Vàng SJC lên 100 triệu/lượng: Mức giá không tưởng hiện thực hóa trong 2025?
Giá vàng trong nước tăng mạnh những ngày qua khi nhu cầu mua, bán của người dân tăng cao cận Tết Nguyên đán. Theo các chuyên gia FIDT, ở kịch bản tích cực, giá vàng SJC có thể chạm mốc 100 triệu đồng/lượng trong năm nay.
Giá vàng tăng mạnh ngày đầu năm 2025
Trong phiên ngày 2/1, giá vàng trong nước tăng mạnh ở cả chiều mua vào và bán ra. Cụ thể, giá vàng miếng SJC hiện được niêm yết ở mức 83,3 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 84,8 triệu đồng/lượng chiều bán ra, tăng tới 900.000 đồng/lượng so với ngày cuối năm 2024.
Không riêng vàng miếng, giá vàng nhẫn SJC cũng được nhiều nhà vàng điều chỉnh tăng trong phiên 2/1. Tại SJC, giá vàng nhẫn hiện ở mức 82,2 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 84,2 triệu đồng/lượng chiều bán ra, tăng 100.000 đồng/lượng. Tại PNJ, giá vàng nhẫn dao động trong khoảng 83,6 – 84,8 triệu đồng/lượng.
Ghi nhận tại nhiều cơ sở kinh doanh vàng, tình hình mua bán vàng vẫn đang sôi động. Chia sẻ với VietnamFinance, đại diện của một cơ sở kinh doanh vàng tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, thị trường vàng đang bước vào giai đoạn cao điểm khi nhu cầu giao dịch vàng của người dân tăng mạnh, nhất là trong bối cảnh Tết Nguyên đán cận kề.
Vàng luôn là một trong những kênh đầu tư phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động. Trong năm 2024, vàng là kênh đầu tư sinh lời cao và được nhiều người ưa chuộng. Giá vàng nhẫn tăng gần 21 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng 34%. Trong khi đó, giá vàng SJC ghi nhận mức tăng 14%, tương ứng 10,2 triệu đồng/lượng.
Ở chiều thế giới, giá vàng thế giới phiên 2/1 không thay đổi nhiều khi vẫn xoay quanh mức 2.627 USD/ounce do nhiều thị trường chưa mở cửa trở lại sau ngày nghỉ Tết Dương lịch 2025.
Trong năm 2024, giá vàng thế giới đã tăng hơn 27,2%, mức tăng giá tốt nhất kể từ năm 2010 đến nay. Giá vàng tăng nhờ nhu cầu mua vàng mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương, căng thẳng địa chính trị và chính sách nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng lớn trên thế giới.
Vàng có thể chạm mốc 100 triệu đồng/lượng?
Trong năm vừa qua, giá vàng thế giới có xu hướng tăng do căng thẳng địa chính trị, nhu cầu tích trữ của các ngân hàng trung ương lớn và những bất ổn về vĩ mô toàn cầu. Các chuyên gia phân tích dự báo, những yếu tố hỗ trợ vàng trong năm 2024 sẽ tiếp tục kéo sang năm 2025.
Theo ông Heng Koon How, Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB Singapore, giá vàng có thể tăng lên mức 3.000 USD/ounce trong năm 2025 khi các động lực thúc đẩy giá vàng vẫn còn nguyên vẹn.
Tuy vậy, tâm lý nhà đầu tư có thể trở nên thận trọng hơn tùy thuộc vào sự thay đổi chính sách dưới nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump. Những quyết sách đó có thể làm gia tăng lạm phát và làm chậm quá trình hạ lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), ảnh hưởng trực tiếp lên giá vàng.
Trong Báo cáo chiến lược phân bổ tài sản 2025 của FIDT, các chuyên gia nhận định, trong năm 2023 - 2024, nhu cầu mua vàng tại Việt Nam đặc biệt tăng cao trong bối cảnh người dân thiếu các kênh để tích sản. Điều này đã khiến giá vàng SJC chênh lệch cao so với giá thế giới.
Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2024, cơ quan quản lý đã thành công điều tiết giá vàng SJC để đảm bảo giá vàng SJC biến động đồng pha và không quá chênh lệch so với giá vàng thế giới. Điều này gián tiếp đã giúp cơn sốt vàng tại Việt Nam hạ nhiệt hiệu quả.
Theo đánh giá của FIDT, trong bối cảnh tình hình địa chính trị và kinh tế toàn cầu vẫn phức tạp, vàng vẫn giữ vững vị thế là một tài sản quan trọng, và xu hướng tăng giá được kỳ vọng sẽ duy trì trong năm 2025 nhưng với tốc độ khiêm tốn hơn so với năm 2024.
Ngoài ra, có 2 yếu tố có thể khiến giá vàng giảm đó là các nỗ lực ngoại giao và hòa bình làm giảm rủi ro địa chính trị, kéo theo nhu cầu trú ẩn an toàn vào vàng giảm. Bên cạnh đó, sự nổi lên của tiền kỹ thuật số như một loại tài sản thay thế làm suy giảm vai trò lưu trữ giá trị truyền thống của vàng.
Ở kịch bản tích cực, giá vàng thế giới có thể chạm mức 3.100 USD/ounce, kéo theo giá vàng SJC trong nước lên 95 – 100 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, trong trường hợp giá vàng thế giới giảm mạnh về mốc 2.080 – 2.100 USD/ounce do kinh tế phục hồi và địa chính trị dịu lại, giá vàng trong nước có thể giảm xuống còn 72 – 75 triệu đồng/lượng.
Các chuyên gia FIDT khuyến nghị, trong đa số các trường hợp, nhà đầu tư chỉ nên phân bổ 5 – 10% tổng tài sản (tùy theo biến động tình hình địa chính trị) vào vàng để đa dạng hóa rủi ro. Đồng thời, không mua vào vàng miếng SJC nếu giá vàng miếng SJC chênh lệch quá cao so với giá vàng thế giới.