Vì sao huyện Duy Xuyên cưỡng chế, thu hồi đất giao cho doanh nghiệp?
Ngày 23/12/2020, ông Phan Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên ký quyết định cưỡng chế, thu hồi đất đối với hộ gia đình bà Mai Thị Theo (đã chết) ở xã Duy Nghĩa để giao đất cho Công ty CP Đầu tư Chu Lai Hội An.
Theo UBND huyện Duy Xuyên, ban đầu, dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Nồi Rang (nằm tại xã Duy Nghĩa) có diện tích 14,4ha, sau đó UBND tỉnh Quảng Nam bổ sung thêm 4,93ha kè bờ sông.
Trong số 14,4ha đất có 162 hộ bị ảnh hưởng, tính đến tháng 10/2020, đã có 161 hộ dân nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng, nhận đất tái định cư với tổng số tiền chi trả là 25,8 tỷ đồng.
Dự án xây dựng Khu đô thị Nồi Rang là 1 trong 5 khu đất được UBND tỉnh Quảng Nam giao cho Công ty CP Đạt Phương Hội An khi công ty này đầu tư cầu Đế Võng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Đến giữa năm 2020, Công ty CP Đạt Phương Hội An đã chuyển nhượng toàn bộ dự án này cho Công ty CP Đầu tư Chu Lai Hội An (thuộc Tập đoàn FVG).
Cũng theo UBND huyện Duy Xuyên, đất do do ông Lê Văn Thị và Lê Văn Mạnh thừa kế thuộc thửa đất 498, tờ bản đồ địa chính số 11, có diện tích 1.341m2 (trong đó có 300m2 đất ở tại nông thôn, 792m2 đất trồng cây lâu năm, 249,3m2 đất trồng cây hàng năm (không có nguồn gốc từ đất vườn ao), thuộc thôn Thuận An, xã Duy Nghĩa.
Từ năm 2018 đến trước ngày thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, do không chấp hành bàn giao mặt bằng theo quyết định số 5228 ngày 14/9/2020 của UBND huyện Duy Xuyên (tổ chức cưỡng chế ngày 30/12/2020), theo ông Diệp Tấn Lực, Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa, UBND xã đã nhiều lần phối hợp với Trung tâm phát triển hạ tầng và các cơ quan liên quan mời đại diện hộ bà Mai Thị Theo đến UBND xã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo quy định. Tuy nhiên, qua nhiều lần mời, nhưng đại diện hộ dân không thống nhất việc thu hồi 300m2 đất ở, kinh phí bồi thường 238,81 triệu đồng và bố trí tái định cư 1 lô đất.
Cũng theo UBND xã Duy Nghĩa, người đại diện thừa kế là ông Lê Văn Thị yêu cầu Nhà nước phải bồi thường, bố trí tái định cư 3 lô đất là không thỏa đáng, làm chậm tiến độ thi công dự án.
Trao đổi với Reatimes về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp nêu trên, ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) cho hay, trước đây, vào năm 2007, do tình hình sạt lở diễn ra nặng nề ở ven sông Thu Bồn, UBND huyện Duy Xuyên đã tiến hành di dời và bố trí một lô đất tái định cư cho hộ bà Mai Thị Theo với diện tích 150,4m2.
Và đến ngày 18/12/2020, qua rà soát lại các văn bản, thủ tục liên quan, UBND huyện Duy Xuyên đã quyết định bố trí thêm 1 lô đất tái định cư cho gia đình bà Theo tại Khu tái định cư trên địa bàn xã Duy Nghĩa với diện tích 169,75m2. Tuy nhiên, đại diện thừa kế của bà Mai Thị Theo vẫn không đồng ý, không nhận tiền, nhận đất tái định cư.
“Hiện tại ở Duy Xuyên có rất nhiều dự án đã và đang triển khai. Trong thời gian tới, một số trường hợp chây ì, không bàn giao mặt bằng, UBND huyện sẽ củng cố hồ sơ để tiến hành cưỡng chế, đảm bảo mọi người đều sống và làm theo hiến pháp, pháp luật”, ông Nguyễn Thế Đức nói về việc UBND huyện Duy Xuyên phải tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất và khẳng định: “Chúng tôi đã giải quyết chính sách, chế độ theo chủ trương chung của UBND tỉnh Quảng Nam một cách đúng, đủ, chính xác, không làm thiệt cho người dân, nhưng cũng không thể làm sai chính sách của Nhà nước. Đó cũng là cách làm để đảm bảo công bằng xã hội trong quá trình thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng”./.