Vietravel Airlines xin vay 1.000 tỷ: Đã đóng góp gì?
Chuyên gia cho rằng, sẽ rất vô lý nếu cho Vietravel Airlines vay tiền vì hãng bay này mới hoạt động, chưa có đóng góp gì cho nền kinh tế.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, Vietravel Airlines đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin đề nghị được cho vay 1.000 tỷ với lãi suất thấp trong 5 năm.
Đáng lưu ý, đề xuất này được Vietravel Airlines đưa ra khi hãng hàng không này mới đi vào hoạt động được hơn 7 tháng.
Trao đổi với Đất Việt, chuyên gia hàng không - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM thẳng thắn cho rằng, không nên hỗ trợ, cho Vietravel Airlines vay cả nghìn tỷ đồng với lãi suất thấp vì hãng bay này vừa mới thành lập, chưa có thành tích, đóng góp gì cho nền kinh tế.
Phân tích cụ thể, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống khẳng định một nguyên tắc chung, đó là việc hỗ trợ ngành hàng không là cần thiết bởi đây là ngành đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế và để các hãng hàng không có thể thoát khỏi bờ vực phá sản, sống sót vượt qua đại dịch.
Tuy nhiên, việc hỗ trợ cho các hãng hàng không nên căn cứ theo mức thuế đóng góp của hãng trước đại dịch (trước năm 2020).
"Không phải chọn Vietnam Airlines, Vietjet hay Bamboo... để hỗ trợ mà cần xem các hãng hàng không trước khi đại dịch xảy ra hoạt động như thế nào, đóng thuế ra sao, từ đó hỗ trợ theo tỷ lệ đóng thuế của hãng. Nếu đóng góp nhiều thì tỷ lệ vay nhiều, tương ứng với mức đóng đó.
Ví dụ, Vietnam Airlines được cho vay 12.000 tỷ đồng, giả sử Vietjet có mức thuế đóng góp bằng 80% mức đóng góp của Vietnam Airlines thì Vietjet sẽ được vay 80% của 12.000 tỷ nêu trên. Tương tự, các hãng hàng không khác cũng vậy, như thế mới đảm bảo công bằng", vị chuyên gia hàng không đặt vấn đề.
Đối với Vietravel Airlines, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống đặt câu hỏi: Hãng hàng không này đã làm được gì, đóng góp được gì cho nền kinh tế mà xin hỗ trợ?
Ông thẳng thắn nêu quan điểm, cho phép Vietravel Airlines thành lập và vận hành trong mùa dịch giữa lúc nhiều hãng hàng không trên thế giới đã bị phá sản, còn các hãng bay trong nước cũng gặp vô vàn khó khăn đã là một điều khá lạ lùng. Bây giờ, chỉ sau hơn 7 tháng thành lập, hãng lại đề nghị vay mượn sẽ gây tốn kém vô cùng, nếu chấp thuận lại càng vô lý.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề hỗ trợ các hãng hàng không trước đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng cho rằng, việc Nhà nước xem xét hỗ trợ ngành nào, doanh nghiệp nào, cách hỗ trợ ra sao phải dựa trên đóng góp của ngành đó, doanh nghiệp đó trong nền kinh tế và quan trọng là tùy thuộc vào năng lực của Nhà nước cũng như phải xem xét theo đúng kinh tế thị trường.
Đối với hãng hàng không quốc gia, Nhà nước hỗ trợ, thậm chí là hỗ trợ nhiệt tình là chuyện bình thường vì đó là thương hiệu quốc gia, là trụ cột của ngành hàng không và có đóng góp tốt cho ngân sách nhà nước. Đương nhiên khi hỗ trợ, Vietnam Airlines phải đáp ứng những yêu cầu mang tính thị trường và minh bạch.
Còn đối với những hãng hàng không dân dụng mang tính tư nhân, yêu cầu đầu tiên là phải đi theo kinh tế thị trường. Với những khó khăn mà các hãng bay gặp phải, trên quan điểm đối xử bình đẳng doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước có thể xem xét hỗ trợ cho phù hợp. Sự phù hợp ở đây là phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực, yêu cầu phát triển của xã hội và phù hợp với đóng góp của doanh nghiệp đó cho nền kinh tế cũng như cho ngân sách nhà nước trong thời gian qua.
Giả dụ doanh nghiệp đóng góp rất lớn cho ngân sách thì cần có hỗ trợ cho tương xứng khi gặp khó khăn. Ngược lại, doanh nghiệp chưa có đóng góp gì đáng kể thì không thể đòi hỏi quá mức. Một điểm khác, khi đã theo kinh tế thị trường thì doanh nghiệp phải chấp nhận "lời ăn lỗ chịu".
Với trường hợp của Vietravel Airlines, ngay từ thời điểm hãng bay này được cấp phép, trao đổi trên báo chí, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đã nêu quan điểm: trong bối cảnh các hãng hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, việc lập thêm hãng hàng không mới vào lúc này là không nên. Chưa kể, năng lực tài chính của Vietravel cho thấy có nhiều vấn đề. Muốn đầu tư vào hàng không đòi hỏi năng lực tài chính của doanh nghiệp phải rất lớn, không thể chỉ sử dụng vốn vay hay phần lớn vốn vay. Bài học kinh nghiệm cho thấy, nếu hãng hàng không chủ yếu dựa vào vốn vay sẽ có rất nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến hoạt động, an toàn của doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế vì vốn đầu tư cho hàng không rất lớn.
Cũng theo ông Thịnh, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa biết khi nào mới kết thúc, các nền kinh tế chưa thể phục hồi, doanh nghiệp nên tập trung vốn vào phát triển thị trường – những nơi mà doanh nghiệp đang có tiềm năng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021 của CTCP Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam – Vietravel (Mã: VTR), trong quý I, doanh nghiệp này lỗ sau thuế gần 73 tỷ đồng, gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm trước và bằng 73,6% khoản lỗ sau thuế của cả năm 2020. Ngoài ra, doanh thu thuần trong quý đầu tiên đạt 277 tỷ đồng, giảm 65% so với quý I/2020.
Nguyên nhân chính dẫn đến điều này là do doanh thu từ dịch vụ du lịch lữ hành và bán vé máy bay của công ty trong quý I chỉ đạt lần lượt 72 tỷ đồng và 71 tỷ đồng, tương ứng mức giảm lần lượt là 88% và 54%.
Trái lại, doanh thu từ việc cung cấp các dịch vụ khác của Vietravel lại tăng cao, từ mức 7,3 tỷ đồng lên 114 tỷ đồng.
Theo giải trình, lý do khiến việc lợi nhuận sau thuế biến động mạnh là vì dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại vào đúng dịp Tết Nguyên đán 2021, thời gian kinh doanh cao điểm, qua đó đã ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh quý I của Vietravel.
Quý I/2021 là thời điểm mà hãng hàng không Vietravel Airlines chính thức đi vào hoạt động sau khi được ra mắt vào cuối năm 2020.
Tính đến cuối quý I, chi phí cho Vietravel Airlines được Vietravel ghi nhận đạt 58,9 tỷ đồng.