Không có nhà ở xã hội dưới 1 tỷ

Xây dựng nhà ở xã hội phục vụ người có thu nhập thấp và trung bình nhưng không có nhà ở xã hội nào dưới 1 tỷ. Nguồn cung quá ít so với nhu cầu khiến giá nhà ở xã hội tăng cao, người thu nhập thấp càng khó tiếp cận nhà ở.

Ngày 24/4/2022 vừa qua, Hội đồng nhân dân TP.HCM tổ chức buổi tiếp xúc cử tri nữ công nhân, viên chức lao động với chủ đề "Chính sách nhà ở cho công nhân, viên chức, lao động". Sau 15 năm, TP.HCM đã đưa vào sử dụng 31 dự án nhà ở xã hội với 18.800 căn hộ, nhưng vẫn còn quá thiếu so với nhu cầu khiến giá nhà ở xã hội tăng cao, là vấn đề nan giải giúp người lao động có thể sở hữu nhà ở.

Chỉ có 17% người lao động có nhà ở tại thành phố.

Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 280.000 doanh nghiệp và 460.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể đang hoạt động, sử dụng hơn 4,7 triệu lao động, gồm 2,4 triệu lao động ở khu vực chính thức và hơn 2,3 triệu lao động tự do ở khu vực phi chính thức, tỷ lệ lao động nữ chiếm tỷ lệ 45%.

Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri sáng 24/4/2022- Ảnh: ITN.  
Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri sáng 24/4/2022- Ảnh: ITN.  

Ông cho hay, trong thời gian qua, thành phố đã có nhiều chính sách chăm lo, hỗ trợ cho người lao động. Với chủ trương phát triển nhà ở xã hội, sau 15 năm, TP.HCM đã đưa vào sử dụng 31 dự án nhà ở xã hội với 1,55 triệu m2 sàn, tương ứng 18.800 căn hộ. Trong đó, giai đoạn từ năm 2016 – 2020, đã có 19 dự án nhà ở xã hội hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung ứng cho thị trường 1,19 triệu m2 sàn, tương ứng 14.900 căn hộ.

Trong một cuộc khảo sát trực tuyến của Ban Đô thị Hội đồng nhân dân TP.HCM phối hợp Liên đoàn lao động TP.HCM, Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM về nhu cầu nhà ở từ ngày 12 - 17/4/2022, đã có 40.950 cử tri nữ công nhân, viên chức, lao động tham gia khảo sát. Kết quả cho thấy, đối với nhà ở, có 41% đang ở nhà thuê; 36% ở chung với gia đình; chỉ có 17% có nhà ở tại thành phố.

Về nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội, có 64% có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội; 70% có nhu cầu mua nhà cho từ 3 - 4 người ở; 81,4% có nhu cầu mua nhà với diện tích từ 50m2 - 70m2… Về khả năng trả nợ, 76% có thể trả trước dưới 500 triệu đồng khi thực hiện vay vốn để mua nhà; 53% lựa chọn thời hạn vay từ 10 đến dưới 15 năm. Về giá trị nhà, 36% lựa chọn mua nhà từ 0,5 tỷ đồng đến dưới 1 tỷ đồng; tiếp đến là 34% lựa chọn mua nhà từ 1 tỷ đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng.

Mỗi căn nhà ở xã hội không có giá dưới 1 tỷ

Một thực tế cho thấy, mỗi căn nhà ở xã hội hiện nay đều có mức giá trên 1 tỷ, khiến người lao động khó tiếp cận với nhà ở. Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, nếu như trước năm 2019, giá bán nhà ở xã hội không quá 16 triệu đồng/m2 thì hiện nay giá căn hộ ở mức từ 20 - 25 triệu đồng/m2. Tính ra mỗi căn hộ nhà ở xã hội có giá trên 1 - 1,6 tỷ đồng.

Ông Khiết cho biết, hiện trên địa bàn TP.HCM có 33 dự án với khoảng 70.000 căn hộ có diện tích đất trên 10ha, bắt buộc phải dành 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.

Giai đoạn 2016-2020, TP.HCM đưa vào sử dụng 19 dự án (tổng diện tích hơn 24ha) với khoảng 15.000 căn. Trong số đó, có 2 dự án từ vốn ngân sách, còn lại là vốn của doanh nghiệp. Tiếp đến giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM đặt chỉ tiêu 47 dự án nhà ở (có 10 dự án bắt buộc chủ đầu tư phải dành ra 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội), tập trung chủ yếu ở các quận 7, quận Bình Tân và TP.Thủ Đức; còn các quận nội thành chỉ có 2 dự án. Bên cạnh đó, thành phố cũng khuyến khích các địa phương ngoại thành đẩy mạnh dự án nhà ở xã hội, đáp ứng trên 35.000 căn hộ.

Chia sẻ về vấn đề thu hút giới đầu tư nhằm gia tăng số lượng cung nhà ở xã hội phục vụ người lao động, ông Khiết cho hay TP.HCM còn nhiều hạn chế trong các chính sách như thủ tục pháp lý, hỗ trợ về vốn. Ông cho biết: “Hiện Sở Xây dựng đã trình cho UBND TP.HCM các quy trình rút gọn để đẩy nhanh thời gian thực hiện các dự án nhà ở xã hội xuống dưới 6 tháng cho các chủ đầu tư (theo quy trình bình thường thì trên 1 năm); rà soát các quỹ đất để thực hiện dự án, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án…”.

Theo một cuộc khảo sát gần nhất của Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TPHCM (Hepza) cho kết quả, có khoảng 74% là công nhân từ các tỉnh thành khác đến TP.HCM làm việc, trong số này có 70% có nhu cầu về nhà ở. Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TPHCM (Hepza), cho biết: thành phố có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động và đã có 16 dự án nhà ở, nhà lưu trú công nhân với quy mô 21.000 chỗ ở. Tuy nhiên, với quy mô chỗ ở chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế, chỉ chiếm khoảng 10%.

Ông Hưng đề xuất: "Đất trong khu công nghiệp không phải là đất ở, do đó cần xem dự án nhà ở, nhà lưu trú, ký túc xá cho công nhân là một dự án dịch vụ thương mại, hạ tầng phục vụ cho sản xuất. Từ đó mới triển khai nhanh các dự án nhà ở dành cho công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất”

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống