Vinpearl của tỷ phú Phạm Nhật Vượng liên tục tăng vốn trước thềm niêm yết
Vinpearl dự kiến tăng vốn lên 17.933 tỷ đồng thông qua việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Công ty Cổ phần Vinpearl mới đây đã thông qua hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu, với mục tiêu tăng vốn lên 17.933 tỷ đồng.
Cụ thể, theo kế hoạch đưa ra cuối tháng 11, Vinpearl sẽ chào bán hơn 70 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 1.000:40,673 cho cổ đông hiện hữu với giá 71.350 đồng/cổ phiếu, tương đương số tiền dự kiến thu về là hơn 5.000 tỷ đồng.
Số tiền này sẽ được dùng để góp vốn vào Công ty Cổ phần Vinwonders Nha Trang để đầu tư vào dự án Công viên văn hóa Vinwonders Nha Trang (990 tỷ đồng); nhận chuyển nhượng 99,992% vốn của Công ty Cổ phần Vinpearl Cửa Hội (chủ đầu tư dự án Khu vui chơi giải trí Cửa Hội) từ Tập đoàn Vingroup (1.855 tỷ đồng); thanh toán nợ vay và chi phí liên quan đến khoản vay (1.658 tỷ đồng); nhận chuyển nhượng tầng 1 và từ tầng 5 đến tầng 9 hạng mục Trung tâm thương mại – khách sạn của dự án khu trung tâm thương mại khách sạn và nhà ở thương mại shouhouse Hà Giang (Khách sạn Sheraton Hà Giang) từ Tập đoàn Vingroup (495 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động (2,8 tỷ đồng).
Phương án tăng vốn này dự kiến được thực hiện vào quý IV năm nay hoặc quý đầu năm sau, ngay sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận. Trong nửa đầu năm 2024, Vinpearl cũng đã thực hiện tăng vốn từ 15.041 tỷ đồng lên 17.232 tỷ đồng như hiện nay.
Được biết, việc triển khai kế hoạch tăng vốn được Vinpearl thực hiện sau khi những thông tin về việc niêm yết cổ phiếu được công bố. Việc Vinpearl đưa cổ phiếu lên sàn đã được xác nhận tại ĐHĐCĐ và một số sự kiện gặp mặt nhà đầu tư của Vingroup.
Mới đây, vào ngày 15/11, UBCKNN đã có công văn xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng của Vinpearl. Đây được coi là những bước đi đầu tiên của Vinpearl trong kế hoạch niêm yết cổ phiếu lên sàn.
Vinpearl được thành lập vào năm 2001, tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Du lịch, Thương mại và Dịch vụ Hòn Tre. Công ty đặt trụ sở tại Đảo Hòn Tre, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Hiện cổ đông lớn của Vinpearl chỉ có Tập đoàn Vingroup với tỷ lệ sở hữu 85,51%.
Vinpearl là một trong những thương hiệu dịch vụ du lịch - nghỉ dưỡng - giải trí lớn nhất Việt Nam. Vinpearl sở hữu chuỗi thương hiệu khách sạn, resort, spa cùng trung tâm hội nghị, ẩm thực và sân golf 5 sao và các khu vui chơi giải trí theo tiêu chuẩn quốc tế tọa lạc tại những danh thắng du lịch nổi tiếng nhất của Việt Nam.
Vinpearl đang toạ lạc tại 17 tỉnh thành trên toàn quốc với công suất phòng trên 15.900 phòng khách sạn và biệt thự, 3 công viên chủ đề và 2 khu vui chơi giải trí, 2 công viên bảo tồn và chăm sóc động vật bán hoang dã, 4 sân golf. Công ty cho biết sẽ tiếp tục mở rộng quy mô trên Việt Nam và trên thế giới trong thời gian tới.
Không chỉ Vinpearl, trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ cũng rục rịch kế hoạch IPO, đưa cổ phiếu lên sàn. Mới đây, Công ty Cổ phần Regal Group – công ty con của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG) đã nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng.
BW Industrial – liên doanh giữa Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC, HoSE: BCM) và Warburg Pincus, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, gần đây cũng đã tiết lộ về việc đang lên kế hoạch chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO) tại Việt Nam.
Ngoài ra, nhiều ông lớn như Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (UPCoM: MCH), Công ty Cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) cũng đang khẩn trương thúc đẩy các hoạt động chuyển sàn, từ hệ thống giao dịch UPCoM sang Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE).