Vinaconex và gánh nặng nợ nần
Vinaconex đầu tư phần lớn tài sản vào các dự án bất động sản nhưng doanh thu từ mảng này lại có phần khiêm tốn trong khi đó phần lớn tài sản đổ vào các dự án bất động sản. Tuy nhiên, trong quý III/2022, Vinaconex lại ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ nhờ vào nguồn thu từ hoạt động kinh doanh xây lắp.
Nguồn thu 9 tháng đầu năm từ hoạt động kinh doanh cốt lõi
Theo BCTC hợp nhất quý 3/2022, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ Vinaconex đạt 3,174 tỷ đồng, tăng 150% so với cùng kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 105 tỷ đồng tương đương cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Tổng công ty đạt 273 tỷ đồng, tăng hơn 143% so với cùng kỳ.
Đây là kết quả kinh doanh khá ấn tượng của Vinaconex, đặc biệt hơn lợi nhuận đến chủ yếu từ hoạt động kinh doanh chính.
Lũy kế 9 tháng, Tổng công ty đạt 6,699 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 86% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 1,011 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu đạt 1,733 đồng.
Tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 30,966 tỷ đồng, tương đương đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt 9,969 tỷ đồng, tăng 30% so với đầu kỳ.
Tính đến cuối kỳ, Vinaconex còn khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 1,736 tỷ đồng, tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 2,828 tỷ đồng.
Trong kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022, Vinaconex cho thấy vẫn rất tập trung vào hoạt động cốt lõi là xây lắp. Mảng này chiếm đến 66% trong cơ cấu doanh thu, trong khi mảng bất động sản chỉ chiếm 8% và hoạt động đầu tư đóng góp 26% còn lại. Tuy nhiên, nếu xét kĩ, kết quả này cũng bộc lộ không ít vấn đề về tính bền vững.
Trước hết, biên lợi nhuận gộp của Vinaconex trong giai đoạn 9 tháng đầu năm 2022 giảm mạnh về mức trên 11%, giảm 5 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Nguyên nhân là giá vốn hàng bán tăng cao. Trong bối cảnh thị trường xây dựng và bất động sản đang đối mặt với không ít thách thức, việc quản lý giá vốn hàng bán và chi phí hoạt động thiếu linh hoạt sẽ khiến lợi nhuận bị ăn mòn.
Gánh nặng từ vay nợ đổ vào các dự án bất động sản
Bên cạnh việc tăng doanh thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi thì Vinaconex lại gặp trở ngại lớn ở các khoản vay đầu tư vào các dự án bất động sản. Thị trường khó khăn, lãi suất ngày càng tăng, trái phiếu thì bị kiểm soát mạnh mẽ khiến doanh nghiệp này loay hoay với các dự án.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, số nợ vay của Vinaconex là gần 21.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều số vốn chủ sở hữu là gần 10.000 tỷ đồng. Trong đó, Vinaconex tài trợ phần lớn nguồn vốn này cho hoạt động bất động sản, dù tỉ trọng đóng góp vào doanh thu của mảng này khá nhỏ.
Tính đến ngày 30/9/2022, khoản tài sản dở dang dài hạn của công ty này có giá trị đến 7.000 tỷ đồng. Trong số hơn 10 dự án đang triển khai, có ít nhất 6 dự án bất động sản.
Trong bối cảnh lãi suất tăng cao và thị trường bất động sản khó khăn như hiện nay, việc tài trợ phần lớn nguồn vốn vay cho các dự án bất động sản gây ra nhiều khó khăn cho Vinaconex.
Trong năm 2021, công ty này phải trả 500 tỷ đồng lãi vay. Riêng 9 tháng đầu năm 2022, Vinaconex phải trả hơn 560 tỷ đồng lãi vay. Vinaconex phải trả lãi vay nhiều đồng nghĩa công ty vay nợ khá lớn. Với trăm tỷ đồng lãi vay mỗi năm, không chỉ đối mặt với chuyện lợi nhuận bị ăn mòn, Vinaconex còn gặp phải rủi ro thanh khoản không nhỏ.
Đáng chú ý, mảng bất động sản đóng góp vào doanh thu chung của Vinaconex chưa nhiều nhưng số vốn rót vào khá lớn. Trong khi chưa bán được hàng vì thị trường còn khó khăn, ngoài việc lợi nhuận bị ăn mòn, khả năng thanh toán của Vinaconex cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
Nhìn vào tỉ trọng nợ vay/vốn chủ sở hữu của Vinaconex trong 9 tháng đầu năm công ty mẹ Vinaconex (nợ vay: 13.800 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu: 6.000 tỷ đồng), dễ thấy công ty này hoạt động phụ thuộc vào nguồn vốn nay. Công ty Chứng khoán Mirae Asset ước tính, khả năng thanh toán lãi vay công ty mẹ Vinaconex trong năm 2022 giảm còn 0,8 lần, giảm so với mức 1,4 lần của năm 2021. Đồng thời, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư sẽ âm hơn 3.000 tỷ đồng.
Được biết, Vinaconex có tiền thân là Công ty Dịch vụ và Xây dựng nước ngoài, được thành lập năm 1988, cổ phần hóa năm 2006 và lên sàn HoSE vào năm 2020. Doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thuỷ lợi, các công trình thuỷ điện; sản xuất vật liệu xây dựng; đầu tư và kinh doanh bất động sản.
VCG hiện là một trong những doanh nghiệp lớn nhất cả nước khi có lợi thế vừa là nhà thầu vừa là đơn vị trực tiếp thi công. Các công trình trọng điểm quốc gia mà công ty đã tham gia như công trình thủy điện Buôn Tur Srah, thủy điện Buôn Kuốp, thủy điện Cửa Đạt, dự án nhà ga T2 – Cảng Hàng không Nội Bài, Cầu Nhật Tân, Trung tâm Hội nghị Quốc Gia, Bảo tàng Hà Nội, đường cao tốc Láng Hòa Lạc...
Hiện tại, Vinaconex có một cổ đông lớn duy nhất là CTCP Đầu tư Pacific Holdings với hơn 305,6 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 62,9%.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VCG từ có đợt tăng mạnh cuối năm ngoái lên đỉnh lịch sử 48.690 đồng/CP vào phiên 5/1/2022 (giá cổ phiếu đã được điều chỉnh), sau đấy giảm mạnh. Chốt phiên giao dịch ngày 16/11 giá cổ phiếu VCG ở mức 12.600 đồng/cp.