Vốn nào để làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam?
Cho rằng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không thể chỉ bán vé để thu tiền đầu tư, bởi lợi ích đầu tư đường sắt là lợi ích đầu tư lan tỏa, tạo sự phát triển cho xã hội, cho đất nước, chuyên gia kinh kế cho rằng đầu tư công là phương án khả dĩ nhất.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Mặc dù vậy, với tổng mức đầu tư lớn, nhiều quan điểm bày tỏ lo ngại về khả huy động vốn trong và ngoài nước cũng như an toàn nợ công của quốc gia khi Việt Nam triển khai dự án này. Để làm rõ hơn vấn đề này, Đầu tư Tài chính có cuộc trao đổi với PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế.
Thưa ông, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được đề xuất với tổng mức đầu tư trên 67,34 tỷ USD, ông đánh giá thế nào về dự án này?
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Việt Nam là quốc gia có chiều dài đất nước hàng nghìn km, hình thể hẹp, do vậy, việc phát triển hệ thống đường sắt tốc độ cao là rất cần thiết. Tạo ra tiền đề phát triển, cơ cấu lại hành lang vận tải Bắc - Nam.
Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là dự án trọng điểm và có quy mô siêu lớn, cần trình độ công nghệ tiên tiến mang tính lịch sử. Nếu thực hiện được dự án này, đất nước không chỉ có thêm loại hình vận tải hiện đại mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời khi triển khai dự án sẽ tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động và các doanh nghiệp tham gia vào dự án.
Cùng với đó, dự án cũng mang tới cơ hội nâng cao năng lực của cả nền kinh tế Việt Nam từ sản xuất vật liệu đến chế tạo cơ khí, xây dựng hạ tầng, điện, công nghệ số... Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam còn có thể đáp ứng được một lượng hàng hóa có trọng lượng lớn và chi phí rẻ.
Tất cả các ngành sẽ được kích hoạt và phát triển vì công trình đường sắt tốc độ cao không chỉ liên quan xây dựng cầu, đường, hầm mà có sự tham gia của những yếu tố hết sức quan trọng hiện nay là công nghệ số, robot, trí tuệ nhân tạo trong xây dựng và vận hành khai thác sau này.
Khi chúng ta có tuyến đường sắt tốc độ cao nối từ Bắc vào Nam gần như sẽ kết nối các trung tâm kinh tế đó, tạo thành huyết mạch cho kinh tế Bắc - Nam. Và, khi tạo ra được huyết mạch kinh tế này, chúng ta sẽ khơi thông được các luồng di chuyển, tạo ra khả năng phát triển giữa các vùng miền.
Với mức đầu tư 67,34 tỷ USD có thể dự án sẽ phát huy một cách tối đa qua đó giúp nhiều ngành kinh tế được hưởng lợi, nhiều ngành sản xuất có cơ hội học hỏi, nâng tầm và phát triển.
- Với tổng mức đầu tư lớn, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được xác định đầu tư theo hình thức đầu tư công, gồm cả vốn ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn vay. Ông nhận định thế nào về phương án đầu tư này?
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đánh giá là dự án đầu tư chưa từng có với số vốn 67,34 tỷ USD. Con số này không chỉ lớn đối với Việt Nam từ trước đến nay mà so với thế giới cũng là một dự án có quy mô đầu tư lớn.
Tuy nhiên để dự án có thể sớm được triển khai, cần phải có quyết tâm đầu tư và phải đầu tư dứt điểm, tập trung để sớm đưa vào vận hành. Vậy nên, tôi cho rằng cần có phương án để tính toán huy động đủ nguồn lực này. Với quy mô kinh tế của Việt Nam hiện nay, nguồn lực để huy động 67,3 tỷ USD không phải quá thách thức.
Tại sao chúng ta phải nghĩ đến nguồn đầu tư công? Bởi rất khó có thể kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Đường sắt không thể chỉ bán vé để thu tiền đầu tư, bởi lợi ích đầu tư đường sắt là lợi ích đầu tư lan tỏa, tạo sự phát triển cho xã hội, cho đất nước. Do vậy, đầu tư hạ tầng đường sắt phải là đầu tư công, phải dùng tiền ngân sách.
Nếu cần thì phát hành trái phiếu, đầu tư theo hình thức Chính phủ phát hành vay nợ là phương án khả thi nhất vừa không phải chịu áp lực từ bất cứ nhân tố nào bên ngoài, vừa đảm bảo tính chủ động sáng tạo, cũng như lựa chọn hiệu quả cho kế hoạch đầu tư.
Đặc biệt, việc chúng ta tự chủ được nguồn vốn cũng hấp dẫn các quốc gia đang làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao, và tất nhiên chúng ta sẽ có cơ hội chủ động lựa chọn công nghệ tiên tiến nhất, đáp ứng yêu cầu của chúng ta.
- Ngoài các phương án được tính đoán đến như phát hành trái phiếu công trình địa phương, phương án vay nợ để thực hiện dự án này có khả thi không thưa ông?
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Xét về phương diện vay nợ tôi cho rằng có thể làm được, chúng ta có thể vay các tổ tín dụng quốc tế hay các quốc gia khác đều được nhưng dễ đi kèm theo nhiều điều khoản về kinh tế - xã hội, chính trị, lãi suất vì bản chất không ai cho mình vay không.
Về mặt nguyên tắc chúng ta cần lường thu để chi, đảm bảo cân đối ngân sách, giảm thiểu bội chi ngân sách để chủ động trong ngân sách nhà nước, không quá phụ thuộc vào việc đi vay. Bản thân chúng ta giữ giá trị đồng tiền, trong trường hợp bắt buộc phải phải đi vay, chúng ta nên ưu tiên các khoản vay trong nước mà cụ thể là người dân.
Trong trường hợp vay vốn ở nước ngoài, chúng ta cần tránh tình trạng khi dự án không như mong muốn, lúc này việc trả nợ nước ngoài sẽ rất khó khăn và có nguy cơ dính vào “bẫy nợ”.
- Dự án quy mô lớn, đòi hỏi nguồn vốn lớn, vậy theo ông, việc ngân sách nhà nước tham gia vào dự án sẽ tác động đến nợ công và cơ cấu nợ công của chúng ta trong thời gian sắp tới ra sao?
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Nếu mỗi năm chỉ huy động 7 tỷ USD cho dự án, nghĩa là chỉ tăng bội chi ngân sách một năm khoảng hơn 1% và tăng từng đó đồng nghĩa với tăng nợ công thêm 1%. Cho nên, tôi cho rằng dư địa để huy động vốn cho dự án đường sắt này thông qua con đường vay nợ công là hoàn toàn an toàn và quan trọng là chúng ta có cơ sở và có khả năng vay được. Song, việc phát hành trái phiếu để vay trong nước là ưu tiên.
Nếu như vay trong nước một năm trái phiếu 7 tỷ USD thì chỉ bằng khoảng 1% so với tổng tài sản của các định chế tài chính hiện có.
Tôi nghĩ nên ưu tiên phát hành trái phiếu trong nước chứ không nên vay ngoài. Việc tự vận dụng nguồn vốn trong nước sẽ giúp chúng ta đỡ ràng buộc và cải thiện được dư nợ công một cách tốt nhất.
- Nếu lựa chọn phương án vay nợ từ nước ngoài, chúng ta có phương án nào tối ưu để tránh “bẫy nợ” không thưa ông?
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Việc vay nợ từ nước ngoài để làm dự án đường sắt tốc cao Bắc - Nam có thể rơi vào “bẫy nợ” đã được dự tính trước. Các tổ chức cho vay sẽ kèm các điều khoản ràng buộc và hà khắc.
Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, Việt Nam có thể tự huy động vốn trong nước như: ngân sách nhà nước, trái phiếu, vốn địa phương hay các nguồn vốn khác của nhà nước. Tự huy động được nguồn vốn, chúng ta sẽ tránh được nguy cơ rơi vào "bẫy nợ". Tôi cho rằng vay trong nước là phương án an toàn nhất hiện nay.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!