VHM cùng một số cổ phiếu lớn bứt phá, VN-Index vượt đỉnh trong phiên 18/6
Thị trường chứng khoán biến động tích cực khi nhiều cổ phiếu trụ cột như VCB, MSN, VHM, SAB... bứt phá trong phiên 18/6. Nhiều cổ phiếu bất động sản tiếp tục hút dòng tiền và tăng giá mạnh.
Thị trường chứng khoán phiên giao dịch ngày 18/6 biến động theo chiều hướng rất tích cực khi VN-Index vượt được đỉnh hôm 4/6 và tiếp tục vươn lên mức cao mới.
Thị trường mở cửa phiên giao dịch trong sắc xanh ở cả 3 chỉ số VN-Index, HNX-Index và UPCoM-Index. Dù sự phân hóa ở nhóm cổ phiếu trụ cột vẫn diễn ra nhưng sắc xanh có phần chiếm ưu thế hơn nên tạo lực đẩy kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu.
Toàn bộ cả 3 chỉ số đều giao dịch trong sắc xanh xuyên suốt thời gian của phiên 18/6. Trong đó, đà tăng của VN-Index được củng cố khi một số cổ phiếu trụ cột bứt phá rất mạnh. Chốt phiên, VCB tăng đến 4,1% lên 108.500 đồng/cp và có đóng góp lớn nhất cho VN-Index với 4,49 điểm (0,33%). Tiếp sau đó, VHM tăng 3,2% lên 112.500 đồng/cp và góp 3,3 điểm (0,24%) cho chỉ số này. Tương tự, các mã như MSN, SAB, TCB, CTG... cùng tăng giá tốt.
18/6 là phiên 2 quỹ ETF ngoại V.N.M và FTSE thực hiện hoàn tất cơ cấu danh mục đầu tư kỳ tháng 6/2021. Như thường lệ, các cổ phiếu trong danh mục 2 quỹ này có biến động mạnh vào cuối phiên. Các cổ phiếu như PDR, APH, HSG, STB và VCI đều tăng giá. HNG đứng giá tham chiếu. Cả 6 cổ phiếu này đều được thêm vào danh mục của quỹ V.N.M ETF. HSG còn được thêm vào danh mục của FTSE ETF.
Tương tự, nhóm cổ phiếu ngành phân bón cũng biến động tích cực khi DHB, LAS và SFG được kéo lên mức giá trần. DDV tăng 7,5%, DPM tăng 5,3%, VAF tăng 4,3%. Báo cáo ngành phân bón của Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) nhận định, ngành phân bón hứa hẹn khởi đầu mới sau chu kỳ đi xuống kéo dài. Trong đó, MASVN cho rằng giá nông sản tăng mạnh sẽ kéo theo nhu cầu về phân bón... Đại diện Bộ Công Thương mới đây dự báo giá phân bón sẽ tiếp tục leo cao từ giờ đến cuối năm.
Đối với các cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản, các mã vốn hóa lớn diễn biến có phần tích cực ngoại trừ việc VRE giảm 1,1% xuống 32.500 đồng/cp. Các cái tên như VHM, PDR, VIC, NVL hay THD đều đóng cửa phiên trong sắc xanh.
Tại nhóm bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sắc xanh có phần áp đảo hơn và dòng tiền vẫn tập trung vào nhiều mã thuộc nhóm ngành này. Các cổ phiếu như PPI, NTL, SJS, NBB... đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, TCH tăng đến 5,4% lên 23.500 đồng/cp, CEO tăng 3,8% lên 10.800 đồng/cp, HAR tăng 3,5% lên 5.560 đồng/cp, FLC tăng 3,1% lên 15.150 đồng/cp, DIG tăng 2,9% lên 27.050 đồng/cp.
Ở chiều ngược lại, vẫn có khá nhiều cổ phiếu bất động sản lớn chìm trong sắc đỏ như BII, SCR, ITA, KBC, ASM hay IDC.
Hai cổ phiếu đáng chú ý khác trong nhóm bất động sản là DXG và TDH đều kết phiên ở mức tham chiếu. Nhóm Dragon Capital mới thông báo đã mua gần 4,5 triệu cổ phiếu của DXG để nâng tỷ lệ sở hữu từ 11,92% lên hơn 13,14%, tương đương hơn 68 triệu cổ phiếu. Ngày giao dịch làm thay đổi tỷ lệ sở hữu của cả nhóm Dragon Capital là 15/6 và 17/6.
HĐQT TDH muốn bán hơn 16,6 triệu cổ phiếu FDC, giá tối thiểu 12.000 đồng/cp trong khi giá mua vào năm 2016 trung bình hơn 26.000 đồng/cp. Thời gian chuyển nhượng trong vòng 3 tháng kể từ ngày thông qua chủ trương này.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/6, VN-Index tăng 17,85 điểm (1,31%) lên 1.377,77 điểm. Toàn sàn có 249 mã tăng, 138 mã giảm và 54 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,66 điểm (0,52%) lên 318,73 điểm. Toàn sàn có 133 mã tăng, 87 mã giảm và 71 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,67 điểm (0,75%) lên 90,22 điểm.
Tổng giá trị khớp lệnh đạt 25.500 tỷ đồng, trong đó, bộ đôi cổ phiếu bất động sản là FLC và FIT chia sẻ 2 vị trí cao nhất trong danh sách khớp lệnh toàn thị trường với lần lượt 53 triệu đơn vị và 30 triệu đơn vị.
Khối ngoại mua ròng hơn 300 tỷ đồng trong phiên 18/6, trong đó, PDR được mua ròng mạnh nhất với 244 tỷ đồng. VHM cũng là mã bất động sản nằm trong danh sách mua ròng mạnh của khối ngoại với 106 tỷ đồng. Chiều ngược lại, NVL, DXG hay TCH là các cổ phiếu bất động sản bị khối ngoại bán ròng mạnh. NVL bị bán ròng 94 tỷ đồng. DXG và TCH lần lượt là 59 tỷ đồng và 23,4 tỷ đồng.
Chốt tuần, VN-Index tăng 26,03 điểm (1,9%) lên 1.377,77 điểm; HNX-Index tăng 2,04 điểm (0,6%) lên 318,73 điểm. Thanh khoản trên hai sàn HoSE và HNX giảm so với tuần trước với trung bình khoảng 23.200 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Giá trị giao dịch trên HoSE giảm 11% xuống 119.447 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 5,5% xuống 3,85 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 3% xuống 21.570 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 6,8% xuống 869 triệu cổ phiếu.
Theo CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường tăng điểm trong tuần qua với thanh khoản suy giảm so với tuần trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 tuần cho thấy lực cầu mua lên vẫn là tương đối tốt nhưng tâm lý nhà đầu tư đã có sự thận trọng hơn so với trước đó. Trên góc nhìn kỹ thuật, việc VN-Index kết tuần trên ngưỡng 1.375 điểm mở ra cơ hội cho việc nối dài sóng tăng 5 với mục tiêu quanh ngưỡng 1.400 điểm.
Tuy nhiên, do đà tăng của chỉ số qua ngưỡng 1.375 điểm là chưa dứt khoát và thanh khoản có sự suy giảm, do vậy vẫn cần quan sát thêm diễn biến trong phiên ngày 21/6 để đánh giá về xu hướng của VN-Index. Theo đó, trong tuần giao dịch tiếp theo 21/6 - 25/6, thị trường có thể sẽ hướng đến ngưỡng kháng cự quanh 1.400 điểm nếu như diễn biến trong phiên 21/6 là thực sự tốt./.