Việt Nam sắp có tuyến cao tốc và đường sắt tỷ USD nối với nước láng giềng Lào

Hiện nay, Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế là nhà đầu tư lớn thứ ba vào Lào với 255 dự án và tổng vốn đăng ký đạt 5,5 tỷ USD

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp đón Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Lào - Việt Nam - ông Phet Phomphiphak trong chuyến thăm làm việc tại Việt Nam.

Thủ tướng và Bộ trưởng Phet Phomphiphak đã bày tỏ sự hài lòng trước những bước phát triển mạnh mẽ, thiết thực trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt gần 928 triệu USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế là nhà đầu tư lớn thứ ba vào Lào với 255 dự án và tổng vốn đăng ký đạt 5,5 tỷ USD. Nhiều dự án trong số này đã hoạt động hiệu quả, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Lào, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hai bên cũng cam kết tiếp tục thúc đẩy các dự án hợp tác đầu tư trọng điểm, giải quyết dứt điểm các vướng mắc tại một số dự án đang triển khai, đặc biệt là các dự án kết nối hạ tầng quan trọng như tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn và tuyến đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng.

Về dự án đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn, Chính phủ Việt Nam và Lào đã ký kết thỏa thuận đầu tư, ưu tiên triển khai trước năm 2030. Hai nước đã thống nhất thực hiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo Hiệp định hợp tác song phương năm 2015 và Thỏa thuận kết nối giao thông vận tải giữa hai Chính phủ.

Hướng tuyến Viêng Chăn - Pặc Xan - Viêng Thông - Nậm On - Thanh Thủy - Hà Nội với tổng chiều dài 688km trong đó, khoảng 406 km sẽ được xây dựng mới, bao gồm 345km tại Lào và 61km tại Việt Nam từ cửa khẩu Thanh Thủy đến TP. Vinh (tỉnh Nghệ An), kết nối với cao tốc Bắc Nam phía Đông đang được xây dựng. Tuyến đường này sẽ có từ bốn đến sáu làn xe, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6,1 tỷ USD.

Sau khi hoàn thành, cao tốc này sẽ tạo ra một kết nối giao thông nhanh chóng và thuận tiện giữa Hà Nội và Viêng Chăn, rút ngắn thời gian di chuyển, từ đó thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa và xã hội giữa hai quốc gia. Việc cải thiện hạ tầng giao thông cũng sẽ làm giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, tăng cường trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Lào, mở ra nhiều cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp hai nước.

Ngoài ra, tuyến cao tốc này sẽ thu hút nhiều khách du lịch hơn nhờ việc di chuyển dễ dàng, giúp du khách khám phá những điểm đến du lịch tại cả Việt Nam và Lào.

Đối với dự án đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng, dự án có tổng chiều dài 554,7km, trải dài qua lãnh thổ hai nước Lào và Việt Nam. Dự án này bao gồm 2 ray với khổ ray 1.435mm, vận tốc tối đa 150km/h, và tổng mức đầu tư khoảng 149.550 tỷ đồng (tương đương 6,3 tỷ USD), được thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Dự án này bao gồm 8 nhà ga, trong đó có một ga chính và 7 ga trung gian, được đầu tư với công nghệ tàu điện khí hóa tốc độ cao hoặc động cơ diesel.

Đáng chú ý, đoạn đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ thuộc tuyến đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng đã được đưa vào quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050, và lộ trình đầu tư trước năm 2030.

Khi tuyến đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng chính thức đi vào hoạt động, giao thương hàng hóa từ Việt Nam đến các nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn, từ đó thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và các nước láng giềng.

Hơn nữa, tuyến đường sắt này sẽ kết nối Viêng Chăn với cảng Vũng Áng, và từ đây sẽ tiếp tục đấu nối với tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc, hướng tới các thị trường Đông Bắc Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, thậm chí là châu Âu.

Ngoài ra, dự án này cũng sẽ nâng cao khả năng trung chuyển hàng hóa tại cảng Vũng Áng, góp phần tăng cường kết nối khu vực và quốc tế. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác phát triển trong các lĩnh vực tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt - Lào.

Quốc Chiến

Theo Chất lượng và cuộc sống