Xây lại chợ Sắt: Biểu tượng mới của thành phố Cảng

Trong tương lai gần, thế chỗ cho chợ Sắt, biểu tượng thương mại sầm suất một thời của Hải Phòng, sẽ là tòa tháp đôi 42 tầng với tổng mức đầu tư 6.060 tỷ đồng, một dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra điểm nhấn đô thị mới cho thành phố Cảng.

Từ biểu tượng của sự giàu có…

“Chưa vào chợ Sắt coi như chưa đến Hải Phòng”, “Đến chợ Sắt còn có thể lắp được cả một chiếc máy bay”, đó là những câu của người xưa nói về ngôi chợ nức tiếng ở Hải Phòng. Nhưng giờ đây, sự sầm uất ấy của chợ Sắt chỉ còn trong ký ức.

Chợ được người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19 với tên gọi chợ Lớn. Nhưng do chợ được xây dựng chủ yếu bằng vật liệu sắt thép nên người dân Hải Phòng gọi là chợ Sắt. Nhờ địa thế thuận lợi (ngay sát sông Tam Bạc, đường Quang Trung) lại có lợi thế nằm bên tuyến đường thủy từ Hải Phòng đi các tỉnh nên dưới thời Pháp thuộc chợ Sắt từng là nơi rất sầm uất, đầu mối buôn bán chính từ Nam Định lên hoặc Quảng Yên (Quảng Ninh) xuống.

Thời bao cấp, chợ Sắt lần nữa được xây dựng lại toàn bộ nhân kỷ niệm 30 năm Hải Phòng giải phóng (1985). Tháp nước giữa chợ bị phá. Bù lại, chợ không chỉ có buôn cau, buôn vải như thuở xa xưa, mà còn kinh doanh vàng bạc và đủ thứ hàng trên trời dưới biển. Đặc biệt, thứ gì “mậu dịch” không có, ra chợ Sắt là có. Hàng nhập lậu từ nước ngoài theo chân thủy thủ viễn dương, hàng “móc” từ kho nhà nước, hàng “đánh” từ những đoàn xe vận tải, xà lan, tàu đẩy... trên đường hành trình đều đổ về chợ Sắt. Chợ Sắt không chỉ là chợ của Hải Phòng mà bán hàng cho cả miền Bắc. Đã từng có thời kỳ, ai đến Hải Phòng cũng muốn đi chợ Sắt, để trầm trồ, để ngắm nghía, để tiếc rẻ vì... thiếu tiền! Chợ Sắt làm giàu cho người Hải Phòng. Có một chỗ ngồi kinh doanh trong chợ Sắt là có “giấy chứng nhận” về sự giàu có.

Không chỉ là một địa chỉ thương mại, chợ Sắt còn là một biểu tượng mang trên mình nhiều giá trị khác của Hải Phòng, ăn sâu vào tiềm thức, tình cảm của người dân thành phố cảng, tương tự như chợ Đồng Xuân với người Hà Nội, chợ Bến Thành với người Sài Gòn.

Cảnh buôn bán ở chợ Sắt năm 1905
Cảnh buôn bán ở chợ Sắt năm 1905

Nhưng rồi, sự sầm uất của chợ Sắt không còn kéo dài. Đến tháng 5/1992, chợ Sắt được xây dựng thành một trung tâm thương mại, dịch vụ 5 tầng, trở thành công trình liên doanh đầu tiên của Hải Phòng với nước ngoài (Quảng Tây, Trung Quốc), tổng vốn đầu tư 7 triệu USD. Cùng với sự đổi thay của dòng chảy thương mại, sự xuất hiện của nhiều loại hình chợ, trung tâm thương mại mới, vai trò của chợ Sắt ngày càng giảm dần trong đời sống của người dân thành phố cảng. Ông Hoàng An Dương (65 tuổi) – một hộ kinh doanh các loại vật tư từ sắt tại tầng 2 ở chợ Sắt - cho biết thời hoàng kim, trong cảnh kinh doanh buôn bán đông đúc, đến những kẻ móc túi còn sống khỏe. “Nhưng nơi đây rơi vào cảnh vắng khách từ lâu, móc túi cũng không thèm ngó ngàng đến. Nếu cứ để như thế này thì thực sự lãng phí. Trong xu thế phát triển, việc xây dựng dự án mới ở đây sẽ giúp Chợ Sắt lấy lại ánh hào quang một thời”, ông Dương nói.

Điểm nhấn mới về phát triển đô thị

Tòa tháp đôi 42 tầng, tổng mức đầu tư 6.060 tỷ đồng, sẽ được xây dựng trên nền chợ Sắt (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) với diện tích hơn 5.000 m2. Đây là dự án do Công ty Cổ phần May - Diêm Sài Gòn làm chủ đầu tư, đã được khởi công tháng 5/2022 vừa qua. Công ty Cổ phần May - Diêm Sài Gòn là nhà đầu tư của nhiều dự án bất động sản lớn nhỏ trên cả nước, và ông chủ thực sự của công ty là doanh nhân Trần Anh Tuấn, một người được giới đầu tư kinh doanh gọi là “Tuấn chợ”, nhờ các thương vụ đầu tư thành công trong lĩnh vực thương mại trước đây.

Được biết, Công ty cổ phần May - Diêm Sài Gòn đã phối hợp cùng UBND TP.Hải Phòng, các sở ban ngành liên quan tổ chức thi tuyển thiết kế nhằm tạo ra một công trình mang tính biểu tượng cho TP.Hải Phòng. Vượt qua nhiều đối thủ có tiếng, phương án kiến trúc của Công ty Hirsch Bedner Associates PTE LTD - HBA (Singapore) với chủ đề “Nơi gặp gỡ của những dòng sông” được lựa chọn để xây dựng tổ hợp 5 sao này. Theo kế hoạch, thời gian thi công công trình dự kiến kéo dài trong thời gian 36 tháng, hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm 2025.

Ở góc độ nhà đầu tư, ông Chu Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần May - Diêm Sài Gòn, chia sẻ: “Công trình tòa tháp đôi 42 tầng với tổng mức đầu tư 6.060 tỷ đồng không chỉ mang tính biểu tượng cho sự phát triển của Hải Phòng mà còn ghi dấu ấn của công ty trong hành trình Bắc tiến của doanh nghiệp. Chúng tôi cam kết sau 36 tháng thi công sẽ hoàn thành, đưa tổ hợp vào hoạt động năm 2025. Với kinh nghiệm thực hiện thành công nhiều dự án lớn trên toàn quốc, Công ty CP May Diêm Sài Gòn sẽ mang tới một dự án mẫu mực về tiến độ và chất lượng công trình, xứng đáng là một biểu tượng kiến trúc mới của thành phố Cảng”.

Cũng theo ông Minh khi hoàn thiện, tổ hợp sẽ bù đắp được những thiếu hụt về địa điểm vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, khu mua sắm đẳng cấp quốc tế, khu triển lãm, hội nghị cho thành phố, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, kinh tế đêm của Hải Phòng. Trước đó, nhà đầu tư này đã thành công trong việc triển khai dự án The Gold View với 2 tòa tháp A và B, tòa A cao 33 tầng và 2 tầng hầm, tòa B cao 27 tầng và 2 tầng hầm tại TP. HCM. Trong đó, tháp A có tổng số 1.459 căn hộ bán và 146 căn hộ dịch vụ và tháp B có 300 căn hộ; ngoài ra dự án còn 43.514m2 sàn thương mại và dịch vụ cùng các tiện ích khác.

Ông Nguyễn Hoàng Long, giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP. Hải Phòng kỳ vọng việc thu hút thành công Công ty CP May Diêm Sài Gòn về đầu tư khu trung tâm thương mại chợ Sắt khẳng định môi trường đầu tư của Hải Phòng rất thông thoáng, hấp dẫn, chứng tỏ thành phố là một điểm đến, là đối tác tin cậy của các nhà đầu tư. “Đây là công trình kiến trúc tiêu biểu của TP Hải Phòng, là minh chứng cho sự phát triển của TP trong thời kỳ đổi mới và thu hút đầu tư”, ông Long nói.

Một thập kỷ qua, diện mạo Hải Phòng đã thay đổi rất nhiều với việc các dự án mới lần lượt xuất hiện, khai thác được lợi thế của các khu đất có vị trí ven sông. Kiến trúc sư Võ Quốc Thái, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hải Phòng cho biết, thành phố đã chỉ gần 2.000 tỷ đồng cải tạo, chỉnh trang sông Tam Bạc, nhờ vậy đã mang lại một giá trị khác hẳn cho khu vực này nói riêng và đô thị Hải Phòng nói chung. Các khu đô thị mới ven sông Lạch Tray như Vinhomes Marina; Apage; làng Việt kiều… đã góp phần mang lại một diện mạo khác hẳn cho đô thị Hải Phòng.
 

Quang Thân

Theo VietnamFinance