Vốn ngoại 'đẩy' VN-Index vượt ngưỡng 1.300, nhà đầu tư cần tránh FOMO
Mạnh tay chi gần 2.300 tỷ đồng gom cổ phiếu vốn hóa lớn, khối ngoại có phiên mua ròng cao nhất kể từ đầu năm 2025.
Thị trường chứng khoán ngày 14/5 ghi nhận phiên bứt phá mạnh mẽ khi VN-Index tăng 16,01 điểm, đóng cửa tại 1.309,73 điểm – mức cao nhất trong nhiều tuần trở lại đây.
Thanh khoản toàn thị trường tiếp tục duy trì ở mức trên 1 tỷ USD, với tổng giá trị giao dịch đạt 29.500 tỷ đồng. Tính riêng sàn HoSE, thanh khoản đạt 27.300 tỷ đồng, mức cao nhất trong một tháng gần đây.
Sắc xanh chiếm ưu thế rõ rệt trên sàn HoSE với 189 mã tăng, trong khi chỉ có 122 mã giảm và 53 mã đứng giá. Trái lại, sàn HNX giao dịch có phần trầm lắng hơn với số mã tăng và giảm gần tương đương – lần lượt là 79 và 81 mã. Trên UPCoM, thị trường phân hóa nhẹ với 162 mã tăng, 111 mã giảm và 92 mã đi ngang.

Rổ VN30 ghi nhận tín hiệu tích cực với 22 mã tăng điểm. Tâm điểm là VPB, khi cổ phiếu này tăng trần và khớp lệnh gần 96 triệu đơn vị – dẫn đầu toàn thị trường về thanh khoản. Nhóm bluechip cũng đồng loạt bứt phá, với nhiều mã như FPT, BID, VCB, VJC, LPB… tăng mạnh từ 2% đến 5%. Ở chiều ngược lại, VRE, VHM và GVR là những điểm trừ khi điều chỉnh giảm trên 2%.
Tại nhóm chứng khoán, với các mã ORS, FTS, SHS, VCI, VDS, SSI… đồng loạt tăng trên 2%, kèm thanh khoản vượt trung bình 20 phiên gần nhất. Nhóm ngân hàng cũng giao dịch sôi động khi ngoài VPB tăng trần, các cổ phiếu như BID, VCB, LPB, ABB, TCB, VIB đều tăng từ 1,5% đến 4,5%, với thanh khoản hàng chục triệu đơn vị mỗi mã.
Bất động sản tiếp tục là điểm hút vốn khi nhiều cổ phiếu duy trì đà tăng tích cực. BCR có phiên tím trần thứ hai liên tiếp, trong khi các mã DIG, HDC, KDH, HLD, NLG… đều tăng từ 1% đến 2%, phản ánh lực cầu duy trì ở mức cao.
Trái lại, nhóm khu công nghiệp, dệt may và thủy sản có dấu hiệu hạ nhiệt, khi tiệm cận vùng cản kỹ thuật, khiến nhiều mã điều chỉnh giảm từ 1% đến 2% với thanh khoản suy yếu.
Điểm đáng chú ý nhất trong phiên là động thái của khối ngoại. Với tổng giá trị mua ròng gần 2.300 tỷ đồng – cao nhất kể từ đầu năm 2025 – nhà đầu tư nước ngoài đã đẩy mạnh gom hàng tại các cổ phiếu trụ như FPT (+540 tỷ đồng), VPB (+322 tỷ đồng), MWG (+284 tỷ đồng), HPG (+182 tỷ đồng)... Ở chiều bán ra, họ chủ yếu chốt lời tại VHM (-156 tỷ đồng), VRE (-114 tỷ đồng), VNM (-111 tỷ đồng).

Đây là phiên mua ròng mạnh nhất của khối ngoại kể từ đầu năm, đồng thời đánh dấu sự đảo chiều đáng chú ý so với xu hướng bán ròng kéo dài trong năm 2024. Nhiều nhà phân tích cho rằng, điều này có thể là tín hiệu cho thấy khối ngoại đã kết thúc giai đoạn thoái vốn và đang dần quay lại thị trường Việt Nam với kỳ vọng mới.
Việc VN-Index vượt ngưỡng tâm lý 1.300 điểm trong phiên 14/5 được đánh giá là cú bứt phá bất ngờ, vượt xa hầu hết các dự báo trước đó. Chỉ cách đây một tháng, thị trường từng lao dốc xuống dưới 1.100 điểm trong làn sóng bán tháo. Đà hồi phục mạnh mẽ, với mức tăng hơn 200 điểm chỉ trong vài tuần, đang khơi dậy trở lại tâm lý “sợ bỏ lỡ cơ hội” (FOMO) trong bộ phận không nhỏ nhà đầu tư.
Tuy nhiên, giới phân tích vẫn giữ quan điểm thận trọng. Chuyên gia từ Chứng khoán Kiến Thiết (CSI) cho rằng, khi chỉ số đã tiệm cận vùng kháng cự mạnh quanh mốc 1.300 điểm, nhà đầu tư nên cân nhắc chốt lời từng phần để hiện thực hóa lợi nhuận. “Tỷ trọng cổ phiếu hợp lý nên duy trì ở mức 35–40% danh mục để phòng ngừa rủi ro điều chỉnh ngắn hạn,” CSI khuyến nghị.
Theo CSI, thị trường cần một nhịp điều chỉnh kỹ thuật nhằm củng cố mặt bằng giá trước khi tiếp tục xu hướng tăng. Do đó, với nhóm nhà đầu tư đang tìm điểm mua mới, chuyên gia khuyến nghị nên kiên nhẫn chờ đợi VN-Index điều chỉnh về vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm – nơi được kỳ vọng sẽ đóng vai trò là nền tảng kỹ thuật vững chắc cho giai đoạn kế tiếp.