Vụ căng băng rôn tố lừa đảo ở Opal Boulevard: Chủ đầu tư nói lỗi tại khách hàng

Phía Công ty Hà An khẳng định, đã rất thiện chí, nhiều lần yêu cầu khách hàng có khiếu nại đến ký HĐMB theo “nguyên mẫu” hợp đồng nhưng không nhận được sự hợp tác.

Chủ đầu tư “phản tố”

Liên quan đến Dự án Opal Boulevard (khu căn hộ - thương mại dịch vụ cao tầng tại đường Kha Vạn Cân, phường An Bình, TX. Dĩ An, Bình Dương) dính lùm xùm khi một số khách hàng tố Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An ký sai nhiều điều khoản so với “Hợp đồng mẫu” được duyệt, chủ đầu tư đã lên tiếng phản tố.

Theo đó, trong nội dung trả lời Reatimes, Công ty Hà An cho biết, khi nhận được yêu cầu ký hợp đồng theo "HĐMB mẫu" do Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã duyệt, công ty Hà An chấp nhận yêu cầu mà không cần thay đổi bất cứ nội dung nào. Tuy nhiên, khi phía Công ty Hà An hẹn những khách hàng trên đến ký hợp đồng thì lại không nhận được sự hợp tác.

“Với yêu cầu này, công ty Hà An đồng thuận mà cũng không cần đàm phán bất cứ nội dung nào với khách hàng, vì mẫu hợp đồng này cũng nằm trong ý chí mà chủ đầu tư muốn thể hiện khi đăng ký với các cơ quan chức năng. Công ty Hà An khẳng định việc khách hàng có ký hợp đồng với chủ đầu tư Hà An hay không, đó thuộc quyền quyết định của khách hàng.

Tuy nhiên, một vài khách hàng yêu cầu theo nguyên mẫu hợp đồng đã đăng ký thì lại từ chối ký hợp đồng với chủ đầu tư bằng nhiều hình thức khác nhau: Không đến theo lịch hẹn ký hợp đồng; đến sau vài lần gửi thư mời hoặc ủy quyền cho luật sư nhân danh khách hàng đến chỉ để tranh chấp về tiền cọc chứ không phải xem xét, ký kết hợp đồng…”, phía chủ đầu tư Hà An cho biết.

Vụ căng băng rôn tố lừa đảo ở Opal Boulevard: Chủ đầu tư nói lỗi tại khách hàng - Ảnh 1

Qua đó, Công ty Hà An khẳng định việc khách hàng từ chối ký hợp đồng không phải lý do xuất phát từ chủ đầu tư. Bởi lẽ, trong tất cả các thư mời, biên bản làm việc, hợp đồng gửi đến khách hàng trước đó… chủ đầu tư đã thực hiện theo đề xuất của khách hàng về nội dung hợp đồng ký theo nguyên mẫu đã đăng ký.

Nhằm tạo ra sự minh bạch, công khai khi ký hợp đồng, công ty Hà An cũng thông báo đến công ty Linkgroup (đơn vị phân phối độc quyền Dự án Opal Boulevard) và khách hàng của Linkgroup cùng tham gia ký hợp đồng, cũng như yêu cầu bên văn phòng thừa phát lại ghi nhận toàn bộ diễn tiến sự việc của khách hàng về việc ký hợp đồng, thông qua các vi bằng đã được xác lập.

Người ký hợp đồng “bốc hơi” khi khách đến đòi tiền

Cũng xoay quanh diễn biến nói trên, một số khách hàng cho rằng phía công ty Linkgroup (đơn vị phân phối dự án) đã có nhiều mập mờ khi ký hợp đồng giữ chỗ. Theo đơn phản ảnh của một khách hàng gửi đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra công an quận Bình Thạnh, vào tháng 4/2019, thông qua Công ty CP Bất động sản Linkgroup về việc mở bán chung cư Opal Boulevard do Linkgroup là nhà phân phối độc quyền, người này đã đăng ký thỏa thuận quyền ưu tiên mua sản phẩm và chuyển tiền cho phía Công ty CP Bất động sản Linkgroup với tổng số tiền là 200 triệu đồng.

Đến ngày ký HĐMB người này phát hiện nhiều vấn đề nên không muốn tiếp tục hợp đồng. Điển hình như thời điểm ký Thỏa thuận quyền ưu tiên mua sản phẩm, phía Công ty CP Bất động sản Linkgroup đưa ra một bản thông báo của Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An (chủ đầu tư dự án) về việc chỉ định đơn vị phân phối độc quyền ký ngày 14/4/2019.

Tuy nhiên, nội dung không thể hiện việc Công ty CP Bất động sản LinkGroup được phép thu tiền của khách hàng. Công ty Linkgroup cũng không chịu cung cấp cho khách hàng hợp đồng phân phối hay môi giới giữa Hà An và Linkgroup. Nội dung của Thỏa thuận quyền ưu tiên không cho khách hàng biết Thông tin về sản phẩm ưu tiên mua là gì.

Ngoài ra, người này khẳng định, khi ký thỏa thuận quyền ưu tiên mua sản phẩm thì người ký không phải là người đại diện theo pháp luật. Có người ủy quyền là Nguyễn Thị Ly Ly đứng ra ký kết nhưng không cho khách hàng xem Giấy ủy quyền và chức vụ của người ký. Khi khách hàng khiếu nại những hành vi trên và đến Công ty Linkgroup đòi lại số tiền 200 triệu thì không nhận được sự hợp tác. Phía công ty cho biết cô Ly Ly đã nghỉ việc và không cử người ra làm việc với khách hàng.

Về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, phía công ty Linkgroup nếu cố tình trốn tránh khách hàng là đã vi phạm Luật Doanh nghiệp. Hợp đồng là thoả thuận pháp lý giữa 2 bên chứ không phải giữa cá nhân với cá nhân, trong trường hợp người ký hợp đồng đã nghỉ việc thì công ty phải cử người khác ra tiếp khách hàng chứ không được đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Sai hợp đồng mẫu chỉ bị phạt 30 - 50 triệu

Về việc chủ đầu tư yêu cầu khách hàng ký không đúng với mẫu hợp đồng mẫu được đăng ký, Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, đây là hành vi vi phạm hành chính và cần phải xử phạt nghiêm minh để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, phía chủ đầu tư phải tự khắc phục hậu quả, sửa lại hợp đồng để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng theo đúng quy định. 

Trong trường hợp chủ đầu tư muốn sửa lại “mẫu Hợp đồng” thì phải đăng ký lại mẫu hợp đồng để Cơ quan nhà nước kiểm tra và người tiêu dùng thực hiện quyền đưa ra ý kiến, yêu cầu doanh nghiệp phải sửa đổi, giải thích theo quy định pháp luật.

Cụ thể, tại khoản 27 Điều 18, Nghị định 124/2015/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi “Không áp dụng đúng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định”. Bên cạnh đó, phạt tiền gấp 2 lần mức tiền phạt này trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên địa bàn từ 2 tỉnh/thành phố trở lên.

Tuy nhiên, theo Luật sư Phượng, mức phạt trên là còn quá nhẹ và chưa đủ sức răn đe, chưa tương xứng những thiệt hại mà khách hàng phải gánh chịu. Chẳng hạn, chủ đầu tư cố tình thêm thắt vào một số điều khoản có lợi cho mình, quy định tăng mức phạt khi khách hàng chậm thanh toán, chế tài vi phạm áp dụng chủ đầu tư thì nhẹ còn khách hàng thì nặng,… Do đó, theo luật sư Phượng, thì cần có mức xử lý nghiêm và mạnh tay hơn để giảm bớt những tranh chấp tương tự xảy ra ở các dự án nhà ở hình thành trong tương lai.

Về phía khách hàng, để đảm bảo quyền lợi thì cần thu thập các chứng cứ về hành vi vi phạm của chủ đầu tư liên quan giữa Hợp đồng trên thực tế và mẫu Hợp đồng đã đăng ký tại Cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, LS Phượng khuyến cáo khách hàng khi mua bán nhà ở hình thành trong tương lai phải cẩn trọng trong giao dịch.

Theo đó, để bảo vệ quyền lợi của mình thì khi mua bán khách hàng cần xem xét lại kỹ từng văn bản giao dịch, nếu là văn bản thỏa thuận đặt cọc để đảm bảo ký hợp đồng thì càng phải thận trọng cân nhắc, nếu là hợp đồng mua bán thì phải xem đủ điều kiện giao dịch và đối chiếu với mẫu hợp đồng mẫu do chủ đầu tư cung cấp hoặc công khai tại cơ quan Nhà nước. Nếu xét thấy hợp đồng mua bán không đúng với các điều khoản của mẫu hợp đồng thì có quyền không ký vào văn bản.

Hiện nay, các cơ quan Nhà nước cần xem xét thực hiện quy định về đăng ký và công khai mẫu hợp đồng để bảo vệ người tiêu dùng, nhiều Sở Công thương các tỉnh thành không thực hiện việc công bố mẫu hợp đồng, thậm chí có hiện tượng thông tin công bố lúc ẩn lúc hiện, lúc phát hiện có vấn đề thì tìm không thấy công bố đâu hoặc cả việc thay đổi văn bản công bố được cập nhật mới lại.


Theo Khánh Hòa/Reatimes

 

 

 

Link nguồn: http://reatimes.vn/vu-cang-bang-ron-to-lua-dao-o-opal-boulevard-chu-dau-tu-noi-loi-tai-khach-hang-20200324101118586.html

Tin liên quan