Với số vốn vỏn vẹn 2 tỷ đồng, Nhựa Long Thành trở thành đế chế nhựa nghìn tỷ thế nào?
Xuất phát điểm với số vốn 2 tỷ đồng, công ty nhựa Long Thành (Long Thành Plastic) nhiều năm thống trị “làng nhựa” với doanh số mỗi năm lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Nhựa Long Thành là ai?
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có khoảng chục công ty ngành nhựa đang giao dịch, trong đó có một số cái tên nổi bật như Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Nhựa An Phát, Nhựa Đồng Nai...
Nhiều năm trở về trước, so với các đại gia ngành nhựa dân dụng như Duy Tân hay Song Long thì cái tên Nhựa Long Thành còn khá xa lạ. Tuy nhiên trong những năm gần đây cái tên “Long Thành Plastic” đang được biết đến nhiều hơn nhờ bộ sưu tập siêu xe hàng trăm tỷ của Phó Tổng giám đốc công ty Phạm Trần Nhật Minh, hay còn gọi là Minh “Nhựa”.
Nhựa Long Thành được thành lập từ những năm đầu của thập niên 90 do ông Phạm Văn Mười làm chủ và đến năm 1996 thì chuyển đổi cơ cấu hoạt động thành công ty Nhựa Long Thành.
Theo dữ liệu của VietTimes: Nhựa Long Thành về bản chất vẫn là một công ty gia đình, do ông Phạm Văn Mười (nắm giữ 43,67% VĐL), vợ ông Mười – bà Trần Thị Bạch (nắm giữ 33,89% VĐL), ông Phạm Trần Nhật Minh (nắm giữ 19% VĐL) và bà Nguyễn Thị Phương Thuý (nắm giữ 3,44% VĐL) góp vốn thành lập.
Trong đó, bà Nguyễn Thị Phương Thuý (SN 1982) là vợ của thiếu gia Minh “nhựa”. Bà Thuý cũng có niềm đam mê mãnh liệt với siêu xe, đồng thời bà còn là chủ quán café New Life tại quận 7, TP. HCM.
Sản phẩm chính của Long Thành Plastic là Pallet Nhựa, Sóng Nhựa, Thùng rác công nghiệp, Két Nhựa và phụ tùng, linh kiện điện tử. Trong đó, Long Thành là đối tác sản xuất két nhựa cho hàng loạt đại gia nước giải khát trên thị trường.
Những tên tuổi nước giải khát này bao gồm: Heineken, Bia Sài Gòn, Tiger, Saporo, Coca-Cola, Pepsi, Carlsberg, Biere Larue, Zorok, Number 1, Tribeco, Halida, Bia Hà Nội...
Ngoài ra, các sản phẩm nhựa của Long Thành còn là đối tác của nhiều tên tuổi trong ngành hàng thực phẩm khác như Vinamilk, Nestle, Masan, Vissan, Vina Acecook...
Long Thành Plastic làm ăn thế nào?
Gần hai thập kỷ trôi qua, công ty này không ngừng “ăn nên làm ra”. Số vốn của công ty từ 2 tỷ đồng hiện thời đã tăng lên hàng trăm lần, còn diện tích nhà xưởng cũng tăng lên gấp 10 lần. Công ty phát triển chi nhánh khắp cả nước, đặc biệt là ở những thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, thời vàng song của Nhựa Long Thành đang dần trôi vào dĩ vãng. Mặc dù mỗi năm công ty của Minh Nhựa vẫn thu về xấp xỉ nghìn tỷ đồng tuy nhiên nhìn vào những con số thì ta thấy có sự “chững lại” khá rõ rệt
Cụ thể, năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của Long Thành Plastic lần lượt đạt 1.035 tỉ đồng và 968,6 tỉ đồng, lợi nhuận thuần lần lượt ở mức 91,74 tỉ đồng và 67,88 tỉ đồng. Năm 2018 doanh thu thuần giảm còn 854 tỷ đồng, lợi nhuận thuần chỉ đạt 53 tỷ đồng. Đến năm 2019 doanh thu thuần của Long Thành đạt 883 tỷ đồng, lợi nhuận thuần cũng nhích lên đạt 95 tỷ đồng.
So với các “anh lớn” khác trong làng nhựa thì doanh thu của Long Thành Plastic khá khiêm tốn.
Một điểm tích cực của Nhựa Long Thành đó là có cơ cấu nguồn vốn khá lành mạnh, với tỷ lệ nợ phải trả luôn ở mức rất thấp, chỉ chiếm khoảng 7% tổng nguồn vốn. Trong khi đó, con số này là hơn 50% tại các doanh nghiệp ngành nhựa khác.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Long Thành Plastic đạt 881,3 tỉ đồng, được kiến tạo hầu hết bởi vốn chủ sở hữu - ở mức 819,5 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 12% và 11% so với thời điểm đầu năm.