VN-Index giảm 12 điểm trong phiên khai xuân
VN-Index đóng cửa phiên 3/2 giảm đến 12 điểm, xuống mốc 1.253. Thanh khoản vẫn neo ở mức thấp khi giá trị giao dịch trên HOSE đạt trên 13.900 tỷ đồng.
Chứng khoán Việt Nam phản ứng khá tiêu cực trong phiên khai xuân Ất Tỵ với tâm điểm là sự lao dốc của nhóm cổ phiếu công nghệ. VN-Index đóng cửa phiên 3/2 giảm 12 điểm, xuống mốc 1.253. Thanh khoản vẫn neo ở mức thấp khi giá trị giao dịch trên HOSE đạt trên 13.900 tỷ đồng.
Tâm điểm phiên chiều nay vẫn dồn vào cổ phiếu FPT khi dòng tiền bắt đáy đã hoạt động khá hiệu quả buổi sáng, chặn được đà lao dốc từ giữa phiên. Tuy vậy sức ép lên cổ phiếu này vẫn rất lớn. Chỉ riêng giao dịch của FPT buổi chiều đã lên tới gần 858,3 tỷ đồng, chiếm 28,4% giao dịch của rổ VN30 chiều nay.
Dưới khối lượng bán tháo cực lớn, FPT tiếp tục giảm sâu hơn. Chốt phiên sáng cổ phiếu này đã mất 4,04%, chiều nay giảm thêm 1,15% nữa, đóng cửa dưới tham chiếu 5,15%. Mức đóng cửa này đã sâu hơn cả đáy buổi sáng. Khối ngoại cũng xả thêm hơn 2 triệu FPT, nâng mức bán ròng cả ngày lên 508 tỷ đồng (phiên sáng mới bán ròng 316,5 tỷ).
Ảnh hưởng của FPT là rất nặng nề, đặc biệt với chỉ số VN30-Index. Chỉ riêng mức giảm ở trụ này đã khiến VN30-Index mất hơn 7,9 điểm trong tổng mức giảm 22,13 điểm. FPT hiện đang đứng vị trí thứ 3 trong thứ bậc vốn hóa của VN-Index nên tác động cũng rất mạnh, lấy đi gần 3 điểm ở chỉ số này.
Chỉ số VN30-Index đóng cửa giảm 1,65%, tệ hơn so với phiên sáng (giảm 1,39%). Thống kê cho thấy có tới 18/30 cổ phiếu tỏng rổ VN30 tụt giá so với phiên sáng, chỉ 9 mã có cải thiện. Một vài mã xuất sắc nhất buổi sáng chiều nay cũng suy yếu.
Tiêu biểu là GVR đã tụt xuống 1,35% so với mức chốt buổi sáng, đóng cửa chỉ còn tăng 1,56%. Không chỉ vậy, hầu hết các trụ lớn nhất chiều nay cũng suy yếu thêm: TCB giảm thêm hơn 1% so với buổi sáng, đóng cửa giảm 2,02%. VCB, VPB, VNM, BID, CTG, HPG cũng yếu hơn.
Nhà đầu tư nước ngoài bán ra trong rổ VN30 tới 1.277 tỷ đồng trong đó 508 tỷ đồng là ở FPT. Tổng giá trị bán ra với cổ phiếu trong rổ này lên tới 2.338 tỷ đồng, tương đương chiếm 34,1% tổng giá trị giao dịch của rổ. Đây là tỷ trọng cực kỳ lớn.
Mặt khác, ngoài FPT, khối này xả nhiều ở các mã khác như VNM -315,3 tỷ, MWG -75,9 tỷ, CTG -66,5 tỷ, VHM -59,3 tỷ, VCB -53,9 tỷ, VPB -41 tỷ, BID -33,9 tỷ, SSI -30 tỷ, HPG -27,4 tỷ… Tính chung sàn HoSE, khối này rút đi 1.461,3 tỷ đồng ròng, phần lớn là bán thẳng qua khớp lệnh.
Dù vậy thị trường chiều nay cũng không chỉ có diễn biến tiêu cực. Độ rộng cho thấy bên cạnh nhóm lao dốc nặng hơn vẫn có nhiều cổ phiếu nỗ lực giữ giá hoặc phục hồi. VN-Index đóng cửa vẫn có 166 mã tăng/308 mã giảm, trong đó số xanh có 83 mã tăng hơn 1%. Dĩ nhiên nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn là xuất sắc nhất. GEX, HAH, VCG, KBC, BAF khớp hàng trăm tỷ đồng và giá tăng mạnh.
Nhóm VGC, DPM, DBC, DCM, NKG, HVN, CSV, BCG… cũng không hề yếu dù thanh khoản có kém hơn. Thậm chí loạt cổ phiếu kịch trần là ADS, DAH, GEE, SGN, TNT, DLG, SHI, VPG, QCG.
Phía giảm giá đương nhiên là áp đảo, nhưng có sự khác biệt đáng kể về thanh khoản giữa các blue-chips và nhóm còn lại. Trong 308 mã đỏ của VN-Index, có 97 mã giảm trên 1% thì dẫn đầu về thanh khoản toàn là blue-chips như FPT, VNM, STB, SSI, TCB… Một số mã tầm trung cũng đáng chú ý là DXG giảm 1,31% khớp 175,6 tỷ; DIG giảm 1,41% khớp 164,3 tỷ; VND giảm 3,33% với 160 tỷ; VTP giảm 4,82% với 114,8 tỷ; PVT giảm 2,68% với 105,4 tỷ.
Điểm tốt là cũng khá nhiều cổ phiếu trong nhóm giảm sâu với thanh khoản lớn này là giá không còn đóng cửa ở mức thấp nhất. Nói cách khác, trong khối lượng trao tay lớn hôm nay, cũng có hiệu ứng phục hồi nhờ cầu bắt đáy nhất định.
Thực tế thị trường đang trong thời điểm cao điểm về kết quả kinh doanh quý 4/2024 nên những ảnh hưởng từ bên ngoài sẽ được bù trừ bằng tin tốt nội tại. Dòng tiền bắt đáy xuất hiện là do vẫn có nhà đầu tư đánh giá về cơ hội và rủi ro khi thị trường bị xáo trộn từ bên ngoài.