Vimeco: Lãi dật dờ, sống nhờ dòng tiền vay mượn

Từ năm 2020 đến nay, Công ty Cổ phần Vimeco (HNX: VMC) chỉ có lãi sau thuế vài tỷ đồng/năm. Đã vậy, dòng tiền kinh doanh lại âm triền miên, khiến công ty lệ thuộc nặng nề vào hoạt động vay mượn để có tiền hoạt động.

Bức tranh lợi nhuận kém màu

Vimeco là đơn vị khá có tiếng trong ngành xây dựng Việt Nam, với lịch sử phát triển gần 30 năm. Những năm 2008 – 2011 và 2015 – 2019, công ty luôn duy trì doanh thu trên ngưỡng 1.000 tỷ đồng, cá biệt năm 2017, doanh thu trên ngưỡng 2.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kể từ năm 2020, doanh thu của công ty giảm khá sâu so với giai đoạn trước đó. Cụ thể, năm 2020, doanh thu chỉ đạt 643 tỷ đồng; năm 2021 đạt 766 tỷ đồng; năm 2022 đạt 918 tỷ đồng.

Điều an ủi là doanh thu 3 năm này đã có sự đi lên, phản ánh cho nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đến năm 2023, doanh thu của Vimeco có sự thay đổi lớn, khi đột phá lên 1.173 tỷ đồng, đánh dấu cho việc quay trở lại với cột mốc nghìn tỷ.

Mặc dù doanh thu có sự cải thiện như vậy, song lợi nhuận của công ty lại không có sự thay đổi tương xứng. Suốt từ năm 2020 trở lại đây, năm nào Vimeco cũng chỉ có lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh “lẹt đẹt” ở mức vài tỷ đồng. Cụ thể, năm 2020, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là 3,6 tỷ đồng; năm 2021 là 6,1 tỷ đồng; năm 2022 là 4,7 tỷ đồng; năm 2023 là 1,7 tỷ đồng.

Điều đáng buồn hơn nữa là từ 2021 đến 2023, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh lại không ngừng đi lùi, trái ngược với đà tăng tiến của doanh thu. Diễn biến trái ngược này cho thấy việc quản trị kinh doanh của Vimeco đang tồn tại những vấn đề, mà nặng nhất là dòng tiền hoạt động. Bởi trong cùng giai đoạn này, tỷ suất lợi nhuận gộp biên đã có sự cải thiện đáng kể, từ 4,8% (2021) lên 6,5% (2022) rồi lên 7,4% (2023) – hoàn toàn không thấp (nếu không muốn nói là khá cao) so với mặt bằng chung của ngành xây dựng hiện nay.

Sự yếu kém của hoạt động kinh doanh cốt lõi đã ảnh hưởng mạnh tới lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp. Suốt từ năm 2020 đến nay, lợi nhuận sau thuế các năm của Vimeco cũng chỉ đạt vài tỷ đồng/năm, lần lượt là: 3,4 tỷ đồng; 3,6 tỷ đồng; 2,7 tỷ đồng và 5,1 tỷ đồng.

5,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2023 là kết quả lợi nhuận tốt nhất của Vimeco trong 4 năm qua. Song đáng tiếc rằng con số ấy lại có được nhờ việc bán tài sản. Theo đó, năm 2023, Vimeco đã thanh lý tài sản cố định, thu về khoản lợi nhuận khác 10 tỷ đồng. Nếu không có khoản lãi từ bán tài sản này, Vimeco rất có thể đã có năm lợi nhuận tồi tệ nhất lịch sử, bởi lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 2023 là mức thấp nhất kể từ khi Vimeco công bố thông tin (trừ năm lỗ thuần 2019).

Chính vì thế, chất lượng lợi nhuận của Vimeco trong năm 2023 là rất thấp.

Và như một hệ quả tất yếu của tình trạng kinh doanh kém hiệu quả nói trên, từ 2020 tới nay, chưa có năm nào Vimeco hoàn thành được kế hoạch năm, dù rằng mỗi năm kế hoạch của công ty thêm một phần tham vọng.

Cụ thể, năm 2020, công ty chỉ hoàn thành 61% mục tiêu doanh thu, 14,6% mục tiêu lợi nhuận. Tỷ lệ này ở năm 2021 là 56% doanh thu, 17% lợi nhuận; ở năm 2022 là 51% doanh thu, 8,6% lợi nhuận; và ở năm 2023 là 77% doanh thu, 57% lợi nhuận.

Chông chênh chèo chống vốn

Như đã đề cập bên trên, câu chuyện kinh doanh kém hiệu quả của Vimeco có liên quan rất lớn đến vấn đề dòng tiền hoạt động. Có thể nói, dòng tiền của công ty trong các năm 2020 – 2023 khá xấu, với dòng tiền kinh doanh âm liên tục: năm 2020 âm 22 tỷ đồng, năm 2021 âm 11 tỷ đồng, năm 2022 âm 104 tỷ đồng, năm 2023 âm 73 tỷ đồng.

Việc âm dòng tiền kinh doanh khiến Vimeco lâm vào cảnh “khát tiền” liên tục. Trong khi không thể trông chờ vào dòng tiền đầu tư (do phải mua sắm tài sản qua các năm hoặc có thanh lý tài sản để thu tiền về nhưng “không ăn thua”), Vimeco buộc phải đẩy mạnh hoạt động vay mượn để bù đắp dòng tiền.

Biểu hiện rõ nét cho việc này là dòng tiền đi vay các năm 2020 – 2023 đã tăng liên tục, với tốc độ tăng trưởng lên tới 2 chữ số: năm 2020 là 449 tỷ đồng, năm 2021 là 505 tỷ đồng (tăng 12%), năm 2022 là 730 tỷ đồng (tăng 44%) và năm 2023 là 918 tỷ đồng (tăng 26%).

Hậu quả nhãn tiền với việc lệ thuộc vào vốn vay là chi phí tài chính của Vimeco tăng lên nhanh chóng. Nếu năm 2020, chi phí tài chính chỉ là 15 tỷ đồng, thì năm 2022 đã tăng lên 25 tỷ đồng và đến năm 2023 vọt lên 50 tỷ đồng. Chi phí tài chính lớn và tăng lên quá nhanh là một trong những nguyên nhân quan trọng “bào mòn” lợi nhuận của Vimeco, gây nên tình trạng “phú quý giật lùi” như ta đã thấy ở kết quả lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh.

Nhìn ở một chỉ số khác, cũng có thể thấy được mức độ phụ thuộc vào vốn bên ngoài của Vimeco đã lớn lên khá nhanh theo năm tháng. Cụ thể, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu năm 2020 là 2 lần, tới 2022 đã vọt lên 3,62 lần, và năm 2023 là 3,08 lần. Đây là hệ số khá cao, kể cả đối với một ngành thâm dụng vốn như xây dựng.

Lãnh đạo Vimeco có lẽ nhận thấy rất rõ vấn đề của công ty. Bởi vậy, từ năm 2022, Vimeco đã có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 1.016 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và chào bán cho cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, kế hoạch này tới nay vẫn chưa thể thực hiện. Vốn điều lệ của Vimeco cho đến hết năm 2023 vẫn chỉ là 237 tỷ đồng, “nhích” thêm vài chục tỷ so với năm 2020.

Như vậy, có thể thấy, Vimeco đang ở “ngã ba đường” của hoạt động kinh doanh. Năm 2024 này, với bối cảnh mới, liệu công ty thuộc họ Vinaconex này có thể cải biến vận mệnh của mình, cắt cơn nghiện vốn vay để tự lực, tự cường?

Ái Châu Tử

Theo VietnamFinance