Bà Phương Hằng bị tố; Con gái bầu Đức gom cổ phiếu

Bà Nguyễn Phương Hằng bị các nghệ sĩ nộp đơn tố cáo; con gái bầu Đức chi tiền tỷ gom cổ phiếu HAGL... là tin tức nổi bật trong tuần.

Bà Nguyễn Phương Hằng bị loạt nghệ sĩ tố cáo

Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM mới đây đã tiếp nhận đơn của ông Huỳnh Minh Hưng (tức ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), ông Võ Nguyễn Hoài Linh (NSƯT Hoài Linh) và bà Trịnh Kim Chi (NSƯT Kim Chi) tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng (50 tuổi, Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Nam ở Bình Dương).

Sau khi xem xét nội dung đơn, các đơn tố cáo đã được Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM tiếp nhận để xử lý, xác minh theo đúng thẩm quyền. Các nghệ sĩ tố cáo bà Hằng về hành vi vu khống, xúc phạm danh dự...

Bà Nguyễn Phương Hằng bị nhiều nghệ sĩ nộp đơn tố cáo  
Bà Nguyễn Phương Hằng bị nhiều nghệ sĩ nộp đơn tố cáo  

Thời gian qua, bà Nguyễn Phương Hằng liên tục làm dậy sóng mạng xã hội, từ những livestream đề nghị một số nghệ sĩ phải sao kê từ thiện; đồng thời tố các nghệ sĩ này ăn chặn tiền từ thiện…

Cũng liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng, Công an TP.HCM đã phục hồi giải quyết, tiếp tục điều tra, xác minh vụ bà Nguyễn Phương Hằng tố cáo ông Võ Hoàng Yên có hành vi lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố khác.

Đại gia Yeah1 rơi vào bi đát

Tập đoàn Yeah1 của ông trùm truyền thông và truyền hình Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đang rơi vào thời kỳ khủng hoảng chưa từng có và chưa có tín hiệu hồi phục.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) tiếp tục duy trì diện kiểm soát đối với cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1 và sẽ xem xét hướng xử lý tiếp theo sau khi có báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 được kiểm toán.

Trước đó, HOSE đã nhận được báo cáo tài chính hợp nhất bán niên của YEG với lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trong 6 tháng đầu năm âm gần 197 tỷ đồng. Lợi nhuận lũy kế chưa phân phối tới ngày 30/6/2021 âm hơn 184 tỷ đồng.

Yeah1 đang ở trong tình trạng khá bi đát sau tham vọng bất thành vươn tầm quốc tế trong lĩnh vực truyền thông nhưng dựa trên nền tảng của các ông lớn công nghệ như Youtube trong vài năm trước. Từ đầu năm tới nay, giá cổ phiếu Yeah1 đã giảm 60%.

Cổ đông lớn là bà Trần Uyên Phương đã liên tục thoái vốn khi bán ra lượng cổ phiếu Yeah1 đã từng mua ở mức giá 50.000 đồng/cp còn bán ra ở mức 15.000-17.000 đồng/cp. Cụ thể, trong giao dịch đầu tháng 8, bà Phương tiếp tục bán ra 1,36 triệu cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1 và giảm tỷ lệ sở hữu tại Yeah1 xuống còn 14,5% vốn, tương đương 4,56 triệu cổ phiếu.

Con gái bầu Đức lại chi tiền tỷ gom cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai

Đoàn Hoàng Anh, con gái ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG), mới đây đã đăng ký mua thêm 4 triệu cổ phiếu để tăng sở hữu. Giao dịch dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 27/9 đến 26/10, theo hình thức khớp lệnh trên sàn.

Với giá cổ phiếu HAG hiện nay, 4 triệu cổ phiếu HAG con gái bầu Đức định mua vào có giá trị thị trường khoảng hơn 20 tỷ đồng.

Cái tên Đoàn Hoàng Anh chính thức xuất hiện từ đầu năm 2020. Con gái bầu Đức đứng tên phần vốn góp 24,5% trong Công ty Cổ phần Cà phê Ông Bầu.

Trước đó, trong tháng 8, con gái bầu Đức đã mua vào 4 triệu cổ phiếu để sở hữu 0,4% cổ phần tập đoàn của cha. Nếu tiếp tục hoàn tất giao dịch này, ái nữ của bầu Đức sẽ sở hữu 0,9% cổ phần Hoàng Anh Gia Lai.

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang lấn sân

Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang thông qua công ty con The Sherpa vừa công bố hoàn tất mua lại 70% cổ phần Công ty Cổ phần Mobicast với tổng giá trị tiền mặt là 296 tỷ đồng.

Mobicast là công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực mạng di động ảo, sở hữu thương hiệu mạng Reddi tích hợp hoàn chỉnh các dịch vụ viễn thông. Các công ty mạng di động ảo cung cấp dịch vụ di động nhưng không sở hữu hạ tầng mạng lưới viễn thông, hợp tác với các nhà mạng di động truyền thống để sử dụng các dịch vụ truyền dẫn, cơ sở hạ tầng có sẵn để cung cấp dịch vụ viễn thông.

Trong mô hình này, các nhà mạng truyền thống thu về lợi ích nhờ công suất sử dụng mạng gia tăng, trong khi đó các công ty mạng di động ảo có thể tận dụng hạ tầng mạng truyền dẫn và thu phát sóng đã có sẵn.

Mua lại công ty mạng di động ảo là bước tiếp theo của Masan trong chiến lược mở rộng hệ sinh thái tiêu dùng "tất cả trong một". Sau khi mua lại Mobicast, Masan dự kiến sẽ đưa nhà mạng di động ảo này tiếp cận khách hàng thông qua hệ thống bán lẻ của mình.

Thâu tóm thêm nhà mạng di động ảo trên là thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) mới nhất của Masan trong năm nay. Từ đầu năm đến nay, tập đoàn của tỷ phú Nguyễn  Đăng Quang liên tục công bố nhiều giao dịch M&A lớn.

Khởi đầu từ việc SK rót thêm hơn 400 triệu USD vào VinCommerce, sau đó Alibaba cùng các nhà đầu tư khác đổ 400 triệu USD vào công ty mẹ của VinCommerce là TheCrownX. Kế tiếp, tập đoàn của tỷ phú Quang cũng mua lại 15% cổ phần thương hiệu trà sữa Phúc Long và đưa các sản phẩm đồ uống của chuỗi này vào kinh doanh ngay tại các siêu thị VinMart+.

Hiện vốn hóa thị trường của tập đoàn Masan khoảng 170.000 tỷ đồng. Theo thống kê của Forbes, tài sản của Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang hiện khoảng 1,9 tỷ USD, là người giàu thứ 5 tại Việt Nam.

Minh Thái (Tổng hợp)

Theo Đất Việt