Đầu tư 2023: 1 tỷ mua đất, 300 triệu chơi chứng khoán, an toàn gửi tiết kiệm

Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển đã có cuộc trao đổi với VietnamFinance về bài học kinh nghiệm sau đổ vỡ của nhiều nhà đầu tư tài chính cá nhân năm 2022 và giải pháp để đầu tư hiệu quả cho năm 2023.

- Nhìn lại một năm 2022 với nhiều sóng gió trên trường tài chính, từ những vụ việc thao túng nghiêm trọng trên thị trường chứng khoán dẫn đến một số doanh nhân vướng vòng lao lý hay đổ vỡ trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Ông có nhận xét gì về những tác động thực tế tới tâm lý cũng như dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân?

TS Đinh Thế Hiển: 2022 là môt năm thất bại của các nhà đầu tư cá nhân, các tổ chức tài chính và cả các công ty đầu tư bất động sản. Nhiều người cảm thấy bất ngờ, thậm chí nghĩ rằng đó là một tai nạn xuất phát từ việc cắt dòng tiền đột ngột. Tuy nhiên, đối với người làm công tác nghiên cứu kinh tế thì không bất ngờ, nó chắc chắn sẽ xảy ra.

Đầu tư 2023: 1 tỷ mua đất, 300 triệu chơi chứng khoán, an toàn gửi tiết kiệm - Ảnh 1

Năm 2021, rõ ràng đồ thị kinh tế rất khó khăn do dịch bệnh bùng phát, và chịu ảnh hưởng từ cả sự khó khăn của kinh tế thế giới. Hai năm 2020 – 2021 tăng trưởng GDP dưới 3%, du lịch quốc tế suy giảm mạnh, chúng ta đã mất hơn 30 triệu lượt khách quốc tế trong 2 năm, khiến ngành dịch vụ du lịch, giải trí, thương mại bị ảnh hưỡng nặng nề. Đáng lẽ, lĩnh vực đầu tư bất động sản và chứng khoán phải bị suy giảm thì ngược lại, phát triển mạnh. Bất động sản tăng giá liên tục, không chỉ ở nơi có hạ tầng tốt mà ở khắp nơi. Chứng khoán thì có những mã cổ phiếu tăng 70%-80% mà không có lý do. Nguồn vốn sinh ra không phải từ giá trị gia tăng mà từ việc xoay vòng. Vay nợ từ trái phiếu doanh nghiệp lên tới trên 1 triệu tỷ đồng.

Số liệu vĩ mô như vậy thì không thể nào mà không đi tới điểm gãy do dòng tiền nóng, vay mượn và giá trị bất động sản, cổ phiếu bị làm giá, lướt sóng. Năm 2022, các nhà đầu tư tài chính cá nhân đã dấn mạnh vào lớp sóng nguy hiểm đó.

- Hiện nay, việc phổ cấp kiến thức về quản lý tài chính cá nhân vẫn còn là một khoảng trống, bởi vậy dễ dẫn tới sự đổ vỡ theo hiệu ứng domino khi các nhà đầu tư chạy theo “trend”. Theo ông, cần phải làm gì để lấp đầy khoảng trống đó?

Nhà đầu tư cá nhân của ta quen kiếm tiền trong một môi trường lướt sóng; đặc biệt kinh nghiệm trong đầu tư bất động sản thì dù giá có lên hay xuống thì “ôm hàng” lâu vẫn lời. Tới năm 2023 thì thực sự điều đó liệu còn đúng hay không, hay đòi hỏi các nhà đầu tư cá nhân phải biết “đầu tư” chứ không phải “đầu cơ”; như vậy vấn để phổ biến kiến thức đầu tư trở thành câu hỏi đáng quan tâm.

Đầu tư và quản lý tài chính cá nhân bên cạnh thông tin thị trường thì cần hiểu biết kiến thức đầu tư nền tảng. Điều này giúp quản lý dòng tiền tốt để không bị động về nợ vay như giai đoạn 2022; hay phải biết đánh giá sản phẩm đầu tư để không bị các thủ thuật “lời cao lùa gà!”. Nếu nhà đầu tư nghiệp dư, thì cần trang bị kiến thức tài chính này, hoặc chọn lựa nhà tư vấn đầu tư độc lập hoặc tổ chức đầu tư tài chính.

Câu hỏi đặt ra là các chuyên gia đều cho rằng các nhà đầu tư cá nhân cần trang bị kiến thức đầu tư tài chính nền tảng; nhưng trong thực tế thì đa số các nhà đầu tư thích tham gia học các khóa hướng dẫn dạng lướt sóng ngắn hạn. Các khóa đào tạo kiến thức quản lý đầu tư tài chính cá nhân chuẩn mực chưa phổ biến và mọi người cũng thấy chưa cần học. Thực sự thì không trách được bởi nhiều năm nay, đầu tư chứng khoán hay bất động sản có những giai đoạn người phân tích giỏi lại thua người cứ đánh liều mua đại.

Chuyện đó là có thật! Ví dụ năm 2021, trong giai đoạn đại dịch, lẽ ra trên thị trường chứng khoán ta phải chọn những sản phẩm hàng tiêu dùng thiết yếu vì là sản phẩm đang có nhu cầu tiêu thụ lớn, nhưng các cổ phiếu này hầu như dẫm chân tại chổ; trong khi các cổ phiếu của các công ty xây dựng, bất động sản lại lên giá vài trăm phần trăm. Như vậy người có kiến thức phân tích chuẩn có khi còn thua tay ngang, hoặc thua những ngưới đầu tư theo sóng, theo điểm mua – điểm bán. Như vậy, người ta thấy việc học các kiến thức “sách vở” không áp dụng được gì!.

Về tổ chức tư vấn thì  rõ ràng là người dân không tin tưởng lắm, họ cho rằng các chuyên gia chỉ nghiên cứu vĩ mô, không thể hiểu được thị trường. Ngoài ra một số nhóm tư vấn trên face book thì vổ ngực xưng tên thu phí để cho mã tốt; nhưng họ chỉ thắng khi thị trường lên, ai mua cũng thắng; còn khi thị trường xuống thì đầu tư theo họ bị thua nặng nề. Như vậy chẳng hơn gì nhà đầu tư tự tìm hiểu, thị nghe ngóng rồi mua – bán theo kinh nghiệm của mình!.

Vậy quay trở lại vấn đề phổ cập kiến thức thì phải nhìn nhận ra sao? Tôi cho rằng nếu năm 2023 thị trường vẫn cứ lên-xuống, vẫn còn “cá mập” và các Hội đồng quản trị tự kinh doanh cổ phiếu của doanh nghiệp mình trục lợi thì đúng là rất khó để các nhà đầu tư cá nhân tìm đến với kiến thức nền tãng hay tổ chức tư vấn chuyên nghiệp.

Nhưng nếu năm 2023 mà thị trường chứng khoán cũng như bất động sản được nhà nước quản lý tốt hơn, đúng các quy định phát luật hơn; thì các kinh nghiệm “đầu cơ” đem lại thắng lợi cho nhiều nhà đầu tư trước đây, có thể không còn áp dụng được. Khi đó, các nhà đầu tư cá nhân buộc phải tìm học các kiến thức. Như vậy, môi trường đầu tư quyết định rất nhiều tới sự chuyên nghiệp của nhà đầu tư.

- Từ những bài học thất bại của không ít nhà đầu tư cá nhân, ông có lời khuyên gì cho nhà đầu tư để tránh vết xe đổ của năm cũ?

Không có lời khuyên đúng cho mọi nhóm đầu tư. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh, nếu đa số chúng ta đều là nhà đầu tư nghiệp dư thì mọi người hãy cứ làm tốt công việc mình đang làm, chỉ dùng một phần vốn để đầu tư để gia tăng đồng tiền tích lũy một cách từ từ, bài bản.

Hãy nhớ rằng, đầu tư theo sóng kiếm lời nhanh mà ai cũng thành công thì chúng ta toàn người giàu rồi. Thực tế không có chuyện cứ nhảy vào đầu chứng khoán và đất là giàu hết, không làm gì mà giàu hết không thể đúng với đa số.

Nếu chúng ta chọn lướt sóng để kiếm lời thì thống kê cho thấy 90% nhà đầu tư nghiệp dư bị thất bại, chỉ có 10% là thành công. Còn nếu chúng ta chọn lựa đầu tư thận trọng từng bước, an toàn giữ lợi nhuận thì chúng ta sẽ giử được giá trị tài sản của mình và tăng dần.

Cho đến nay không có con đường đầu tư nào là hoàn toàn hiệu quả hơn. Vấn đề chỉ là sự chọn lựa của chúng ta, những nhà đầu tư nghiệp dự.

W.Buffet đã nói “Đầu tư là trên cơ sở gia tăng giá trị và bảo đảm an toàn vốn”, và nếu vậy thì cần kiến thức thực sự, không phải từ các chuyên gia dạy kiến thức làm giàu nhanh được mà phải từ các chuyên gia có kiến thức nền tảng.

- Ông có nhận định gì trong việc sử dụng dòng tiền cá nhân năm 2023, đầu tư vào vàng, đô la, chứng khoán, bất động sản hay gửi tiết kiệm?

Nếu có 1 tỷ đồng thì nên thì nghĩ tới đất, còn nếu có 300 triệu trở xuống thì nghĩ tới chứng khoán, và nếu chúng ta cần phải tích lũy nữa thì hãy gửi ngân hàng lãi suất 1 năm 7-8%.

Đầu tư 2023: 1 tỷ mua đất, 300 triệu chơi chứng khoán, an toàn gửi tiết kiệm - Ảnh 2Bất động sản còn dư địa, nếu tổng tài sản chúng ta chưa có đất thì năm 2023 nên tìm mua sản phẩm sắp khai thác cho thuê được, đây là cơ hội tìm kiếm sản phẩm phù hợp giá tiền mà không bị tăng nóng.

Thị trường chứng khoán đang ở mốc 1.100 điểm là cơ hội đầu tư tất nhiên không cần gấp gáp, cứ tìm 5 mã cổ phiếu của nhà sản xuất kinh doanh mà chúng ta biết rằng thị trường vẫn đang sử dụng tốt sản phẩm và xem giá trong vòng hai năm, nếu giá tốt (giá còn thấp) vẫn có thể mua và giữ thì khả năng lời hơn gửi ngân hàng kỳ hạn 1 năm. Vàng, đô la không phải là kênh đầu tư hiệu quả trong năm 2023.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Khánh Nam

Theo VietnamFinance