Vietravel Airlines xin vay 1.000 tỷ lãi suất thấp: Hoài nghi

Vietravel Airlines đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin đề nghị được cho vay 1.000 tỷ với lãi suất thấp trong 5 năm.

Thông tin này được đại diện Vietravel, tập đoàn duy nhất của Việt Nam vừa kinh doanh lữ hành quốc tế vừa kinh doanh hàng không, đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với đại diện các doanh nghiệp hàng đầu, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương.

Tại hội nghị này, đại diện Vietravel đã có những kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo các chính sách hỗ trợ cho những doanh nghiệp du lịch và hàng không tăng khả năng "sống sót" và hoạt động trở lại sau khi dịch được khống chế.

Thứ 1, Vietravel kiến nghị Chính phủ và Quốc hội thiết kế chính sách xem xét giảm thuế VAT xuống 5% và thuế TNDN xuống 16% trong 3 năm đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành du lịch và hàng không. Đây là tiền đề để các doanh nghiệp ngành này có thể phục hồi, tăng trưởng trở lại sau khi dịch đi qua.

Thứ 2, cần thiết kế các gói vay với lãi suất ưu đãi cho riêng doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch và hàng không. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một số văn bản nhưng hầu như không mang tính khả thi cao. Cụ thể, các ngân hàng vẫn hạ bậc tín dụng các doanh nghiệp khi cơ cấu lại khoản nợ dẫn đến giảm khả năng tiếp cận nguồn tín dụng mới của doanh nghiệp.

Mặc dù có 16 ngân hàng cam kết giảm lãi suất nhưng chỉ 4 ngân hàng triển khai và NHNN cũng không có chế tài gì nên thỏa thuận thực tế áp dụng không có mang tính hiệu quả.

Ngay chủ trương giảm tiền thuê đất và nhà nhằm giảm khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, nhưng đến nay vẫn không có văn bản hướng dẫn triển khai nên không thực hiện được.

"Cần ban hành ngay chính sách mới kèm chế tài cụ thể về khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cũng như không hạ bậc tín dụng doanh nghiệp trên kênh liên ngân hàng", đại diện Vietravel nhấn mạnh.

Chuyến bay ra mắt của Vietravel được thực hiện hồi tháng 12/2020 theo lộ trình Hà Nội - Huế - TP.HCM  
Chuyến bay ra mắt của Vietravel được thực hiện hồi tháng 12/2020 theo lộ trình Hà Nội - Huế - TP.HCM  
 

Thứ 3, các gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng và bây giờ là 26.000 tỷ đồng đều thực hiện qua bộ máy quản lý hành chính, trong khi đúng ra cần có thêm kênh doanh nghiệp tham gia sẽ nhanh, chính xác và hiệu quả hơn. Với vai trò của doanh nghiệp, tiền hỗ trợ người lao động sẽ trả thẳng cho những doanh nghiệp vẫn hàng tháng đang nộp BHXH và Bảo hiểm Y tế, nên việc triển khai sẽ nhanh chính xác hiệu quả và tránh cho người lao động phải di chuyển, giấy tờ.

Thứ 4, cần nghiên cứu và ban hành chính sách cho toàn bộ các doanh nghiệp hàng không để hỗ trợ trực tiếp, chứ không nên chỉ "giải cứu" một hãng hàng không, tạo sự công bằng cũng như sức cạnh tranh của ngành.

Cùng với đề xuất này, Vietravel Airlines đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin đề nghị được cho vay 1.000 tỷ đồng với lãi suất thấp trong 5 năm.

Để chuẩn bị cho quá trình hồi phục, lúc này tập trung triển khai chương trình "Hộ chiếu vaccine" tại Phú quốc, Nam Hội An, Nha Trang, Quy Nhơn, thành phố Huế, TP Vân Đồn và TP Hạ Long cho các du khách đã tiêm 2 mũi và có xét nghiệm âm tính 24h trước khi vào Việt Nam. Cho phép các doanh nghiệp được trả chi phí tiêm vaccine cho cán bộ nhân viên của mình nhằm đảm bảo sản xuất kinh doanh không bị gãy đổ.

Cuối cùng, tập đoàn cũng đề xuất Chính phủ tập trung áp dụng và đưa Công nghệ số hóa vào quản lý Xã hội và điều hành hoạt động Phòng chống dịch bệnh cũng như sản xuất kinh doanh.

Lo ngại từ khi thành lập

Là thành viên của Vietravel Group, hãng hàng không Vietravel Airlines được phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 3/4/2020. Đây là hãng hàng không đầu tiên được cho phép thành lập giữa mùa dịch, khi ngành du lịch, hàng không đang đứng trước khó khăn, sụt giảm doanh thu vì Covid-19.

Ngày 26/12/2020, hãng đã cất cánh chuyến bay đầu tiên ra mắt với lộ trình Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Các chuyến bay thương mại được hãng chính thức khai thác từ tháng 1/2020.

Thời điểm ra mắt, lãnh đạo Vietravel Airlines cho biết hãng phấn đấu đặt mục tiêu có lãi từ năm thứ hai trở đi, nếu tình hình thị trường ổn định.

Tuy nhiên, khi ấy nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không đã bày tỏ lo ngại, thậm chí, TS. Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải cho rằng: "Việc cấp phép cho Vietravel Airlines tiềm ẩn nhiều rủi ro".

Ông Thủy khẳng định, việc cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia thành lập hãng hàng không là phù hợp chủ trương phát triển các thành phần kinh tế, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh, đặc biệt là tận dụng vốn của khu vực kinh tế tư nhân cho phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Tuy nhiên, việc có thêm một hãng hàng không mới ở thời điểm dịch Covid-19 bùng phát là vấn đề rất hệ trọng, liên quan đến sự phát triển có hợp lý hay không, hiệu quả hay không.

"Vietravel vốn đang lỗ ở kinh doanh du lịch và với tình hình dịch này thì còn lỗ. Trong khi hàng không đòi hỏi đầu tư lớn, chậm thu hồi vốn, thua lỗ vài năm đầu là khó tránh khỏi. Vietravel Airlines chính thức bay trong năm nay hoặc sang năm sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro và không hợp lý", TS. Nguyễn Xuân Thủy nhận định trên báo Dân Việt.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM cũng tỏ ra khó hiểu với việc ra đời của Vietravel Airlines giữa đại dịch.

Thực tế, nhiều hãng hàng không trên thế giới đã bị phá sản. Trong nước, Vietnam Airlines và VietJet cũng đang gặp vô vàn khó khăn. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các hãng đang rất trông chờ sự phục hồi phần nào đó của đi lại trong nước để duy trì hoạt động, giảm bớt lỗ. Trong bối cảnh ấy, Vietravel vốn phụ thuộc cả vào du lịch và hàng không mà vẫn "sống chết" xin thành lập hãng bay thì rất lạ lùng.

Chưa kể, thông thường, hãng bay mới thành lập sẽ phải mất vài năm đầu chấp nhận thua lỗ để đầu tư, sau đó mới dần thu hồi vốn và có lãi nếu được chia thị phần. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động nặng nề tới cả du lịch và hàng không, thời gian lỗ này sẽ kéo dài hơn trước. Từ đó, ông Tống cho rằng dư luận hoàn toàn có quyền đặt nghi vấn động cơ thực sự của Vietravel là gì?

Cho tới nay, vỏn vẹn hơn 7 tháng kể từ ngày thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên, Vietravel Airlines đã gửi văn bản đề nghị được cho vay 1.000 tỷ đồng với lãi suất thấp trong vòng 5 năm để có thể "sống sót" và hoạt động trở lại sau khi dịch Covid-19 được khống chế càng gây ra nhiều khó hiểu. Bởi về nguyên tắc, doanh nghiệp "lời ăn lỗ chịu", chưa kể khi xin thành lập hãng bay giữa mùa dịch Vietravel Airlines đã phải lường trước đến những khó khăn mà ngành hàng không nói chung và hãng bay nói riêng phải đối mặt.

Minh Thái

Theo Đất Việt