Vì sao nước Mỹ chuẩn bị chứng kiến làn sóng sáp nhập ngân hàng hàng loạt?

Nếu quy định với các ngân hàng quy mô từ 250 tỷ USD trở nên được nới lỏng, nhiều ngân hàng sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi muốn sáp nhập.

Nếu quy định với các ngân hàng quy mô từ 250 tỷ USD trở nên được nới lỏng, nhiều ngân hàng sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi muốn sáp nhập.

Vì sao nước Mỹ chuẩn bị chứng kiến làn sóng sáp nhập ngân hàng hàng loạt? - Ảnh 1
Ảnh: Reuters

Những vấn đề mà các ngân hàng Mỹ đang phải đối mặt đang giảm dần. Sau vụ sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley và Signature vào tháng 3/2023, những ngân hàng lớn như JP Morgan Chase và Bank of America khi đó vẫn thu hút tiền gửi dù rằng họ chỉ trả mức lãi suất tối thiểu, theo báo cáo kết quả kinh doanh công bố vào ngày 14/4/2023.

Theo báo Economist trong bài đăng gần đây, tình trạng cạnh tranh lãi suất trong các ngân hàng của Mỹ thực sự đã diễn ra. Nhiều các ngân hàng nhỏ và trung bình vì nâng lãi suất nên phải đương đầu với tình trạng chi phí vốn cao, tuy nhiên nếu không làm vậy họ không có khách hàng. Ngày 18/4/2023, ngân hàng Western Alliance, ngân hàng cho vay với tổng tài sản ước tính 71 tỷ USD, công bố đã mất đến 11% tổng tiền gửi trong năm nay.

Để có thể hút được tiền gửi vào ngân hàng, các ngân hàng sẽ buộc phải chi trả thêm tiền. Trong lúc đó, nhiều ngân hàng đã tìm đến các khoản vay tạm thời từ nhiều nguồn, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tuy nhiên, phần lớn tài sản của các ngân hàng chỉ là loại mang lại lợi suất thấp và bắt buộc phải chịu lỗ nếu bán ra. Không ít chuyên gia đang dự báo về tình trạng suy giảm lợi nhuân nghiêm trọng tại nhóm các ngân hàng quy mô nhỏ và vừa tại Mỹ.

Thực trạng của các ngân hàng sẽ rõ ràng hơn sau mùa công bố kết quả kinh doanh hiện tại. Tuy nhiên, thị trường tài chính đã có những phán xét của riêng mình: giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng Mỹ đã giảm hơn rất nhiều so với thời điểm đầu năm nay. Kết quả, khi định giá ngân hàng thấp đi và trong bối cảnh quy mô ngân hàng là yếu tố được quan tâm, sẽ không ngạc nhiên khi mà trong thời gian tới sẽ có diễn biến mới trong cuộc khủng hoảng ngân hàng: làn sóng ngân hàng sáp nhập.

Nước Mỹ có 4.700 ngân hàng và tổ chức tiết kiệm, tức là cứ 71.000 người dân thì có 1 ngân hàng. Để có thể so sánh rõ ràng hơn, tại Liên minh châu Âu (EU), cứ 85.000 người dân cũng mới chỉ có 1 ngân hàng. Tuy nhiên, đây là một mức rất thấp trong lịch sử.

Tính từ năm 1984 khi người ta bắt đầu tính toán những chỉ số này và quy mô dân số thế giới thấp hơn nhiều so với hiện nay, tỷ lệ ngân hàng tính trên tương quan với dân số cao hơn gần 4 lần. Từ đó đến nay, ngành ngân hàng đã trải qua rất nhiều đợt điều chỉnh. Làn sóng sáp nhập lớn nhất diễn ra sau cuộc khủng hoảng của các tổ chức tiết kiệm và tín dụng chuyên cho vay trong lĩnh vực bất động sản cuối thập niên 1980.

Một số quy định trong ngành ngân hàng cũng thay đổi, chính vì vậy các ngân hàng có thêm động lực để tăng trưởng về quy mô.

Thời điểm hiện tại so với khi đó có nhiều điểm tương đồng. Nhiều tổ chức tiết kiệm và tín dụng phá sản bởi chi phí vốn của họ tăng khi mà lãi suất tăng vọt, cùng lúc đó, họ mất tiền với một số khoản tín dụng thế chấp lãi suất thấp cố định. Đã có thời điểm ước tính khoảng 2/3 các tổ chức tiết kiệm và tín dung Mỹ vì mất khả năng thanh toán nên phải bán mạnh tài sản ra thị trường. Giờ đây, vấn đề trong các bảng cân đối kế toán của các ngân hàng không tồi tệ như vậy, thế nhưng xét về bản chất rất giống nhau. Cuối năm 2022, ước tính khoảng hơn 400 ngân hàng với tổng tài sản hơn 4 nghìn tỷ USD đã thua lỗ với danh mục đầu tư chứng khoán trị giá ít nhất nửa vốn nòng cốt của họ.

Cùng lúc đó, nhóm các ngân hàng nhỏ đương đầu với rủi ro mất đi những lợi thế về chính sách mà họ đang được hưởng. Những chính sách khá thông thoáng về tài sản và vốn mà nhiều ngân hàng được hưởng trước đây giờ đang bị xem xét lại bởi các cơ quan quản lý ngành ngân hàng nội địa và quốc tế.

Ủy ban Giám sát Ngân hàng Basel, cơ quan viết ra quy định toàn cầu, hiện đang nghiên cứu những bài học cần phải xem xét từ vụ sụp đổ của ngân hàng SVB, khi mà người gửi tiền được cứu dù rằng ngân hàng này có quy mô nhỏ và trong nội địa đã phải chịu các quy tắc giám sát chặt chẽ nhất. Tại Washington, việc nới lỏng quy định với nhóm các ngân hàng quy mô trung bình của Quốc hội và Fed vào năm 2018 và 2019 hiện đang hứng chịu nhiều chỉ trích.

Thay đổi lớn nhất với cấu trúc thị trường nhiều khả năng đang xảy ra trong các ngân hàng có tổng tài sản gần sát ngưỡng quản lý. Hiện tại Mỹ có hơn 20 ngân hàng có tài sản khoảng từ 100 cho đến 250 tỷ USD. Nếu quy định với các ngân hàng quy mô từ 250 tỷ USD trở nên được nới lỏng, nhiều ngân hàng sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi muốn sáp nhập. Việc làm như vậy sẽ cho phép họ làm giảm đi chi phí tuân thủ quy định trong ngành ngân hàng, cùng lúc đó người gửi tiền vào ngân hàng sẽ được cứu trong trường hợp khủng hoảng.

Ngọc Diệp

Theo Kinh doanh và Phát triển