VSIP Hải Phòng: Ông chủ KCN 1.600ha bị nợ thuế 1,4 tỷ đồng
Cục thuế TP Hải Phòng nêu tên Công ty TNHH VSIP Hải Phòng - chủ Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng quy mô 1.600ha do nợ thuế hơn 1,4 tỷ đồng (tính đến 31/12/2024).
Cục Thuế thành phố Hải Phòng mới ban hành danh sách người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước tính đến ngày 31/12/2024.
Lý do bị người nộp thuế bị công khai là do vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 100 Luật quản lý thuế và điểm g khoản 1 Điều 29 Nghị định 126/2020/NĐ-CP.
Theo đó, 652 người nộp thuế còn nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước tính đến thời điểm 31/12/2024, tổng số tiền là 1.551 tỷ đồng. Theo đó, tính đến 31/12/2024, số lượng người nộp thuế còn nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc NSNN giảm 81 người nộp thuế, giảm 39 tỷ đồng so với thời điểm 31/11/2024.
Đáng chú ý, trong danh sách người nộp thuế còn nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước tính đến 31/12/2024 có sự xuất hiện của Công ty TNHH VSIP Hải Phòng.
Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2024, Công ty TNHH VSIP Hải Phòng bị nêu tên do nợ thuế 1,41 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Công ty TNHH VSIP Hải Phòng được thành lập từ năm 2008, trụ sở tại Khu đô thị, dịch vụ, công nghiệp VSIP Hải Phòng, phường An Lư, thành phố Thủy Nguyên.
Hiện đại diện pháp luật Công ty là ông CHONG KONG YOONG (Quốc tịch MALAYSIA).
Theo đăng ký kinh doanh thay đổi tháng 3/2016, Công ty VSIP Hải Phòng có vốn điều lệ là 1.018 tỷ đồng, Chủ sở hữu là Công ty cổ phần Phát triển đô thị và KCN Việt Nam Singapore.
VSIP Hải Phòng được khai thác với quy mô khoảng 1.600ha thuộc thị trấn Núi Đèo, Huyện Thủy Nguyên, Thành phố Hải Phòng (nay là phường An Lư, thành phố Thủy Nguyên). Trong đó, 500 ha là đất khu công nghiệp, 1100 ha là đất khu đô thịKCN này nằm ngay vị trí cửa ngõ phía Bắc TP Hải Phòng, cách thành phố chưa đầy 5km, kết nối đại lộ Đông Tây, trục Bắc – Nam, Quốc lộ 10, tỉnh lộ 359, cách sân bay Cát Bi chỉ khoảng 15km, Nội Bài khoảng 120km.
VSIP Hải Phòng đã thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư như Công ty Regina Miracle International Viet Nam chuyên chế tạo đồ nội y, quần áo thể thao và giầy thể thao; Công ty Canadian Solar Viet Nam chuyên chế tạo những bộ phận của nhà máy năng lực mặt trời; Công ty Kyocera hoạt động trong lĩnh vực sản xuất laptop và dòng thiết bị ngoại vi máy vi tính; Công ty Fujfilm Manufacturing Hai Phong chuyên sản xuất máy ảnh kỹ thuật số, dòng thiết bị y tế, dược phẩm, thuốc thú y, dòng thiết bị quang học, bảo đảm an ninh,…và nhiều doanh nghiệp lớn khác.