Xin chuyển rừng tự nhiên làm điện gió: Câu hỏi lớn
Trong số 845ha khảo sát tại dãy Hoành Sơn ngoài 19,05ha rừng tự nhiên bị lấy còn bao nhiêu diện tích rừng khác sẽ bị lấy đi?
Có bao nhiêu diện tích rừng sẽ bị lấy đi?
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung nguyên Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng đề nghị làm rõ những con số trong kiến nghị của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc xin chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang thực hiện dự án Trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh.
Vị chuyên gia phân tích, theo báo cáo, Dự án có diện tích nghiên cứu, khảo sát 845 ha tại khu vực dãy Hoành Sơn, thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh; trong đó diện tích rừng tự nhiên bị ảnh hưởng là 19,05ha, là rừng tự nhiên nghèo, thuộc đối tượng quy hoạch rừng phòng hộ.
Trong khi, dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư có công suất thiết kế lên tới 120MW, gồm 25 turbine gió.
GS Nguyễn Ngọc Lung cho biết, khi nhìn vào những con số này rất dễ nhận được sự đồng thuận lớn, bởi, chỉ cần đổi có 19,05ha rừng tự nhiên để có được cả một dự án điện gió công suất hàng trăm MW, quá thuyết phục, quá phù hợp với xu hướng phát triển năng lượng sạch hiện nay.
Tuy nhiên, khi phân tích kỹ sẽ thấy có nhiều vấn đề cần phải làm rõ.
Thứ nhất, dự án nói thực hiện khảo sát với quy mô 845ha tại khu vực dãy Hoành Sơn, trong đó có 19,05ha rừng tự nhiên, được quy hoạch rừng phòng hộ, đây là vấn đề rất dễ nhập nhèm.
"Tôi cần làm rõ con số 845ha được thực hiện khảo sát làm dự án, tổng số đất rừng dự án lấy đi là bao nhiêu? Ngoài con số 19,05ha rừng tự nhiên thì còn những loại rừng nào, chiếm bao nhiêu ha sẽ bị lấy đi trong tổng số 845ha khảo sát mà chưa được nói rõ?
Cần phải cung cấp số liệu đúng, trung thực để có đánh giá một cách toàn diện nhất", vị GS nói rõ.
Thứ hai, dự án được đánh giá tác động môi trường như thế nào? Cơ quan nào chịu trách nhiệm việc đánh giá tác động môi trường trong việc chuyển đổi 19,05ha rừng tự nhiên khu vực xung yếu dãnh Hoành Sơn sang làm thủy điện?
"Theo tôi được biết, với những dự án như thế này, cơ quan chịu trách nhiệm đánh giá tác động môi trường phải trực thuộc trung ương, địa phương không làm được.
Bài học nhãn tiền từ mùa lũ miền Trung cuối năm 2020 gây lũ ống, lũ quét, vỡ đập thủy điện, thiệt hại nặng nề có nguyên nhân từ việc đánh giá tác động môi trường không đầy đủ, không sát thực tế.
Thứ ba, dù là diện tích rừng bị lấy đi rất thấp, chỉ 19,05ha rừng nhưng phá rừng phòng hộ sẽ không còn đất để trồng rừng thay thế. Vậy phương án trông rừng thay thế phải được tính toán thế nào? Sẽ trồng ở đâu?
Không chỉ nương theo nhà đầu tư
Dù vẫn khẳng định ủng hộ làm dự án điện gió quy mô, công suất lớn, song vị chuyên gia cũng nói rõ, đó là nhìn từ góc độ kinh tế.
Trên thực tế, có rất nhiều lựa chọn khác, nhiều phương án triển khai khác nhau mà vẫn bảo đảm có được dự án cũng đồng thời vẫn bảo vệ được rừng và tài nguyên.
GS Nguyễn Ngọc Lung cho rằng, lấy rừng chỉ là một trong nhiều phương án mà chủ đầu tư có thể lựa chọn. Ngoài phương án lấy rừng, người ta vẫn đẩy được dự án ra bờ biển, hoặc đi vào khu vực đất trống, đồi núi trọc, có rất nhiều phương án tối ưu, tốt hơn nhiều. Nhưng lấy rừng là phương án tối ưu cho nhà đầu tư.
Vì chủ đầu tư khi xây dựng phương án bao giờ cũng tính tới hiệu quả kinh tế, tức là chi phí thấp nhất nhưng mang về hiệu quả thu về cao nhất.
Vì điều này, từ phía chính quyền địa phương cũng như các cơ quan quản lý không thể chỉ nương theo phương án của nhà đầu tư mà cần phải có phương án tối ưu cho môi trường, cho sự phát triển bền vững của địa phương.
"Miền Trung có hệ thống sông ngòi ngắn và dốc, bờ biển sâu với nhiều đoạn khúc khuỷu, thềm lục địa hẹp. Vì thế, tôi từng nói dãy miền Trung là một trong 5 dãy nguy hiểm nhất của Việt Nam. Việt Nam lại là một trong 5 nước có mức độ nguy hiểm nhất thế giới.
Nếu vẫn bỏ qua những cảnh báo này mà phá bỏ rừng khi chưa được đánh giá tác động kỹ lưỡng sẽ có nguy cơ rất lớn", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng nói thêm, rừng tự nhiên dù nghèo nhưng không thể đo bằng giá trị kinh tế. Bởi giá trị của rừng tự nhiên nằm ở chức năng điều tiết, chống lũ tốt.
Với thiết kế đa tầng, nhiều lớp thảm thực vật khác nhau nên khi mưa xuống, hệ thống rừng sẽ giúp phân hóa, tích trữ nước mưa thành nước ngầm. Theo tính toán, có đến 85-90% lượng nước theo tán lá, thảm mùn trên mặt đất hoặc hệ thống rễ cây liên kết tạo thành thảm dẫn dưới lòng đất, tạo thành dòng nước ngầm.
Như vậy, rừng tự nhiên dù nghèo kiệt, không giàu về giá trị gỗ và kinh tế, nhưng chức năng phòng hộ vẫn không thể có loại rừng nào so sánh được. Chức năng phòng hộ ở đây không chỉ có tác dụng bảo vệ cho các dự án mà còn có chức năng phân hóa nguồn nước, giảm thiểu tình trạng lũ lụt, sạt lở có thể xảy ra.
Tình trạng sạt lở, xói mòn xảy ra tại các thủy điện miền Trung vừa qua là do rừng phòng hộ cho các nhà máy này không phát huy tác dụng, hay nói cách khác là không đáp ứng được yêu cầu phòng hộ cho nhà máy. Miền Trung cần ghi nhớ những bài học này.