Vinaconex muốn làm du lịch tâm linh ở Phú Yên: Xem kỹ...

Phải khảo sát nhu cầu của cộng đồng, có sự tham vấn của giới chuyên môn, các hiệp hội có liên quan trước khi tính làm dự án.

Công ty CP Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) mới đây đã đề xuất xây dựng Khu du lịch tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng Biển Hồ tại xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên với quy mô 470ha.

Theo một nguồn tin của Đất Việt, khu du lịch tâm linh, sinh thái nói trên là doanh nghiệp quy hoạch giúp cho tỉnh, chưa có gì gọi là đầu tư.

"Tỉnh sẽ xem xét đề xuất của Vinaconex, nếu được phê duyệt thì dự án sẽ được đưa ra đấu thầu", nguồn tin cho biết.

Ở góc nhìn chuyên gia, ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Huế cho hay, dù đây mới chỉ là ý tưởng của doanh nghiệp, song một lần nữa nó đã chứng minh sức hút của loại hình du lịch tâm linh tại Việt Nam.

Trước đề xuất này, hàng loạt dự án tâm linh đồ sộ đã được xây dựng như Khu Bái Đính-Tràng An (Ninh Bình); quần thể khu du lịch chùa Tam Chúc (Hà Nam), khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên)...

"Theo dự báo, du lịch tôn giáo là xu hướng của thế kỷ XXI, nếu Việt Nam vận dụng tốt thì không có vấn đề gì. Nhưng khi làm một dự án du lịch tâm linh cụ thể thì phải nghiên cứu rất kỹ, tránh để biến tướng, doanh nghiệp lợi dụng vỏ bọc tâm linh, tôn giáo để kinh doanh, thu tiền", ông Vũ Hoài Phương nói.

Phân tích cụ thể, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Huế, cho đến nay Luật Du lịch chưa có khái niệm về du lịch tâm linh, dẫn đến nhiều hiểu biết, nhiều cách đặt vấn đề khác nhau về loại hình du lịch này. Do đó, trước hết cần phải định nghĩa rõ để có thể quản lý theo luật.

"Điều cốt lõi của du lịch tâm linh vẫn là văn hóa. Một dự án du lịch tâm linh phải mang giá trị văn hóa của một tôn giáo, giá trị văn hóa của đất nước và những giá trị ấy phải được lưu giữ, phát triển, không bị biến tướng.

Khi làm ra một sản phẩm, sản phẩm đó phải đem lại lợi ích cho mỗi người con người. Ở đây, du lịch tâm linh mang giá trị tinh thần nhiều hơn, nó đem lại cho mỗi người niềm tin, động lực mới trong cuộc sống. Thế nhưng, một dự án có thực sự đem lại điều đó hay không, nó có mang lại giá trị cốt lõi cho du khách?

Khi xây dựng một dự án du lịch tâm linh, thu hút khách thập phương đến thì vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho người dân địa phương. Nhà đầu tư làm gì thì làm, nhưng nếu cộng đồng địa phương không được hưởng lợi một cách xứng đáng từ những hoạt động đó thì phải cân nhắc dự án ấy.

Đó là những yếu tố hết sức quan trọng trước khi phê duyệt một dự án. Đối tượng khách du lịch tâm linh rất chung thủy, họ đã tới một lần thì sẽ tới lần nữa, song nếu dự án du lịch tâm linh không xây dựng được các giá trị nói trên thì dẫu nhà đầu tư có bỏ bao nhiêu tiền thì khách cũng không tới", ông Vũ Hoài Phương phân tích và đặc biệt nhấn mạnh đến việc bảo vệ quyền lợi của cộng đồng người dân.

Theo ông, việc xây dựng một dự án du lịch tâm linh phải dựa trên đại đa số nhu cầu của người dân địa phương, không phải tùy thuộc vào doanh nghiệp. Đồng thời, phải làm rõ: Nếu gắn dự án du lịch với tâm linh thì việc kinh doanh cần thực hiện như thế nào, theo quy định ra sao, tính tiền sử dụng đất với công trình của dự án có gắn với công trình tâm linh ra sao?

"Trong phát triển du lịch tôn giáo, tâm linh có nhiều bên liên quan, nhiều các thành phần phải tham gia với quyền và nghĩa vụ trong đó: đó là chính quyền sở tại, người dân địa phương, các tổ chức tôn giáo, khách du lịch, các nhà chuyên môn về tôn giáo, sử học, các hiệp hội và cả doanh nghiệp. Phải khảo sát nhu cầu của cộng đồng, lấy ý kiến của các bên liên quan trước khi quyết định", Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Huế lưu ý.

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cũng đã đặt ra câu hỏi vốn là trăn trở của nhiều người: “Việt Nam có nên quy hoạch cả ngàn héc ta cho du lịch tâm linh kết hợp nghỉ dưỡng hay không? Trên thế giới có nước nào dành cả ngàn héc ta để làm khu du lịch tâm linh như nước ta không?”.

Theo đề xuất ý tưởng của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Khu du lịch tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng Biển Hồ đặt tại xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa với quy mô 470 ha.

Dự án sẽ xây dựng khu du lịch tâm linh; hình thành khu dịch vụ thương mại du lịch nghỉ dưỡng biển, hồ sinh thái thân thiện với môi trường, tạo điểm đến du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; xây dựng khu sân gôn 18 lỗ mang tầm quốc tế và các tiện ích, hạ tầng kỹ thuật khác…

Tại cuộc họp ngày 11/2, lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên đề nghị nhà đầu tư, đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu tại buổi làm việc, hoàn chỉnh lại ý tưởng lập quy hoạch, đầu tư.

Trong đó, lưu ý cần đồng bộ với quy hoạch của địa phương, tỉnh, đảm bảo tuân thủ quy định liên quan đến vấn đề tâm linh, môi trường, sử dụng đất; đồng thời, yêu cầu UBND tỉnh thành lập Tổ hỗ trợ nhà đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu, hoàn chỉnh lại phương án lập quy hoạch để dự án được phê duyệt và sớm được khởi công xây dựng.

Theo Thành Luân/ Báo Đất Việt

Link nguồn: https://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/vinaconex-muon-lam-du-lich-tam-linh-o-phu-yen-xem-ky-3397209/ 

Tin liên quan