Xin chuyển rừng tự nhiên làm điện gió: Không nên đánh đổi!

Đã là rừng tự nhiên không ai đo giá trị bằng rừng giàu hay nghèo. Đừng coi đó là lý do để giúp nhà đầu tư đạt được mục đích.

Ông Hoàng Văn Quảng - GĐ Sở Công Thương Hà Tĩnh cho biết, cơ quan này vừa tham mưu cho UBND tỉnh Hà Tĩnh ký ban hành công văn số 5942/UBND-NL4 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT về việc rà soát hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang thực hiện dự án Trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh.

Không nên chuyển đổi rừng tự nhiên làm dự án. Ảnh minh họa  
Không nên chuyển đổi rừng tự nhiên làm dự án. Ảnh minh họa  

Ông Quảng cho biết, dự án được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 9/2020, có công suất thiết kế 120MW, gồm 25 turbine gió. Chủ đầu tư là Công ty CP điện phong HBRE Hà Tĩnh.

Dự án có diện tích nghiên cứu, khảo sát 845 ha tại khu vực dãy Hoành Sơn, thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh; trong đó diện tích rừng tự nhiên bị ảnh hưởng là 19,05ha, là rừng tự nhiện nghèo, thuộc đối tượng quy hoạch rừng phòng hộ, chủ yếu cây bụi và cây gỗ tái sinh nhỏ, không có giá trị về kinh tế.

Hà Tĩnh đánh giá việc triển khai dự án Trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh sẽ đem lại nhiều lợi ích, tác động tích cực đối với nền kinh tế địa phương, trên cơ sở đó tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án.

"Tỉnh cũng có giải thích rất rõ 19,05ha rừng tự nhiên đó đã được chủ đầu tư và các cơ quan ban ngành khảo sát rất kỹ lưỡng. Diện tích này chủ yếu phục vụ cho đường thi công, trụ cột công trình, do đó, rất khó lựa chọn phương án khác tối ưu, giảm thiểu diện tích rừng bị tác động hơn do tất cả đều là rừng", ông Quảng cho biết.

Khu vực xung yếu, phải thận trọng

Cùng cho ý kiến về vấn đề này, ông Lê Văn Hùng, Phân viện trưởng - Phân viện điều tra, quy hoạch rừng Trung Trung Bộ lưu ý, đây là khu vực có khí hậu khắc nghiệt, rừng phân cấp xung yếu, rừng phòng hộ không được phép chuyển đổi mục đích rừng.

Cùng quan điểm, ông Bùi Đình Dũng, Phụ trách Phân viện điều tra, quy hoạch rừng Bắc Trung Bộ cho rằng, việc bảo vệ rừng tự nhiên hiện được tuân thủ theo các quy định nghiêm ngặt của pháp luật.

Theo ông Dũng, hiện nay tỉ lệ diện tích rừng tự nhiên ở nước còn rất thấp, hơn nữa, rừng lại được quy hoạch rừng phòng hộ việc chuyển đổi mục đích sử dụng phải được cân nhắc rất thận trọng.

Ông Dũng lưu ý, không thể lấy lý do rừng nghèo kiệt, không có giá trị kinh tế để chuyển đổi mục đích của rừng. Bởi, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ chỉ có chức năng phòng hộ, không có chức năng làm kinh tế. Dù là rừng nghèo kiệt, không còn nhiều cây lớn, có giá trị kinh tế nhưng vẫn có hệ thực vật phong phú, có vai trò điều tiết, phòng hộ rất quan trọng.

"Giá trị của rừng tự nhiên là giá trị bảo vệ, cân bằng môi trường, hệ sinh thái, không phải nhiều cây to hay ít cây to, có giá trị kinh tế hay không, không thể dựa trên những đánh giá như vậy mà xem nhẹ vai trò, chức năng của rừng", ông Dũng nêu quan điểm.

Rừng tự nhiên không thể đo bằng giá trị kinh tế

Đồng tình với các chuyên gia, PGS.TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban Điều hành Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam nhấn mạnh, việc chuyển đổi mục đích rừng không thể vội vã.

Vị chuyên gia cho biết, với những thông số nhà đầu tư đưa ra cho thấy, tác động của dự án tới rừng tự nhiên không hề nhỏ. Thứ nhất là với công suất của nhà máy là 120MW, gồm 25 turbine gió. Với công suất này mỗi trụ cột xây dựng sẽ tốn rất nhiều diện tích và chắc chắn sẽ có tác động tương đối lớn.

Tiếp theo, diện tích chuyển đổi 19,05ha là diện tích lớn. Hơn nữa, chưa ai dám bảo đảm không có thêm diện tích rừng tự nhiên bị ảnh hưởng trong quá trình thi công.

"Không thể lấy lý do rừng nghèo mà chuyển đổi mục đích, lấy đất rừng làm dự án được. Đã là rừng tự nhiên không ai đo giá trị bằng rừng giàu hay nghèo. Đừng coi đó là lý do để giúp nhà đầu tư đạt mục đích.

Bài học mất rừng tại Tây Nguyên cần phải được rút kinh nghiệm và không được phép mắc lại nữa. Tại Tây Nguyên đã có nhiều chuyên gia cảnh báo về sự tác động của nghiêm trọng nếu phá đi khu rừng khộp để chuyển sang trồng cà phê, cao su...

Khu rừng khộp quý giá như vậy, là nơi cứ trú của biết bao nhiêu loài động, thực vật nhưng vì để làm kinh tế người ta đã phá hủy không thương tiếc. Bây giờ Tây Nguyên đang phải trả giá cho quyết định sai lầm đó. Hà Tĩnh không nên vì phát triển kinh tế mà đánh đổi rừng", PTS.TS Đào Trọng Tứ cảnh báo

Thái Bình

Theo Đất Việt