Việt Phương Group và sân chơi BĐS của đại gia Phương Hữu Việt

Là doanh nghiệp khá kín tiếng trên thị trường bất động sản, mới đây, Việt Phương liên tục đề xuất triển khai các dự án BĐS bên cạnh ngành nghề kinh doanh cốt lõi thủy điện.

Liên tục đề xuất các dự án với quy mô lớn

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp mong muốn phát triển đa ngành nghề nhằm tối ưu hóa doanh thu, mang lại lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp và khẳng định vị thế của mình trên thị trường. Xác định lĩnh vực hoạt động bất động sản Việt Phương tập trung vào 3 lĩnh vực gồm: Bất động sản Du lịch, nghỉ dưỡng; Bất động sản hạ tầng và công trình công nghiệp; Kinh doanh Bất động sản.

Một trong những dự án đầu tư sớm nhất của Việt Phương Group là Sơn Trà Resort & Spa, thuộc Công ty CP Sơn Trà, tọa lạc tại vị trí đắc địa trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Dự án có quy mô 14ha đất và 20ha mặt biển, trải dài 1,3km bờ biển Sơn Trà, từ đầu những năm 2000 đã được Chủ đầu tư xúc tiến xây dựng.

Một góc khu Sơn Trà Resort & Spa  
Một góc khu Sơn Trà Resort & Spa  

Ngoài ra, tập đoàn này thông qua các công ty thành viên còn sở hữu nhiều dự án ở TP.HCM như Khu phức hợp 1591-1595 Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Mỹ, Quận 7 (mua lại từ KITA Group); Khu đô thị mới Thới An tại Phường Thới An, Quận 12; Dự án Lô Br 20- 21-22 thuộc Khu công viên – Trung tâm công cộng và dân cư – Khu 13B – Đô Thị mới Nam thành phố; Dự án Cửa hàng thương mại dịch vụ Conic Plaza.

Tại Hà Nội có dự án Khu đô thị mới Sơn Đồng - Đất Việt, xã Sơn Đồng, Lại Yên, huyện Hoài Đức và một số dự án "chung" với nhóm Vimedimex . Tại Quảng Bình, nhóm Việt Phương cũng đã mua lại CTCP Đồng Hới Tourist - chủ khu đất 11.386,6m2 tại phường Nam Lý, TP. Đồng Hới từ CTCP Tập đoàn Đầu tư Trường Sơn.

Vào tháng 2/2022, Việt Phương có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc tìm kiếm vùng nguyên liệu và tiến hành khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư các dự án tại tỉnh Quảng Nam đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu Cristobalite tại khu công nghiệp Tam Thăng 2.

Cụ thể dự án có quy mô đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng, với diện tích sử dụng đất khoảng 6 ha, công suất dự kiến 160.000 tấn/năm. Dự án thứ hai mà Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương đề xuất đầu tư là nhà máy chế biến cát silic, bột oxit silic ít sắt chất lượng cao tại khu công nghiệp Tam Thăng 2. Dự án này có quy mô đầu tư khoảng 350 tỷ đồng, với diện tích sử dụng đất khoảng 10 ha, công suất dự kiến 1 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương cũng muốn đầu tư một dự án bến cảng chuyên dụng và khu hậu cần tại KCN, hậu cần cảng Tam Hiệp.

Mới đây, vào tháng 4 năm 2022, Việt Phương tiếp tục đề xuất với UBND tỉnh Đắk Nông đầu tư 4 dự án lớn. Đó là Dự án tổ hợp Boxit - Alumin- Nhôm Đắk Glong; Dự án điện gió thuộc huyện Tuy Đức, Đắk Song và Đắk Glong; Khu công nghiệp Nhân Cơ 2; Tổ hợp khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng tại TP. Gia Nghĩa. Đồng thời nhận tài trợ gói 1,2 triệu USD thuê tư vấn quy hoạch tỉnh Đắk Nông.

Người đứng sau Việt Phương Group là ai? Tiềm lực thế nào?

Ông Phương Hữu Việt – người sáng lập ra Việt Phương Group sở hữu nhiều cổ phần tại nhiều doanh nghiệp trong đó có VietABank. Tháng 9/2011, ông gia nhập vào HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) giữ chức vụ Chủ tịch. Đến nay, dù không còn là Chủ tịch của VietABank nhưng ông Phương Hữu Việt vẫn là thành viên HĐQT của nhà băng này.

Theo báo cáo quản trị năm 2021 của VietABank, ông Phương Hữu Việt sở hữu hơn 10,2 triệu cổ phiếu VAB, tương ứng tỷ lệ 4,54%. Như vậy, ông Phương Hữu Việt và Việt Phương Group nắm giữ tới 16,75% vốn điều lệ của VietABank.

Trên thị trường chứng khoán, hiện cổ phiếu VAB của VietABank đang giao dịch quanh mức 11.600 đồng/cp. Với thị giá này, gần 74,5 triệu cổ phiếu do ông Việt và Việt Phương Group sở hữu có giá trị trị gần 865 tỷ đồng.

Việt Phương Group chỉ là một phần trong “đế chế” của vị doanh nhân Phương Hữu Việt, bên cạnh loạt “group” khác như: Capella Group, Infinity Group hay LEC Group. Mà các hoạt động chính chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực trong ngành công thương. Vào thời điểm năm 2019, Việt Phương Group và Việt Á đã gom mua dần cổ phần của công ty TNHH Vàng Phước Sơn và trở thành cổ đông chính khi doanh nghiệp này gặp khó khăn.

Có thể thấy, tiềm lực kinh tế của vị doanh nhân Phương Hữu Việt với những bệ đỡ tài chính của nhà băng VietABank và hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau đã thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư  các dự án lớn tại nhiều địa phương trên cả nước.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống