Vũ khí đáng 'gờm' của Vĩnh Hoàn gia tăng lợi nhuận thời Covid-19 là gì?

Bước sang năm 2020, theo kế hoạch mảng C&G sẽ tiếp tục tăng gấp đôi lợi nhuận lên 400 tỷ đồng, bất chấp ngành fillet cá tra còn nhiều quan ngại

Việt Nam vừa trải qua đợt dịch Covid-19, đi cùng chủ trương giãn cách nhằm đẩy lùi dịch bệnh đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế nói chung, và doanh nghiệp nói riêng. Mặc dù chúng ta đã sớm lấy lại trạng thái bình thường, tuy nhiên lo ngại về tăng trưởng vẫn là câu chuyện còn dài, đặc biệt với lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Vấn đề quan tâm lúc này, mỗi đơn vị sẽ ứng phó như thế nào để bảo toàn được nội lực trong giai đoạn khốn khó – đặc biệt trước nguy cơ bùng dịch lần 2 toàn cầu, đồng thời tích luỹ đủ đà để đón đầu cơ hội sau dịch.

Là đơn vị dẫn đầu trong mảng thả nuôi và xuất khấu fillet cá tra, CEO Vĩnh Hoàn – bà Nguyễn Ngô Vi Tâm – trong lần trò chuyện mới nhất chia sẻ: "Đối với ngành xuất khẩu cá tra qua thách thức này chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp nên gia tăng sản xuất, năng lực cạnh tranh qua phân khúc có giá trị gia tăng cao"

Vĩnh Hoàn đạt 3.308 tỷ doanh thu, giảm 13%

Vĩnh Hoàn (VHC) đã tổng kết tình hình kinh doanh nửa đầu năm 2020 với doanh thu 1.666 tỷ đồng - giảm 18% so với cùng kỳ. Doanh thu tài chình giảm mạnh, chủ yếu do quý 2/2019 Công ty ghi nhận khoản tiền từ thoái vốn Công ty con là Vạn Đức Tiền Giang. Song song, chi phí tài chính cũng giảm. Khấu trừ, VHC thu về lợi nhuận sau thuế 215 tỷ đồng, giảm phân nửa so với cùng kỳ.

Luỹ kế nửa đầu năm, Công ty đạt 3.308 tỷ doanh thu - giảm 13% và LNST 367,5 tỷ - giảm hơn 49,5% so với nửa đầu năm ngoái. Năm 2020, VHC dự kiến hai kịch bản kinh doanh; trong đó nếu theo kịch bản thấp doanh thu và lợi nhuận sẽ giảm 18% và 32%, theo kịch bản cao doanh thu sẽ tăng 9,3% và lãi ròng giảm 10%. Như vậy, nửa đầu năm Công ty thực hiện khoảng 35-46% chỉ tiêu cả năm.

Theo giải trình, VHC cho biết hoạt động kinh doanh công ty mẹ giảm sút do giá bán giảm và ảnh hưởng bởi Covid-19.

Năm 2020 kế hoạch tăng gấp đôi lợi nhuận lên 400 tỷ đồng

Chiến lược trong năm 2020 của Vĩnh Hoàn là tiếp tục đầu tư cho cơ hội gia tăng lợi nhuận thông qua chuỗi giá trị. Với việc nhà máy bột cá và mỡ cá của Vĩnh Phước đã đi vào hoạt động đầu năm 2020, doanh số bán mỡ cá và bột cá được kỳ vọng sẽ tăng 20% so với năm trước.

Bởi lẽ, mảng xuất khẩu cá tra truyền thống dự kiến giảm cầu do khủng hoảng kinh tế. Như vậy, Collagen và gelatin (C&G) là các sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao chế biến từ da cá, phục vụ cho ngành dược phẩm, mỹ phẩm là yếu tố kỳ vọng sẽ kìm hãm đà suy giảm lợi nhuận của Vĩnh Hoàn. "Sản phẩm này đang phát triển tốt, hầu như không bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh, kỳ vòng tiếp tục đóng góp tích cực vào doanh thu, lợi nhuận của Vĩnh Hoàn", bà tâm nói.

Ghi nhận, doanh số mảng C&G tăng 31% trong quý 1/2020, trong đó dịch Covid-19 phần lớn ảnh hưởng hoạt động xuất khẩu của mảng C&G sang Trung Quốc. Tuy nhiên, lượng công suất C&G mới của Vĩnh Hoàn (tương ứng 75% công suất hiện tại) đang đi đúng tiến độ nhằm hoạt động vào tháng 8/2020. Theo đó, Công ty kỳ vọng cả doanh thu và lợi nhuận từ mảng này sẽ tăng 50% trong năm nay, so với mức đóng góp lần lượt 8% doanh thu và 20% lợi nhuận ròng vào năm 2019.

Vĩnh Hoàn cũng đặt kế hoạch chi tiêu vốn xây dựng cơ bản khoảng 580 tỷ đồng để mở rộng công suất mảng C&G, công suất kho lạnh mới, khu vực nuôi trồng mới và dây chuyền sản xuất dầu cá mới với tổng công suất khoảng 100 tấn/ngày. Sản phẩm dầu cá mới có thể được sử dụng trong sản xuất thực phẩm (thêm giá trị gia tăng) so với sản phẩm dầu cá dành cho thức ăn chăn nuôi từ dây chuyền sản xuất hiện tại.

Hiện, Vĩnh Hoàn là công ty duy nhất tại Việt Nam ứng dụng công nghệ cao phát triển thành công các sản phẩm này. Đây cũng là mảng mang lại tăng trưởng lợi nhuận cao cho doanh nghiệp những năm gần đây, khi tăng trưởng doanh thu suy giảm mạnh, thậm chí đi lùi do yếu tố thị trường.

Điểm lại, năm 2015, nhà máy sản xuất C&G với công suất 2.000 tấn/năm do Vĩnh Hoàn sở hữu 90% chính thức đi vào hoạt động sau 1 năm xây dựng. Khi đó, Công ty công bố sẽ kinh doanh collagen trên cả 2 phương diện: bán nguyên liệu và bán sản phẩm với thế mạnh có vùng nguồn nguyên liệu cá đủ đáp ứng 60 - 70% nhu cầu phế phẩm cho nhà máy.

Lúc bấy giờ, thị trường chưa có doanh nghiệp trong nước nào chiết xuất được collagen, nhất lại là từ da cá tra. Chưa kể, nguyên liệu collagen dùng trong sản xuất collagen đều phải nhập khẩu. Hành động của Vĩnh Hoàn theo đó vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, Công ty đã sớm cho thấy tham vọng sẽ "hái quả" từ mảng mới này.

Năm 2016, mục tiêu ban đầu tại mảng C&G chưa hoàn thành. Mặc dù vậy, đây vẫn được đánh giá là sản phẩm mang lại biên lợi nhuận cao, sang giai đoạn 2017-2018 mảng đã chính thức hoà vốn, chuyển từ mức lỗ hàng chục tỷ (năm 2017) sang có lãi 83 tỷ đồng (năm 2018), con số lợi nhuận 2019 tiếp tục tăng bằng lần lên hơn 230 tỷ.

Biên lãi của mảng này cũng ấn tượng với hơn 37% (năm 2019). Kết quả, dù doanh thu giảm tốc mạnh, một diễn biến chậm hơn xảy ra với mức lợi nhuận của Vĩnh Hoàn từ năm 2018 (lúc này C&G bắt đầu có lãi). Thậm chí, biên lợi nhuận ròng Vĩnh Hoàn cũng đột biến từ mức 7% (năm 2017) lên 15% (giai đoạn 2018-2019).

Bước sang năm 2020, theo kế hoạch mảng C&G sẽ tiếp tục tăng gấp đôi lợi nhuận lên 400 tỷ đồng, bất chấp ngành fillet cá tra còn nhiều quan ngại. Dù kế hoạch doanh thu và lợi nhuận giảm đáng kể do lo ngại dịch bệnh, biên lợi nhuận Vĩnh Hoàn vẫn ở mức cao với 12%.

 

Theo Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ

 

 

Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/vu-khi-dang-gom-cua-vinh-hoan-gia-tang-loi-nhuan-thoi-covid-19-la-gi-d80006.html

Tin liên quan