'Vua hàng hiệu' từng rửa xe; truy tố 'đại gia điếu cày'

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn lần đầu kể về tuổi thơ phải đi làm thêm, rửa xe lấy tiền du học; đại gia điếu cày vừa bị đề nghị truy tố

Đại gia từng rửa xe lấy tiền ăn học

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn – người được mệnh danh là "vua hàng hiệu" với việc nắm quyền phân phối hơn 100 thương hiệu xa xỉ quốc tế nhưng ít ai biết rằng tuổi thơ ông cũng trải qua rất nhiều công việc làm thuê khác nhau.

'Vua hàng hiệu' từng rửa xe; truy tố 'đại gia điếu cày' - Ảnh 1
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn và vợ con.

Trong bài trả lời phỏng vấn với FBNC, ông Johnathan chia sẻ, ước mơ du học đã nhen nhúm kể từ khi ông còn là cậu trò nhỏ: "Khi còn đi học trung học ở Nha Trang, mỗi buổi trưa hè tan trường tôi thường ngồi trên bãi biển. Theo bản đồ thế giới, từ vùng biển Nha Trang nhìn thẳng qua là Manila, từ đó lại nhìn thẳng ra San Francisco miền Tây nước Mỹ. Khi đó, tôi đã bắt đầu ước mơ được xuất ngoại…".

Ông Hạnh chia sẻ thêm, ông được thừa hưởng máu kinh doanh từ cha, và khởi nghiệp lần đầu cũng rất tình cờ. Đó là, trong một lần chơi đá bóng với bạn, ông làm quả bóng bay vào một trại đóng quân của binh sĩ nước ngoài. Lúc đó, ông chạy xe máy tới để xin lại quả bóng. Sau đó,  người sĩ quan lại ngỏ ý muốn mua chiếc xe máy của ông.

Lúc đó, trong đầu ông đã lóe lên ý định mua lại xe máy tại cửa hàng để bán lại cho người sĩ quan này.

"Giá mua một chiếc xe HONDA DD 70 lúc đó là 34 nghìn đồng, tôi về báo cho ông sĩ quan là 36 nghìn đồng, tôi lãi 2 nghìn đồng ngay từ lần kinh doanh đầu tiên", ông Hạnh kể.

Khi việc kinh doanh xe máy đang thuận lợi, ông vẫn quyết định dừng lại và tiếp tục phấn đấu sang Mỹ du học. Sau khi đặt chân tới Đại học Seatle, Mỹ, để có tiền sinh hoạt và đi học, ông đã phải đi làm 3, 4 nghề, kể cả rửa xe…

Lần khởi nghiệp thứ hai là khi ông đã tốt nghiệp Đại học ở Mỹ và được nhận vào làm Thanh tra tài chính của hãng Boeing, khi đó lương của ông đã được trên 100 nghìn USD/năm.

Sau đó, ông chuyển sang kinh doanh cửa hàng bách hóa và trở thành ông "vua hàng hiệu" của bây giờ.

Vingroup bán buôn 3 dự án bất động sản

Một thông tin gây nhiều chú ý trong tuần qua là việc Tập đoàn Vingroup bán buôn 3 dự án BĐS và thu về 17.000 tỷ đồng.

Cụ thể, trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2020, CTCP Tập đoàn Vingroup cho biết, doanh thu từ hoạt động tài chính lên tới 31.068 tỷ đồng. Trong đó, gần 28.600 tỷ đồng doanh thu tài chính đến từ lãi chuyển nhượng công ty con và thanh lý các khoản đầu tư tài chính, cùng kỳ 2019 là khoảng 11.300 tỷ đồng.

Theo đó, Vingroup đã thành lập 3 công ty bất động sản rồi bán lại cho các tập đoàn Nhật Bản, thu lãi 16.881 tỷ đồng. Bản chất đây là các giao dịch bán buôn bất động sản tại các đại đô thị mà Vingroup triển khai trong vài năm gần đây.

Tuy nhiên do cấu trúc giao dịch là chuyển giao cổ phần của công ty nắm giữ dự án nên theo quy định được ghi nhận vào doanh thu tài chính.

Trong khi pháp lý về đất đai là một trong những vướng mắc lớn đối với các chủ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thì việc "bán buôn" của Vingroup giúp các nhà đầu tư nước ngoài này thực hiện dự án nhanh hơn khi mà Vingroup có đầy đủ tiềm lực xây dựng cơ sở hạ tầng cho những khu đô thị rộng lớn.

"Đại gia điếu cày" bị đề nghị truy tố

Ông Lê Thanh Thản, chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, còn được gọi với tên "đại gia điếu cày", sinh năm 1950, ngụ phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội vừa bị đề nghị truy tố về tội lừa dối khách hàng do có sai phạm xảy ra tại dự án CT6 Kiến Hưng, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội.

Ông Thản bị đề nghị truy tố về tội lừa dối khách hàng theo khoản 2, điều 198, BLHS năm 2015. Ngoài ông Thản, cơ quan điều tra cũng đề nghị truy tố 6 cán bộ về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng vì có liên quan đến sai phạm của đại gia Lê Thanh Thản.

Theo khoản 2, điều 198 mà ông Thản bị đề nghị truy tố, bị can có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm nếu: Phạm tội có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

Ông Thản bị đề nghị truy tố vì có liên quan tới vụ án lừa dối khách hàng diễn ra từ tháng 7/2019, thuộc dự án CT6 Kiến Hưng, quận Hà Đông do Công ty cổ phần sản xuất - xuất nhập khẩu Bemes là chủ đầu tư. Ông Lê Thanh Thản là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty CP sản xuất - xuất nhập khẩu Bemes.

Theo quy hoạch thiết kế được duyệt, dự án có hai tòa chung cư gồm CT6A và CT6B, với tổng số căn hộ được duyệt là 936 căn hộ chung cư cao tầng và 34 nhà thấp tầng, biệt thự liền kề.

Tuy nhiên, qua rà soát, kiểm tra thực tế, cơ quan chức năng phát hiện chủ đầu tư đã xây thêm tòa CT6C, nâng tổng số căn chung cư không phép là 654 và 4 căn biệt thự liền kề, nhà thấp tầng. Điều đáng nói là, tất cả số chung cư không phép đều đã được bán cho khách hàng và đưa vào sử dụng. Và những khách hàng mua nhà này dù đã chuyển về ở vài năm nhưng không được cấp sổ đỏ.

Tháng 5/7/2019, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tội lừa dối khách hàng, quyết định khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Lê Thanh Thản. Mặc dù ông Thản bị khởi tố nhưng được tại ngoại.

Ngày 9/7 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã tiến hành khám xét nơi ở, nơi làm việc và địa điểm của bị can Lê Thanh Thản tại các địa chỉ: Lô 45-BT2 bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, (Hoàng Mai, Hà Nội); Ban quản lý dự án Thanh Hà, phường Phú Lương (Hà Đông, Hà Nội); Ban quản lý khu đô thị Xa La, phường Phúc La (Hà Đông, Hà Nội). Sau quá trình khám xét, cơ quan điều tra đã thu giữ một số tài liệu liên quan

 

Thái An

Theo Đất Việt