Viễn cảnh siêu dự án đô thị đại học gần 60.000 tỷ của 'đại bàng' Malaysia đang thực hiện đến đâu?
Dự án này có quy mô dân số dự kiến khoảng 64.160 người.
Vào tháng 7/2008, Dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế do Công ty TNHH Đô thị Đại học quốc tế Berjaya Việt Nam (một chi nhánh thuộc tập đoàn Berjaya Corporation Berhad của Malaysia) đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu. Dự án này có quy mô 880ha, nằm gần Quốc lộ 22 (đường Xuyên Á) và đường Đặng Công Bỉnh (đường Thanh Niên), TP. HCM. Dự án có tổng mức đầu tư là 3,5 tỷ USD (59.000 tỷ đồng).
Nhà đầu tư dự kiến hoàn thành xây dựng và hoàn thiện dự án trong vòng 10 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Mục tiêu của dự án là phát triển một khu đô thị - đại học quốc tế tại Khu đô thị Tây Bắc TP. HCM, bao gồm khu giáo dục (từ tiểu học đến đại học), khu dân cư, khu thương mại - dịch vụ, khu giải trí, y tế, thể thao, khu công viên và công viên công nghệ thông tin.
Dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế có quy mô dân số dự kiến khoảng 64.160 người. Quy hoạch hệ thống giao thông sẽ bao gồm các đường đối ngoại với mặt cắt ngang từ 47-60m, các tuyến đường khu vực rộng 30m và các tuyến đường nội bộ rộng từ 10-29,5m.
Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Công ty Berjaya Việt Nam đã tiến hành các thủ tục để trình cơ quan Nhà nước phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân nhằm giải phóng mặt bằng cho dự án.
Theo kế hoạch, giai đoạn từ quý I/2024 đến tháng 12/2027 sẽ là thời gian thi công các hạng mục công trình của dự án. Tuy nhiên, đến tháng 8/2024, khu vực này vẫn chưa có dấu hiệu thi công sau hơn 15 năm phê duyệt. Nguyên nhân chính là do nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính, dẫn đến chậm tiến độ.
Từ năm 2022 đến nay, UBND TP. HCM đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành để tháo gỡ vướng mắc, nhưng dự án vẫn chưa thể triển khai. Phần lớn diện tích đất quy hoạch vẫn bị bỏ hoang, chỉ có cây cối um tùm xen lẫn những ngôi nhà đã bị dỡ bỏ.
Hiện tại, nhiều hộ dân vẫn bám trụ trong khu quy hoạch treo. Theo thống kê, khu vực dự án hiện có khoảng gần 200 căn nhà, chủ yếu là nhà cấp 3 và cấp 4. Việc dự án kéo dài nhiều năm mà chưa được triển khai đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.
Theo báo cáo mới đây của UBND TP. HCM gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân chậm trễ của dự án từ năm 2008 đến nay bao gồm cả lý do chủ quan từ phía nhà đầu tư và lý do khách quan từ quá trình phê duyệt quy hoạch và phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư kéo dài.