VIX: Lợi nhuận đi lùi, nợ phải trả tăng lên gấp 9 lần
Dù quý III ghi nhận những kết quả tích cực như doanh thu tăng 71%, lợi nhuận tăng 33%, luỹ kế 9 tháng, VIX vẫn chưa đạt được những tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ, thậm chí có phần đi lùi.
Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý III, Công ty Cổ phần Chứng khoán VIX (HoSE: VIX) ghi nhận hơn 553 tỷ đồng doanh thu hoạt động, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là phần lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), đạt hơn 400 tỷ đồng (gấp 2,5 lần cùng kỳ); lãi từ các khoản cho vay và phải thu đạt hơn 110 tỷ đồng (gấp rưỡi).
Các nghiệp vụ khác như môi giới chứng khoán, bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, lần lượt đạt 25,8 tỷ đồng (giảm 16,7%) và 14,9 tỷ đồng (tăng 15%).
Cùng với sự gia tăng của doanh thu, các chi phí hoạt động của VIX cũng không kém phần khi ghi nhận tăng gấp 2,9 lần cùng kỳ, đạt hơn 197 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí, VIX báo lãi sau thuế hơn 265 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động tự doanh lãi 219,7 tỷ đồng, tăng gần 93% so với quý III/2023.
Luỹ kế 9 tháng, doanh thu hoạt động của VIX đạt 1.293 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái. Nhìn chung trong 9 tháng, nghiệp vụ cho vay và môi giới ghi nhận các diễn biến đáng chú ý nhất khi tăng trưởng lần lượt 70% và 106,7%, tương ứng đạt 102,8 tỷ đồng và 344 tỷ đồng.
Doanh thu đi ngang, trong khi chi phí hoạt động lại tăng gần 74%, làm VIX phải báo lãi sau thuế đi lùi so với 9 tháng năm 2023, đạt hơn 551 tỷ đồng (giảm 28,9%).
Năm 2024, VIX lên kế hoạch lợi nhuận sau thuế đạt 1.056 tỷ đồng, tăng 9% so với mức thực hiện năm 2023. Dù đã ghi nhận cú bứt tốc trong quý III vừa qua, tuy nhiên tổng thể 9 tháng, công ty mới hoàn thành 52% kế hoạch cả năm.
Bối cảnh kinh doanh từ đầu năm 2024 tới nay kém thuận lợi hơn nhiều so với năm 2023, bởi thị trường chứng khoán vừa trải qua 9 tháng đầy biến động, chỉ số VN-Index có lúc giảm xuống dưới 1.200 điểm. Trong thời gian gần đây, VN-Index đã nhiều lần nỗ lực vượt đỉnh 1.300 điểm nhưng không thành công, thanh khoản thị trường cũng kém sắc.
Hoạt động của nhóm công ty chứng khoán thường “đồng pha” với diễn biến thị trường. Điều này lý giải cho kết quả lợi nhuận đi lùi của VIX trong 9 tháng năm 2024.
Về quy mô tài sản, tính đến cuối quý III, tổng tài sản của VIX đạt hơn 18.217 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với thời điểm đầu năm. Sự chênh lệch lớn này đến việc công ty hoàn tất 4 đợt phát hành tăng vốn, bao gồm phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu (gần 67 triệu đơn vị), phát hành cổ phiếu để trả cổ tức (gần 67 triệu đơn vị), phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (19,22 triệu đơn vị) và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (gần 636 triệu đơn vị).
Sau khi phát hành, hơn 3.500 tỷ đồng tiền mặt được bổ sung vào dòng tiền của VIX. Các khoản tiền và tương đương tiền tăng lên mức hơn 4.152 tỷ đồng, so với 139,5 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm.
Các khoản cho vay cũng tăng lên mức 4.223 tỷ đồng, tăng thêm hơn 1.200 tỷ đồng so với đầu năm và tăng thêm 134 tỷ đồng so với cuối quý II. Trong đó, cho vay hoạt động giao dịch ký quỹ (margin) là hơn 4.125 tỷ đồng, cho vay hoạt động ứng trước tiền bán của khách hàng là hơn 97,8 tỷ đồng.
Các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) đạt hơn 9.285 tỷ đồng, tăng hơn gấp rưỡi so với đầu năm. Trong đó, hơn 3.646 tỷ đồng là cổ phiếu niêm yết, hơn 811 tỷ đồng là cổ phiếu chưa niêm yết, hơn 2.085 tỷ đồng là uỷ thác đầu tư, còn lại 2.741 tỷ đồng là trái phiếu chưa niêm yết.
Tính tới cuối quý III, VIX đang lỗ khoảng 30,5 tỷ đồng từ các tài sản tài chính là cổ phiếu niêm yết, lỗ 989 triệu đồng từ cổ phiếu chưa niêm yết và lỗ 99 tỷ đồng từ uỷ thác đầu tư.
Ở bảng nguồn vốn, tổng nợ phải trả của VIX tăng gấp 8,9 lần so với đầu năm, chủ yếu do công ty phát sinh khoản nợ vay ngắn hạn hơn 1.878 tỷ đồng. Khoản nợ vay bắt đầu phát sinh từ thời điểm quý I, khởi điểm là 990 tỷ đồng, sau đó tăng lên 1.372 tỷ đồng vào cuối quý II.