Vietjet chào bán hơn 81 triệu cổ phiếu VJC
Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (mã VJC) vừa đề xuất phương án tăng vốn điều lệ thông qua chào bán riêng lẻ cổ phần VJC giai đoạn 2021 – 2022. Số lượng chào bán tối đa tương đương 15% vốn điều lệ, tức là khoảng 81 triệu đơn vị VJC.
Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (mã VJC) vừa đề xuất phương án tăng vốn điều lệ thông qua chào bán riêng lẻ cổ phần VJC giai đoạn 2021 – 2022. Số lượng chào bán tối đa tương đương 15% vốn điều lệ, tức là khoảng 81 triệu đơn vị VJC.
Giá chào bán cụ thể sẽ do Hội đồng Quản trị (HĐQT) quyết định theo diễn biến thị trường chứng khoán, nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất.
Tại ngày 31/12/2020, Vietjet có vốn chủ sở hữu trị giá 14.978 tỷ đồng trong khi số cổ phiếu là 541,6 triệu đơn vị, tương đương với giá trị sổ sách khoảng 27.700 đồng/cổ phiếu.
Nếu đợt chào bán riêng lẻ diễn ra vào năm 2022, mức giá tối thiểu sẽ căn cứ theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.
HĐQT sẽ quyết định danh sách nhà đầu tư đáp ứng tiêu chí: Là tổ chức, tập đoàn kinh tế hoặc quỹ đầu tư, nhà đầu tư tài chính trong và ngoài nước và các tổ chức có hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh về công nghệ, logistic, dịch vụ, hàng không và/hoặc có khả năng hỗ trợ tài chính cho Vietjet. Thời điểm chào bán cụ thể sẽ do HĐQT quyết định. Cổ phần được chào bán thành công sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối đa ba năm kể từ ngày chào bán.
Phương án chào bán này cần phải được đại hội cổ đông thường niên tổ chức ngày 29/6 tới đây thông qua trước khi có hiệu lực thi hành.
Theo Vietjet, đợt chào bán cổ phần phổ thông này là cần thiết nhằm giúp công ty có thêm vốn chủ sở hữu để mở rộng đầu tư tài sản, tàu bay, động cơ, phụ tùng máy bay và các tài sản khác; đầu tư mở rộng kinh doanh dịch vụ hàng không, đầu tư tài chính, đầu tư phát triển hạ tầng hàng không, xây dựng cơ cở vật chất, nhà xưởng sửa chữa máy bay, các dự án công nghệ tài chính, ví điện tử; tăng quy mô vốn hoạt động thông qua việc đầu tư, góp vốn vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết; và bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh chung của Vietjet.
Ngoài kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ, Vietjet còn dự định phát hành tối đa 300 triệu USD trái phiếu quốc tế niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore.
Người sở hữu trái phiếu có quyền chọn nhận cổ phiếu VJC. Giá và tỷ lệ thực hiện quyền chọn chưa được xác định.
Trước đó,ngày 24/5 vừa qua, công ty đã phát hành 10 triệu trái phiếu với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, tổng giá trị theo mệnh giá là 1.000 tỷ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn 60 tháng, đáo hạn vào 24/5/2026, không chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm. Toàn bộ lượng trái phiếu trên được mua bởi một tổ chức trong nước, không phải công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư hay tổ chức tín dụng.
Trước đợt huy động vốn qua trái phiếu này, Vietjet đã bán hơn 17,77 triệu cổ phiếu quỹ VJC với giá bình quân 132.248 đồng/cổ phiếu, tức là Vietjet đã thu về khoảng 2.350 tỷ đồng để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh.
Sau giao dịch, Vietjet không còn nắm giữ cổ phiếu quỹ nào, tổng số cổ phiếu lưu hành tăng từ 523,84 triệu đơn vị lên 541,61 triệu đơn vị.
Trong 4 tháng đầu năm nay, Vietjet khai thác 29.202 chuyến bay, giảm 3,4% so với cùng kỳ 2020 và giảm 13,2% so với cùng kỳ 2019 khi chưa có dịch COVID-19. Tỷ lệ cất cánh đúng giờ (OTP) đạt 92,4%, cải thiện đáng kể so với mức 83,6% của 4 tháng đầu năm ngoái.
Cổ phiếu VJC phiên ngày 28/06 đang giao dịch ở mức 114.700đ/cổ phiếu.