Vay tiền trả góp dễ như thế nào?

“Chỉ cần giấy tờ tùy thân, không cần chứng từ chứng minh thu nhập, tôi vẫn vay được tiền từ công ty tài chính một cách dễ dàng”, anh Nguyễn Văn Nam nói.

Sinh năm 1991, anh Nguyễn Văn Nam (tên nhân vật đã được thay đổi), trú tại Yên Phong, Bắc Ninh, là một trong nhiều khách hàng thường xuyên của các siêu thị điện máy. Gần một năm trở lại đây, rất nhiều người dân trong khu bất ngờ khi anh Nam mua sắm rất nhiều trang thiết bị hiện đại trong căn nhà của mình, từ tivi màn hình lớn, máy giặt cho tới điều hòa nhiệt độ.
“Nó vay tiền mua trả góp ở siêu thị trên thị trấn, vay bao nhiêu cũng cho, cứ một thời gian nó lại mang một món đồ về, nhà thì nhỏ mà giờ có tới 2 chiếc tivi”, bà Nguyễn Thị Lễ, hàng xóm anh Nam cho hay.
Dễ như vay tiền trả góp
“Cứ lên siêu thị, mình có nhu cầu vay là nhân viên người ta tư vấn thôi. Mình chỉ cần có giấy tờ tùy thân đầy đủ, sổ hộ khẩu người ta chỉ xem chứ cũng không giữ. Muốn vay mua gì cũng được”, anh Nam nói.
Anh cũng cho hay thủ tục kiểm tra và phê duyệt hồ sơ vay của các công ty mang tiếng khó khăn nhưng thực ra lại rất dễ với những khách hàng vay lần đầu. Khách hàng có nhu cầu vay, công ty muốn cho vay và siêu thị muốn bán được hàng nên ai cũng muốn vay thuận lợi.
Dù làm nghề tự do không có thu nhập ổn định, khi làm hồ sơ vay tiền mua hàng trả góp anh vẫn kê khai làm công nhân tại Samsung, thu nhập 7-9 triệu đồng/tháng.
“Nhân viên chỉ hỏi thu nhập bao nhiêu chứ cũng không xem hợp đồng lao động hay chứng từ chứng minh thu nhập. Có lần sản phẩm mua trả góp cao quá, nhân viên còn tư vấn cho tôi kê khai thu nhập cao hơn để hồ sơ dễ được duyệt hơn”, anh Nam nói.
Anh này cũng cho biết hai vợ chồng anh thay nhau đứng tên các khoản vay khác nhau nên mới mua được nhiều trang thiết bị thông qua hình thức trả góp như vậy.
Thế đến hạn trả tiền thì làm thế nào? - PV đặt câu hỏi. “Cái máy giặt mua được 2 tháng vừa mới đem đi bán rồi, cứ đến hạn trả lãi là nó lại mang cái gì đấy đi bán để trả tiền. Chẳng hiểu sao người ta vẫn cứ cho nó vay nhiều như thế”, bà Lễ nói.
Lợi dụng vay trả góp thành vay "nóng"
Không có thu nhập ổn định nhưng anh Nam cũng mua những sản phẩm trả góp về để sử dụng, khi không còn khả năng trả nợ mới bán đi lấy tiền trả góp. Tuy nhiên, nhiều sinh viên, người không có thu nhập ổn định tại Hà Nội lại lợi dụng các khoản vay trả góp như một cách vay "nóng" khi cần gấp những khoản tiền.
Bằng cách vay tiền mua những chiếc điện thoại đời mới nhất thông qua trả góp, sau đó bán lại cho một vài người quen khác với giá rẻ hơn giá gốc, Nguyễn Văn Thái (quê Nghệ An), sinh viên năm 3 một trường đại học tại Cầu Giấy có thể ăn chênh lệch 10 triệu đồng mỗi chiếc điện thoại. Sản phẩm mà Thái nhắm tới là các mẫu điện thoại đời mới, giá trị nhưng đang được ưu đãi trả góp 0% của các công ty cho vay.
“Sinh viên vay trả góp còn dễ hơn người đi làm, thu nhập thì chưa có nên chỉ cần khai gia đình cho bao nhiêu tiền mỗi tháng, nhờ bạn bè đóng giả người thân trả lời một vài câu hỏi của bên công ty gọi sang là có thể vay dễ dàng”, Thái cho hay.
Vay tien tra gop de nhu the nao? hinh anh 2
Rất nhiều chiếc điện thoại di động đời mới được các công ty cho vay trả góp với lãi suất 0%.
Bằng cách tương tự, Thái đã vay mua trả góp 2 chiếc điện thoại đời mới rồi bán lại cho người quen với giá rẻ hơn 20-30% giá cửa hàng, lấy tiền chênh lệch. Cậu sinh viên cho biết có lần phía công ty cho vay gọi sang các số điện thoại tham chiếu, để xác nhận một số thông tin nhưng có trường hợp bên cho vay cũng không gọi điện xác nhận mà cho vay luôn.
“Đến hạn trả góp cứ đóng tiền đầy đủ thì chẳng ai cấm vay trả góp thêm cả. Em cũng không quỵt tiền của người ta, em cần tiền gấp nên mới dùng cách này, đến tháng trả nợ em vẫn xoay tiền để trả đầy đủ”, Thái chia sẻ.
Thái cũng cho biết có nhiều người cũng vay trả góp theo cách của mình nhưng sau một thời gian không thể xoay tiền trả đành đổi số điện thoại, quỵt nợ công ty cho vay.
“Đến lúc đấy lại chỉ khổ mấy người bị cho số điện thoại tham chiếu, vì không liên lạc được với con nợ thì các công ty này chuyển sang khủng bố các số điện thoại liên quan để nhờ nhắc con nợ trả tiền”, Thái cho hay.
Chị Thùy Dung (29 tuổi, quê Bắc Ninh) từng làm nhân viên tư vấn vay tiêu dùng cho hay cách đây 2 năm, mỗi hợp đồng vay trả góp được phê duyệt thành công, nhân viên tư vấn như chị sẽ nhận được 200.000-300.000 đồng tùy dư nợ. Chị cũng gặp rất nhiều trường hợp khách quỵt nợ khi mua trả góp. Với những trường hợp này nhân viên tư vấn sẽ bị cắt toàn bộ hoa hồng, thậm chí nếu có nhiều hợp đồng nợ xấu sẽ bị buộc thôi việc.
“Khách nào không trả tiền hàng tháng đầy đủ bị báo là nợ xấu thì coi như hoa hồng trong hợp đồng đó cũng mất luôn. Nhiều người mỗi tháng chạy được vài chục hợp đồng nhưng chỉ một khách không trả nợ đúng hạn là coi như công cốc”, chị Dung cho hay.
Chị nói thêm có nhiều trường hợp khách mua điện thoại xong liền đề nghị bán lại trực tiếp cho cửa hàng, khi không được chấp nhận cũng mang đi nơi khác để bán lấy tiền mặt.
“Từng có một bạn sinh viên sau khi mua trả góp điện thoại liền bán lại cho người bạn đi cùng mình để lấy tiền mặt. Hợp đồng đó sau 2 tháng cũng không còn thấy đóng tiền trả góp nữa, khiến mình phải giải trình trên công ty vì khoản vay này”, chị Dung nói.

Theo Hoàn Thanh/ Zing News