Bá Dương cho biết giao dịch chuyển nhượng 100% vốn và nhượng quyền độc quyền tiếp quản kinh doanh Emart tại thị trường Việt Nam vừa hoàn tất vào cuối tháng 9.

Việc này đồng nghĩa Thaco chính thức thành chủ sở hữu mới của hệ thống siêu thị Emart Việt Nam. Trước đó, hồi tháng 5 hai bên đã ký thoả thuận chuyển nhượng.

Thaco cũng tiết lộ kế hoạch sẽ mở thêm 2 siêu thị tại TP.HCM vào năm 2022 và sẽ mở rộng hệ thống với 10 siêu thị vào năm 2025.

Theo hợp đồng chuyển nhượng, Thaco sẽ điều hành, quản trị và mở rộng hệ thống siêu thị Emart tại Việt Nam. Phía Hàn Quốc sẽ cử đội ngũ quản lý cấp cao và duy trì cung ứng hàng hóa nhãn hiệu riêng từ Hàn Quốc với giá cả cạnh tranh. Như vậy, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam của Emart sẽ không có bất kỳ sự thay đổi nào.

Hồi tháng 5/2021, ông Trần Bá Dương chia sẻ lý do đi đến quyết định mua lại chuỗi siêu thị Emart. Thứ nhất, sức ảnh hưởng của các trung tâm thương mại sẽ nhỏ dần, co cụm về các thành phố lớn và chủ yếu phục vụ nhu cầu ăn uống tại chỗ. Trong khi đó, các đại siêu thị là xu hướng ngày càng phổ biến và được ưa chuộng, đặc biệt ở các tỉnh.

Thứ hai, cá nhân ông đang theo đuổi và quyết tâm làm đến cùng mô hình "một điểm dừng, nhiều tiện ích". Điểm dừng này vừa là nơi để khách hàng mua và bảo dưỡng ôtô, trải nghiệm trung tâm hội nghị - tiệc cưới, các hoạt động vui chơi, giải trí trong nhà lẫn mua sắm các thực phẩm thiết yếu. Do đó, bán lẻ là mảnh ghép Thaco còn thiếu để hoàn thiện mô hình này.

Thứ ba là nền tảng Emart tốt. Chuỗi này còn lỗ luỹ kế 115 tỷ đồng do chi phí xây dựng trước đây, nhưng kết quả kinh doanh những năm gần đây rất khả quan. Điển hình như năm ngoái, chỉ với một cửa hàng, siêu thị này có doanh thu xấp xỉ 1.650 tỷ đồng và lãi 43 tỷ đồng.

"Con cưng" của Shark Liên bị đại gia Thái Lan đưa ra tòa trọng tài

Tập đoàn WHAUP báo cáo với Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan về việc gửi đơn lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) vào cuối tháng 9 liên quan đến hợp đồng đầu tư vào Nhà máy Nước mặt Sông Đuống.

Tháng 10/2019, WHAUP thành lập pháp nhân tại Việt Nam để mua lại 34% cổ phần Nhà máy Nước mặt Sông Đuống, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước sạch tại Hà Nội. Giá trị giao dịch là 1.886 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ baht.

Tập đoàn Thái Lan đưa công ty của Shark Liên ra tòa trọng tài.  
Tập đoàn Thái Lan đưa công ty của Shark Liên ra tòa trọng tài.  

Theo thỏa thuận, phía WHAUP được quyền bán toàn bộ 34% cổ phần nói trên cho Công ty Cổ phần nước Aqua One với giá đã mua cộng với chi phí ghi sổ theo quy định trong hợp đồng. Điều khoản này được kích hoạt nếu Nhà máy Nước mặt Sông Đuống không chuyển cho WHAUP giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sửa đổi, tăng công suất dự án từ 300.000 m3/ngày lên 600.000 m2/ngày trước thời điểm 25/10/2020.

Tuy nhiên, phía doanh nghiệp Việt Nam đã không chuyển cho doanh nghiệp Thái Lan giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sửa đổi đúng thời hạn. Do đó, WHAUP vào tháng 11/2020 đã gửi văn bản thông báo cho Aqua One thực hiện nghĩa vụ mua lại cổ phần Nhà máy Nước mặt Sông Đuống theo hợp đồng.

Theo đó, Aqua One phải mua lại 34% cổ phần Nhà máy Nước mặt Sông Đuống từ phía WHAUP trước ngày 7/6 năm nay. Nhưng tập đoàn Thái Lan cho biết Aqua One vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ của mình.

Do đó, WHAUP đã gửi đơn lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) vào ngày 30/9. Nếu tòa trọng tài phán quyết Aqua One phải mua lại 34% cổ phần Nhà máy Nước mặt Sông Đuống từ WHAUP như quy định trong hợp đồng, doanh nghiệp Thái Lan sẽ nhận 1.886 tỷ đồng cộng với chi phí ghi sổ.

Công ty Cổ phần Aqua One thành lập năm 2014 do bà Đỗ Thị Kim Liên làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Nữ doanh nhân này được mệnh danh là Shark Liên khi tham gia vai trò nhà đầu tư trong chương trình truyền hình thực tế về khởi nghiệp Shark Tank Việt Nam.

Nhà máy Nước mặt sông Đuống được quy hoạch trên diện tích gần 61,5 ha, với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, nằm tại huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Dự án khánh thành giai đoạn một vào năm 2019.

Theo cơ cấu cổ đông hiện tại do phía Aqua One công bố, công ty của Shark Liên là chủ sở hữu Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống với 51% vốn góp. Phía WHAUP của Thái Lan nắm giữ 34% vốn. Hai cổ đông còn lại là Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (10%), Công ty TNHH MTV Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch (5%).

FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết sắp chào bán gần 500 triệu cổ phiếu

Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC vừa cập nhật phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Theo đó giá chào bán được quyết định là 10.000 đồng/cổ phiếu và phương án đảm bảo đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Tỷ lệ thực hiện quyền là 70%, tức mỗi cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu cũ được quyền mua thêm 7 cổ phiếu mới. Khối lượng chào bán dự kiến là xấp xỉ 497 triệu đơn vị và qua đó nâng tổng số lượng đang lưu hành lên hơn 1,2 tỷ cổ phiếu, tương đương mức vốn điều lệ mới hơn 12.000 tỷ đồng.

Như vậy nếu bán được toàn bộ theo kế hoạch, tập đoàn được điều hành bởi ông Trịnh Văn Quyết có thể thu về số tiền xấp xỉ 4.970 tỷ đồng.

Theo kế hoạch sử dụng vốn, tập đoàn dự kiến chi khoảng 4.500 tỷ đồng đầu tư vào 7 dự án bất động sản và khoảng 497 tỷ đồng còn lại sẽ dùng để bổ sung vốn lưu động.

Minh Thái (Tổng hợp)

Theo Đất Việt