Viện kiểm sát TP.HCM: Cần loại trừ bà Trương Mỹ Lan khỏi đời sống xã hội vĩnh viễn
Ngày 19/3, phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo, đại diện Viện kiểm sát Nhân dân TP. HCM đã phát biểu quan điểm luận tội là bị cáo Lan có vai trò chủ mưu, cầm đầu nhưng không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, ngoan cố, đổ lỗi cho nhân viên cấp dưới, không ăn năn hối cải. Từ đó đại diện viện kiểm sát cho rằng cần loại trừ bị cáo Trương Mỹ Lan ra khỏi đời sống xã hội vĩnh viễn.
Loại bỏ bị cáo Trương Mỹ Lan ra khỏi đời sống xã hội
Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP. HCM giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa đã phát biểu quan điểm giải quyết vụ án.
Theo đại diện Viện Kiểm sát, lợi dụng chính sách của nhà nước về cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, Trương Mỹ Lan đã thâu tóm SCB, qua đó chi phối, chỉ đạo mọi hoạt động của SCB, biến SCB thành công cụ tài chính để thu hút tiền của tổ chức, cá nhân rồi rút tiền sử dụng cho mục đích riêng.
Cáo trạng cáo buộc, Trương Mỹ Lan đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân để hợp nhất thành SCB. Dù không trực tiếp nắm quyền điều hành, bà Lan sở hữu tới 91,5% cổ phần của SCB và là cổ đông có quyền lực để chỉ đạo, điều hành, thực chất là thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, phục vụ cho các mục đích của mình. Để lấy tiền từ SCB, bà Lan và đồng phạm đã thực hiện một chuỗi hành vi phạm tội.
Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, bị cáo Trương Mỹ Lan bị xét xử về các tội đưa hối lộ, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và tham ô tài sản.
Viện Kiểm sát nêu, trong hơn 10 năm, bà Trương Mỹ Lan và hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát đã ‘rút ruột’ hơn 1,06 triệu tỷ đồng, dư nợ còn lại không thể thu hồi tại SCB là 677.000 tỷ đồng.
Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc gây thiệt hại cho SCB 498.000 tỷ đồng. Để che đậy tình trạng tài chính của SCB, bà Lan đưa hối lộ cho bà Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng Nhà nước) 5,2 triệu USD.
Theo Viện Kiểm sát, tại phiên tòa, bà Lan thừa nhận có gặp bà Nhàn nhưng không thừa nhận chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) đưa hối lộ 5,2 triệu USD. Tuy nhiên, theo Viện Kiểm sát, dù bà Lan không thừa nhận nhưng dựa trên các chứng cứ, có đủ căn cứ xác định ông Văn đưa tiền cho bà Nhàn theo chỉ đạo của bà Lan.
Viện Kiểm sát xác định, trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan đã phạm tội nhiều lần, tổ chức phạm tội trong thời gian dài, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn cho nhà nước, Nhân dân và SCB. Tại tòa, bị cáo Lan không ăn năn hối lỗi, không thừa nhận, đổ lỗi cho cấp dưới. Do đó, cần nghiêm trị, loại bỏ bị cáo Trương Mỹ Lan ra khỏi đời sống xã hội.
Các bị cáo bị đề nghị khung phạt đến tử hình
Ngoài bà Trương Mỹ Lan, hiện Viện Kiểm sát cũng đang luận tội 11 bị cáo khác về tội “Tham ô tài sản”, có khung hình phạt từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Đại diện Việm Kiểm sát cũng đề nghị phải có hình phạt nghiêm khắc là cách ly vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội đối với các bị cáo: Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB, đang bỏ trốn), Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB), Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB) phạm tội có tổ chức, phạm tội từ 2 lần trở lên, dùng thủ đoạn tinh vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng…
Ngoài ra, bị cáo Đỗ Thị Nhàn bị xét xử về tội “Nhận hối lộ” cũng có khung phạt từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
72 bị cáo còn lại là cựu lãnh đạo chủ chốt tại SCB; cựu lãnh đạo và cán bộ thuộc hệ thống Vạn Thịnh Phát… là những người giúp Trương Mỹ Lan rút tiền; nhóm công ty thẩm định phát hành chứng thư thẩm định, nâng khống giá trị bất động sản của Trương Mỹ Lan; nhóm cựu lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng Nhà nước…
Những bị cáo này bị xét xử ở khung hình phạt từ 7 năm tù đến 20 năm tù.