Vừa đổi tên công ty, cổ phiếu PTL của Victory Capital bị hủy niêm yết

Báo cáo tài chính kiểm toán 2019 - 2021 đều có ý kiến ngoại trừ của công ty kiểm toán, cổ phiếu PTL của Victory Capital sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Trụ sở Petroland Tower của Victory Capital.  
Trụ sở Petroland Tower của Victory Capital.  

Tài sản tập trung ở các khoản phải thu

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông báo vừa nhận được bản chính báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của Victory Capital. Căn cứ quy định tại điểm h khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/Đ-CP ngày 31/12/2020: “1. Cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp sau: …h) Tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất của tổ chức niêm yết hoặc có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp”. Căn cứ báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019, 2020, 2021 đều có ý kiến ngoại trừ của công ty kiểm toán, cổ phiếu PTL sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định.

Báo cáo tài chính của Victory Capital năm 2019 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Deloitte Việt Nam vào năm 2019, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C vào năm 2020 và 2021.

Trên báo cáo tài chính kiểm toán 2021 của Victory Capital, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C đưa ra ý kiến chưa thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về các khoản công nợ có số dư theo sổ sách tại ngày 31/12/2021. Đó là, các khoản phải thu tiền phạt chậm tiến độ từ các bên thi công công trình theo các điều khoản của hợp đồng và tiền phạt chậm thanh toán với tổng số tiền 75 tỷ đồng; Khoản phải thu Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Anh Minh (trước kia là Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vũ Anh) với số tiền 61 tỷ đồng (đây là số liệu đã tồn tại liên tiếp 3 năm vừa qua).

Khoản nợ phải thu từ CTCP Vạn Khởi Thành với số tiền 36 tỷ đồng. Các khoản nợ phải thu và phải trả CTCP Đầu tư và Dịch vụ Sao Kim với số tiền lần lượt là 134 tỷ đồng và 126 tỷ đồng. Các khoản phải thu khách hàng mua căn hộ dự án chung cư cao tầng Phú Mỹ đã quá hạn thanh toán với số tiền 28 tỷ đồng.

Bênh cạnh đó là công ty kiểm toán còn đưa ra ý kiến ngoại trừ tại các khoản mục khác trên báo cáo tài chính tồn đọng từ nhiều năm trước. Trong năm 2012, công ty đã hạch toán bù trừ công nợ phải thu đối với CTCP Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn (PVC - SG) với nợ phải trả CTCP Đầu tư Dầu khí Mỹ Phú (công ty con của Victory Capital) với số tiền 19 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, chưa có xác nhận bù của PVC - SG về việc bù trừ công nợ này… Và có khoản mục khác có ý kiến ngoại trừ của kiểm toán.

Theo báo cáo tài chính 2021, tổng tài sản của Victory Capital đạt 1.205 tỷ đồng vào thời điểm 31/12/2021, tăng 4,9% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu chiếm đến 53,8% tổng tài sản, trị giá 648 tỷ đồng. Các khoản phải thu của Victory Capital đều “mập mờ” dễ rơi vào trạng thái trích lập dự phòng.

Thay tên, đổi chủ

Tiền thân của Victory Capital là CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland) được thành lập vào năm 2007 với 6 cổ đông là Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC), Tổng Công ty Dầu Việt Nam - (PV Oil), CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), CTCP Đầu tư Tài chính Công đoàn (PVFI) với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Nhưng sau đó, các cổ đông trên nhanh chóng thoái vốn khỏi Petroland chỉ còn PVC là cổ đông chi phối.

Đến nay, Petroland đã xây dựng những dự án Petroland Tower, chung cư Petroland, chưng cư Mỹ Phú, tòa nhà văn phòng 16 Trương Định. Bên cạnh là hàng loạt dự án lớn khu đô thị mới dầu khí tại Vũng Tàu (69 ha), khu phức hợp trung tâm thương mại dịch vụ, văn phòng và căn hộ cao cấp tại đường 30/4 Vũng Tàu (1,7 ha), sân golf và khu biệt thự sinh thái Cam Ranh (171,9 ha)… Tuy nhiên, kết quả không như cổ đông mong đợi vì ban lãnh đạo chỉ lo “rút ruột” công ty.

Giai đoạn 2012 - 2017, ông Ngô Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT Petroland cùng ông Trần Hữu Giang, Phó Giám đốc và ông Bùi Minh Chính, Giám đốc Petroland (sau đó giữ chức Chủ tịch HĐQT) đã bàn bạc làm trái công vụ, trái quy định của pháp luật, lập khống 17 hợp đồng và 1 phụ lục hợp đồng dịch vụ môi giới, tư vấn, chi tiền, gây thiệt hại cho Petroland 50 tỷ đồng. Ông Ngô Hồng Minh và Trần Hữu Giang đã bỏ trốn còn ông Bùi Minh Chính bị tuyên án 7 năm tù giam vào năm 2020.

Chính điều đó, cổ phiếu PTL của Petroland bị đưa vào diện kiểm soát từ 13/4/2017 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2015 là -144 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tại 31/12/2016 là 1 tỷ đồng và có ý kiến ngoại trừ dẫn đến kết quả kinh doanh năm 2016 chưa đảm bảo khả năng có lãi. Đến nay, HOSE vẫn giữ nguyên cổ phiếu PTL do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 31/12/2021 là số âm.

Mới đây, ngày 7/12/2021, cổ đông lớn nhất của Petroland là PVC đã thoái hết vốn 36% (36.014.630 cổ phiếu) tại Petroland. Cùng thời điểm đó, hàng loạt nhà đầu tư khác thu mua cổ phiếu PTL trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ lên đến 53,15%: Nguyễn Văn Vinh (sở hữu 20.083.840 cổ phiếu, tỷ lệ 20,08%), Đỗ Thị Hiền (sở hữu 16.034.820 cổ phiếu, tỷ lệ 16,03%), Lê Thị Tư (sở hữu 8.516.000 cổ phiếu, tỷ lệ 8,52%), Lê Văn Thăng (sở hữu 8.515.000 cổ phiếu, tỷ lệ 8,52%).

Sau khi đổi chủ, Petroland đã đổi tên thành Victory Capital từ 4/3/2021. Tuy nhiên, việc đổi tên này chưa giúp công ty đổi vận khi cổ phiếu của công ty bị HOSE cảnh báo sẽ bị niêm yết do báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019, 2020, 2021 đều có ý kiến ngoại trừ của công ty kiểm toán.

Kết thúc năm 2021, Victory Capital đạt 96 tỷ đồng doanh thu, 27 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 93% và 1.022% so cùng kỳ năm trước. Tại thời điểm 31/12/2021, lợi nhuận sau phân phối còn âm 267 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 761 tỷ đồng trên vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.

Đóng cửa phiên giao dịch gần nhất đạt 11.100 đồng/cổ phiếu, giảm 33,9% so với đầu năm và vốn hóa đạt 1.097 tỷ đồng.

Nguyễn Như

Theo Chất lượng và Cuộc sống