Việt Nam chi hơn 2 tỷ USD nhập khẩu ô tô
Nhu cầu tiêu thụ mì ăn liền lớn thứ ba thế giới song người dân Việt Nam lại mạnh tay chi hàng tỷ USD để nhập khẩu ô tô.
Ngày 12/8, Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 7/2021, cả nước nhập khẩu 14.407 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch gần 291 triệu USD. Lũy kế 7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 95.525 ô tô, kim ngạch đạt 2,13 tỷ USD (tăng 111% về lượng và 107% về kim ngạch so với cùng kỳ 2020).
Tháng 7, Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc vẫn là ba thị trường dẫn đầu, có lượng xe xuất khẩu sang Việt Nam từ 1.000 chiếc trở lên.
Trong đó, Thái Lan vẫn duy trì vị thế số một với 7.008 xe, kim ngạch gần 132,8 triệu USD, qua đó nâng kết quả trong 7 tháng lên 47.493 xe, kim ngạch 890,7 triệu USD.
Tính trị giá bình quân (chưa thuế), mỗi ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 37.263 USD/xe, cao hơn nhiều so với Thái Lan (18.723 USD/xe) và gấp 2 lần trị giá bình quân ô tô nhập khẩu từ Indonesia (chỉ 12.440 USD/xe).
Theo tìm hiểu, sở dĩ trị giá bình quân ô tô nguyên chiếc của Trung Quốc cao hơn nhiều so với 2 thị trường lớn ở Đông Nam Á do xe nhập khẩu ở nước láng giềng này là ô tô chuyên dụng và ô tô tải, trong khi Thái Lan và Indonesia tập trung vào dòng xe du lịch (ô tô con) và xe bán tải chở người với phân khúc bình dân.
Cụ thể như trong tháng 6 vừa qua, bình quân ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống có trị giá hơn 18.300 USD/xe, trong khi ô tô tải gần 23.350 USD/chiếc và ô tô chuyên dụng lên đến gần 49.330 USD/xe.
Sẵn sàng chi hàng tỷ USD để nhập khẩu ô tô, người Việt lại có nhu cầu tiêu thụ mì ăn liền nhiều thứ ba trên thế giới.
Cụ thể, theo thống kê của Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA), dù Trung Quốc có nhu cầu về mì ăn liền cao nhất thế giới, nhưng tốc độ tăng trưởng về tiêu thụ không cao như Việt Nam.
Theo WINA, nhu cầu mì ăn liền của Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới với lượng tiêu thụ năm 2020 tăng 29,47%(1) so với năm 2019.
Trong khi đó, khảo sát mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, tỷ lệ tiêu thụ mì ăn liền trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng 67%.
Thống kê hiện có khoảng 50 công ty sản xuất mì ăn liền tại Việt Nam. Nhưng không chỉ có các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam, nhiều thương hiệu quốc tế khác cũng đang thâm nhập vào thị trường nội địa chúng ta, tận dụng ưu đãi về thuế suất nhập khẩu từ các Hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia, cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, điều này khiến thị trường Việt Nam rất phong phú, đem lại nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng cả về chủng loại và giá cả mặt hàng.