VN-Index rơi tự do, giữa dòng biến động nhà đầu tư nên làm gì?
Đại diện VCBS kỳ vọng, VN-Index có thể phục hồi khi chạm vùng hỗ trợ 1.170 +/- 5 điểm. Tuy nhiên, ngay cả khi kịch bản này xảy ra, nhà đầu tư vẫn nên rà soát danh mục và tận dụng nhịp phục hồi kỹ thuật để giảm bớt cổ phiếu có xu hướng xấu, thay vì vội vàng bắt đáy những cổ phiếu mới giảm giá.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới suy giảm chóng mặt, VN-Index đã không thể tiếp nối quán tính tăng điểm cuối tuần trước. Mặc dù kịch bản này không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát, song việc VN-Index “đánh rơi” tới gần 50 điểm trong phiên giao dịch đầu tuần vẫn là “một cú sốc” lớn.
Ngay từ phiên sáng, áp lực bán mạnh trên diện rộng đã “nhuộm đỏ” thị trường, khiến VN-Index “bay” mất 25 điểm. Bước sang phiên chiều, tâm lý tiêu cực tiếp tục đè nặng khiến chỉ số này giảm tới 48,53 điểm, tương đương 3,92%, dừng tại mốc 1.188,07, thêm một lần “thủng” mốc 1.200 điểm.
Chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance, ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) chỉ ra rằng, diễn biến này không chỉ xuất phát từ nội tại của thị trường mà còn bởi làn sóng bán tháo dữ dội trên thị trường toàn cầu.
“Thị trường chứng khoán toàn cầu đã và đang có diễn biến tiêu cực do những lo ngại về bất ổn địa chính trị ở Trung Đông hay nguy cơ bước vào chu kỳ suy thoái của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc. Đặc biệt, trong phiên giao dịch ngày 4/8/2024, thị trường chứng khoán Hàn Quốc và Nhật Bản chịu áp lực bán tháo quyết liệt, còn các chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ như Dow Jones hay S&P500 cũng ghi nhận mức giảm mạnh. Điều này gây ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Kết quả, VN-Index giảm sâu gần 50 điểm với hàng loạt cổ phiếu kết thúc phiên giao dịch với dư bán ở mức giá sàn”, ông Hoàng phân tích.
Mặt khác, vài tháng trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn suy yếu khi dòng tiền có dấu hiệu chững lại. Trong các phiên giao dịch tuần trước, VN-Index đã giảm điểm mạnh và đánh mất một số mốc hỗ trợ quan trọng.
“Tác động từ thị trường chứng khoán quốc tế là tác nhân cộng hưởng khiến cho tâm lý nhà đầu tư thêm mất bình tĩnh và vội vàng bán tháo trong phiên giao dịch 5/8”, ông Trần Minh Hoàng bình luận.
Nói thêm về tác nhân “nội tại”, đại diện VCBS cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận xu hướng tăng kéo dài 4 tháng (từ tháng 11/2023 tới tháng 3/2024). Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 3 tới nay, VN-Index đã điều chỉnh đi ngang với biên độ rộng (khoảng 130 điểm). Sau khi thành công chinh phục mốc 1.300 điểm vào giữa tháng 6, thị trường đã có dấu hiệu suy yếu rõ nét hơn khi những nỗ lực phục hồi về mốc điểm trên đều thất bại. Theo vị chuyên gia, diễn biến trên minh chứng cho sự thay đổi trong xu hướng cũng như tâm lý của nhà đầu tư nói riêng khi thị trường không vượt qua được những mốc điểm kỳ vọng.
“Cùng với đó, những thông tin trì hoãn về việc vận hành hệ thống KRX ở thị trường chứng khoán Việt Nam cũng phần nào ảnh hưởng tới tâm lý chung trong ngắn hạn. Những nguyên do này cộng hưởng với nhau gây ra tác động tiêu cực lên thị trường chung, đồng thời kích hoạt margin call ở một bộ phần nhà đầu tư, khiến áp lực bán tháo ở mức giá thấp gia tăng rất mạnh trong phiên chiều 5/8”, ông Trần Minh Hoàng nhận định.
Trong bối cảnh thị trường khó khăn, ông Hoàng khuyến nghị, các nhà đầu tư nên hạn chế bán đuổi trong những phiên giảm điểm mạnh. Theo vị chuyên gia này, rủi ro từ hoạt động call margin ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư, nhưng mặt khác cũng là điều kiện cần để kích hoạt dòng tiền bắt đáy đang chờ đợi bên ngoài thị trường đối với các cổ phiếu mà giá đã chiết khấu đủ lớn.
“Tôi kỳ vọng VN-Index có thể ghi nhận nhịp bật nảy phục hồi khi chạm vùng hỗ trợ quanh 1.170 +/- 5 điểm. Tuy nhiên, kể cả khi kịch bản này xảy ra, nhà đầu tư vẫn nên ưu tiên rà soát lại danh mục và tận dụng các nhịp phục hồi mang tính kỹ thuật để giảm bớt cổ phiếu có xu hướng xấu hơn thị trường, thay vì vội vàng bắt đáy những cổ phiếu mới chỉ vừa bước vào pha giảm giá”, ông Hoàng chia sẻ.