Vì sao Chủ tịch Hòa Phát (HPG) Trần Đình Long tự tin với dự án đường sắt Bắc - Nam tỷ USD?
Tại hội nghị ngày 21/9 vừa qua, ông Long tự tin phát biểu: Hòa Phát có đủ năng lực sản xuất thép cho đường ray tốc độ cao tại Việt Nam.
Ngày 21/9, Thường trực Chính phủ đã tổ chức hội nghị với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Vingroup, Hòa Phát, Thaco, KN Holdings, Sungroup, T&T, Geleximco, Minh Phú, Masan, Sovico, TH và REE.
Tại đây, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) - ông Trần Đình Long đã đưa ra những đóng góp quan trọng liên quan đến các giải pháp phát triển kinh tế.
Đặc biệt, ông Long nhấn mạnh dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng mức đầu tư 70 tỷ USD là một công trình hạ tầng chiến lược quốc gia. Ông cũng khẳng định Hòa Phát sẵn sàng tham gia đấu thầu cung cấp thép cho dự án này. "Hòa Phát có đủ năng lực sản xuất thép cho đường ray tốc độ cao tại Việt Nam", ông Long tự tin phát biểu.
Tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên của Hòa Phát diễn ra vào tháng 4/2024, ông Long từng chia sẻ về tham vọng sản xuất đường ray cho tàu cao tốc trong giai đoạn 2 của dự án Dung Quất 2.
Theo ông, dự án này đã hoàn thành hơn nửa chặng đường với nhiều hạng mục quan trọng đang dần được hoàn thiện. Đây cũng là thời điểm Hòa Phát bắt đầu nghiên cứu và sản xuất những thanh ray đầu tiên để phục vụ cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Theo báo cáo mới nhất từ Chứng khoán Funan (FNS), dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam mở ra cơ hội lớn cho Hòa Phát khi doanh nghiệp này đang nghiên cứu sản xuất thép phục vụ dự án. Nghiên cứu kỹ thuật về đường sắt cận cao tốc của ALMEC Corporation cũng cho thấy tuyến Long Thành (Thủ Thiêm – Long Thành) phù hợp để triển khai xây dựng đường sắt tốc độ cao.
Dựa trên thống kê chi phí thực nghiệm của JICA, FNS ước tính tổng chi phí cho mỗi km tuyến Long Thành vào khoảng 1.145 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng công trình, đường ray, nhà ga chiếm 36,48%, tương đương 417,5 tỷ đồng/km. Riêng tuyến Bắc - Nam dài 1.559km, tổng chi phí xây dựng có thể lên đến 650.907 tỷ đồng (khoảng 26 tỷ USD).
Về năng lực sản xuất, dự án Dung Quất 2 được dự báo sẽ là động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho Hòa Phát sau năm 2024.
Công ty FNS ước tính khi cả hai giai đoạn của dự án đi vào hoạt động, doanh thu của Hòa Phát có thể đạt từ 80.000-100.000 tỷ đồng/năm. Dự án này cũng giúp gia tăng sản lượng thép HRC, đưa Hòa Phát trở thành doanh nghiệp dẫn đầu thị trường nội địa.
Triển vọng của Hòa Phát trong năm 2024 rất lạc quan, với kỳ vọng nhu cầu thị trường thép xây dựng sẽ phục hồi mạnh mẽ từ nửa cuối năm 2024, nhờ sự thúc đẩy đầu tư công và sự khởi sắc của thị trường bất động sản. Giá thép xây dựng cũng được dự đoán sẽ tăng trở lại sau khi chạm đáy từ tháng 7/2023, do ảnh hưởng từ sự phục hồi của bất động sản và các chính sách kích cầu từ Chính phủ.
Ngoài ra, Hòa Phát tiếp tục dẫn đầu về thị phần xuất khẩu thép trong nước và dự kiến sẽ duy trì vị thế này trong bối cảnh nhu cầu thép thế giới tăng trưởng chậm, với mức tăng 2,1% trong năm 2024 và mức tiêu dùng tăng trưởng trung bình 1,2% mỗi năm từ 2024 đến 2026.
Tuy nhiên, Công ty FNS cũng lưu ý về kết quả điều tra và quyết định của Bộ Công thương liên quan đến việc áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, điều này có thể ảnh hưởng đến ngành thép Việt Nam, trong đó có Hòa Phát. Ngoài ra, tiến độ hoàn thành của dự án Dung Quất 2 cũng là yếu tố cần theo dõi chặt chẽ.