Giá vàng miếng SJC bất ngờ bật tăng trở lại

Trong phiên giao dịch ngày 9/5, giá vàng SJC liên tục biến động mạnh với tổng cộng 5 lần điều chỉnh.

Chiều 9/5, giá vàng miếng SJC bất ngờ bật tăng trở lại, vượt ngưỡng 119,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và đạt 121,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

Điểm đáng chú ý trong phiên giao dịch ngày 9/5 là diễn biến giá vàng biến động mạnh với tổng cộng 5 lần điều chỉnh. Mở cửa buổi sáng, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 118,5 triệu đồng/lượng mua vào và 120,5 triệu đồng/lượng bán ra. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 30 phút, giá giảm nhanh 500.000 đồng/lượng, xuống còn 118 – 120 triệu đồng/lượng, rồi tiếp tục lùi về 117,5 – 119,5 triệu đồng/lượng.

Đến chiều, thị trường bất ngờ chứng kiến sự đảo chiều khi giá vàng SJC tăng trở lại qua ba lần điều chỉnh, hiện neo ở mức 121,5 triệu đồng/lượng bán ra.

Trong khi đó, đối với vàng nhẫn, các doanh nghiệp niêm yết giá với mức chênh lệch đáng kể, lên tới vài triệu đồng/lượng. Tại SJC và PNJ, giá vàng nhẫn dao động quanh 114 – 116,6 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), trong khi Bảo Tín Minh Châu đưa ra mức cao hơn, khoảng 115,3 – 118,9 triệu đồng/lượng.

 Giá vàng miếng SJC liên tục "trồi sụt" trong phiên ngày 9/5.  
 Giá vàng miếng SJC liên tục "trồi sụt" trong phiên ngày 9/5.  

Kể từ đầu tháng 4 đến nay, giá vàng miếng SJC duy trì quanh ngưỡng trên 120 triệu đồng/lượng. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đà tăng giá vàng trong nước xuất phát từ nhiều yếu tố.

Trước hết, tâm lý kỳ vọng giá vàng thế giới sẽ tiếp tục đi lên do lo ngại về các chính sách thuế của Chính quyền Tổng thống Trump, những bất định xoay quanh chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), căng thẳng địa chính trị toàn cầu, cũng như nguy cơ biến động giá hàng hóa đã khiến nhu cầu mua vàng gia tăng.

Bên cạnh đó, nguồn cung vàng miếng trên thị trường không có sự bổ sung mới kể từ đầu năm 2025. Đồng thời, do thị trường ngoại hối và thị trường vàng trong nước diễn biến ổn định, NHNN chưa cần thực hiện biện pháp can thiệp nào.

Ngoài các yếu tố trên, NHNN cũng lưu ý khả năng một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng biến động thị trường để đầu cơ, đẩy giá nhằm tìm kiếm lợi nhuận.

Trong dài hạn, nhiều tổ chức tài chính vẫn giữ quan điểm tích cực về triển vọng tăng giá của vàng. Mới đây, Bank of America (BofA) đã đưa ra dự báo khá táo bạo khi nhận định giá vàng có thể đạt tới 4.000 USD/ounce trong nửa cuối năm nay, sớm hơn so với dự báo của một số tổ chức khác.

Tuy vậy, BofA lưu ý rằng để đạt được mốc này, thị trường vàng cần hội tụ một số điều kiện cụ thể. Cụ thể, dòng vốn đầu tư vào vàng phải tăng khoảng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời nhu cầu vàng trang sức cần duy trì ổn định. BofA khẳng định: "Mức tăng này nghe có vẻ lớn, nhưng thực tế đã từng xảy ra trong các giai đoạn 2016 và 2020".

Theo BofA, những yếu tố chính có thể hỗ trợ đợt tăng giá mới của vàng bao gồm bất ổn địa chính trị, những lo ngại xoay quanh thương mại toàn cầu và rủi ro tài khóa của Mỹ. Ngân hàng này cũng chỉ ra rằng, đồng USD đang chịu áp lực giảm giá trong bối cảnh hiện tại, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn so với các tài sản trú ẩn an toàn khác như trái phiếu chính phủ Mỹ.

Riêng về chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump, BofA nhận định dù mục tiêu là giảm nợ công, nhưng các biện pháp áp thuế nhập khẩu khó mang lại nguồn thu ổn định, thậm chí có thể làm gia tăng bất ổn kinh tế, đẩy lạm phát lên cao và gây khó khăn cho chính sách điều hành lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trong bối cảnh lãi suất thực được dự báo duy trì ở mức thấp, vàng được cho là sẽ tiếp tục hưởng lợi.

Khánh Tú

Theo VietnamFinance