Ông Hạnh Nguyễn định mua 10 máy bay: Tính toán nhà giàu

TS Lê Văn Bảy cho biết, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn muốn đi đường dài với vận tải hàng hóa bằng đường không.

Trong thư vừa gửi đến Thủ tướng, ông Nguyễn Hạnh (Johnathan Hạnh Nguyễn), Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG), tiếp tục đề nghị Thủ tướng quan tâm hỗ trợ dự án lập hãng bay vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo và hệ thống kho hàng phân phối trung tâm hậu cần Bellazio Logistics.

Ông Hạnh Nguyễn cũng khẳng định, hiện IPP Air Cargo lên kế hoạch ký biên bản ghi nhớ mua 10 máy bay B777 Freighter vận chuyển hàng hóa trị giá khoảng 3,5 tỷ USD với Tập đoàn Boeing. Nếu thương vụ này được thực hiện thành công, IPP Air Cargo sẽ có năng lực vận tải hàng hóa bằng đường hàng không lớn bậc nhất khu vực Đông Nam Á.

Ủng hộ thành lập hãng bay vận tải hàng hóa của Việt Nam, chuyên gia logistics - TS Lê Văn Bảy cho biết, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn muốn đi đường dài với vận tải hàng hóa bằng đường không.

Hồi đầu tháng 6, doanh nhân này xin thành lập dự án hãng hàng không vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng (khoảng 100 triệu USD), trong đó 30% là vốn chủ sở hữu, 70% còn lại là vốn huy động. Tuy nhiên, Bộ GTVT chưa đồng ý chủ trương thành lập hãng bay này trong bối cảnh ngành hàng không vẫn đang gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh.

Dù vậy, ông Johnathan Hạnh Nguyễn vẫn chưa từ bỏ tham vọng lập hãng bay chở hàng. Cuối tháng 7, ông kiến nghị Thủ tướng cho phép chuẩn bị các thủ tục để lập hãng bay chuyên biệt vận tải hàng hoá trong lúc đợi thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022).

Đề xuất này giúp hãng có cơ sở xúc tiến các công việc như đàm phán, ký hợp đồng mua tàu bay với Boeing, xúc tiến các cuộc gặp cấp cao với phía Mỹ để giúp cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.

Đồng thời, ông cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT hướng dẫn, thẩm định các thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không nhằm đáp ứng các điều kiện an toàn bay theo quy định hiện hành.

Việt Nam chưa có hãng hàng không chở hàng hóa chuyên biệt  
Việt Nam chưa có hãng hàng không chở hàng hóa chuyên biệt  

TS Lê Văn Bảy nhấn mạnh, trong điều kiện Covid, ngành vận tải nào cũng đi xuống, ngược lại vận tải hàng hóa bằng đường không tăng trưởng rất nhanh, đặc biệt là khi cước vận tải biển tăng gấp 8-10 lần thì doanh nghiệp sẵn sàng chọn vận tải hàng hóa bằng đường không.

"Tiềm năng thị trường rất lớn. Ở đây, doanh nghiệp tự đầu tư bằng tiền của họ, Nhà nước không phải bỏ ra đồng nào thì cần phải khuyến khích. Khi bay nhiều thì tiền cước sẽ rẻ đi mà như vậy càng nhận được sự ủng hộ của doanh nghiệp. Hơn nữa, thị trường phải có cạnh tranh thì doanh nghiệp mới chịu cải tiến và phát triển được.

Doanh nghiệp Việt mua máy bay của Mỹ chắc chắn được họ ủng hộ và sẽ cố gắng giúp, chẳng hạn như giảm thuế, phí vì đó là nguyên tắc có đi có lại.

Đáng lưu ý, ông Johnathan Hạnh Nguyễn lên kế hoạch lập hãng bay chở hàng riêng biệt kèm theo chuỗi liên hoàn trung tâm logistics thì quá tốt vì hàng hóa xuống sân bay cần đưa về kho hàng rồi từ đó phân phối.

Đầu tư ban đầu của doanh nghiệp vì thế rất lớn, nhưng lợi ích thu lại thì nhiều. Nó cũng giống như chuyện địa phương nào ở Việt Nam cũng muốn có cảng, vì đi kèm với cảng là hàng loạt thứ khác ăn theo, và số tiền thu lại được gấp nhiều lần so với chi phí bỏ ra xây cảng.

Dĩ nhiên, ở đây Nhà nước được lợi. Doanh nghiệp của ông Hạnh Nguyễn tự bỏ tiền mua máy bay, tự bỏ tiền xây dựng trung tâm logistics, từ đó người lao động có việc làm, góp phần phục hồi kinh tế, tăng trưởng GDP. Rõ ràng, rất nhiều cái lợi và Nhà nước nên khuyến khích, tạo điều kiện", TS Lê Văn Bảy chỉ rõ.

Đối với kế hoạch mua 10 máy bay B777 Freighter, vị chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp sẽ không nhận một lúc tất cả mà theo lịch trình. Thậm chí, trong trường hợp hàng hóa không nhiều mà doanh nghiệp khác muốn thuê lại, họ sẵn sàng cho thuê.

Nhắc lại việc Bộ GTVT từ chối đề xuất thành lập hãng bay vận tải hàng hóa của ông Hạnh Nguyễn cách đây vài tháng, TS Lê Văn Bảy cho rằng lời từ chối ấy chưa thỏa đáng, thậm chí có tâm lý sợ các hãng bay hiện tại có thêm đối thủ cạnh tranh.

Bệnh dịch khiến các hãng hàng không chuyển sang vận chuyển hàng hóa là chính, thậm chí còn tháo ghế khoang hành khách để chở hàng, tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tạm thời bởi thiết kế không phù hợp.

TS Lê Văn Bảy lưu ý đến thực tế, riêng về đường hàng không, Việt Nam chưa có hãng hàng không chở hàng hóa chuyên biệt, gần 90%  thị phần đang nằm trong tay các hãng máy bay Cargo quốc tế. Hiện nay các hãng Air Cargo quốc tế như UPS, DHL Aviation, Airbrigde Cargo, EVA Air, FedEx… rất mạnh nên các doanh nghiệp Việt Nam không cạnh tranh được.

Bên cạnh đó, hệ thống logistics của Việt Nam chưa phát triển, chi phí vận chuyển hàng hóa cao hơn nhiều so với thế giới, làm giảm sức cạnh tranh vì các kho hàng, bến bãi, vận chuyển chưa được đầu tư. Việt Nam không có máy bay lớn chuyên dụng để chuyển hàng hóa nhanh nên phải phụ thuộc vào các doanh nghiệp ngoại, chấp nhận bị họ ép giá.

"Phải giành lại thị phần vận tải hành khách từ các hãng nước ngoài, chưa kể máy bay chở hàng hóa không chỉ đơn thuần mang lại lợi ích kinh tế", TS Bảy nói.

Thành Luân

Theo Đất Việt