Xin đầu tư hơn 11 nghìn tỷ, bố chồng Hà Tăng giàu cỡ nào, công ty hoành tráng ra sao?

Công ty gia đình nhà chồng Hà Tăng do ông Jonathan Hạnh Nguyễn và bà Lê Hồng Thủy Tiên làm chủ, năm 2017 thu về 559 triệu USD.

Mới đây, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương – IPP Group có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị được cùng với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) đầu tư Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Đây cũng là lần đề nghị thứ 2 của doanh nghiệp này. Dự án ước tính có tổng mức đầu tư lên tới 11.659 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của PV, Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương – IPP Group (IPPG) là của ông Jonathan Hạnh Nguyễn và bà Lê Hồng Thủy Tiên – bố mẹ chồng ngọc nữ Tăng Thanh Hà. Tại IPPG, ông Jonathan Hạnh Nguyễn hiện giữ vai trò Chủ tịch HĐTV, còn bà Lê Hồng Thủy Tiên làm Tổng Giám đốc. Hai người con trai riêng của ông Jonathan với người vợ đầu là Louis Nguyễn (chồng Hà Tăng) đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc Phát triển Kinh doanhTập đoàn; Philips Nguyễn đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc Phát triển Dự án.

Ông Jonathan Hạnh Nguyễn từng giữ chức Thanh tra tài chính của Boeing Subcontractors Hoa Kỳ và Tổng đại diện của Philippines Airlines tại Đông Dương. Năm 1985, ông thành lập Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, nay là IPPG.

Đến nay, IPPG dưới sự dẫn dắt của ông đã hợp tác đầu tư nhiều dự án trên toàn quốc với tổng số vốn hơn 500 triệu USD, doanh thu năm 2015 đạt hơn 480 triệu USD, 550 triệu USD năm 2017, mang đến hơn 22.000 việc làm cho lao động Việt Nam.

Hiện nay, IPPG là tập đoàn kinh doanh bán lẻ hàng đầu Việt Nam, chiếm gần 70% thị trường hàng hiệu quốc tế phân phối trong nước. Sau 33 năm, IPPG đã phát triển với 17 công ty thành viên và 18 công ty liên doanh liên kết.

Nhìn vào danh mục đầu tư của IPPG, người ta sẽ thấy choáng ngợp về sự hoành tráng của công ty này. Theo đó, dưới trướng của IPPG là hàng loạt công ty thời trang tên tuổi như Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC), Công ty Thời trang và Mỹ phẩm châu Âu (ACFC).

Xin đầu tư hơn 11 nghìn tỷ, bố chồng Hà Tăng giàu cỡ nào, công ty hoành tráng ra sao? - Ảnh 1

Xin đầu tư hơn 11 nghìn tỷ, bố chồng Hà Tăng giàu cỡ nào, công ty hoành tráng ra sao? - Ảnh 2

Hai trung tâm thương mại xa xỉ Rex (ảnh trên) và Tràng Tiền Plaza (ảnh dưới) nằm dưới sự quản lý của IPPG.

Trong đó, DAFC là đầu mối kinh doanh một loạt thương hiệu cao cấp như Armani Exchange, Burberry, Bvlgari, Cartier, Rolex, Versace... Còn ACFC là nhà phân phối những thương hiệu tầm trung-cao cấp như Tommy Hilfiger, GAP, Levi's, Diesel, Mango, Nike...

Công ty ẩm thực IPPG F&B là đơn vị quản lý hàng loạt thương hiệu tên tuổi như Burger King, Domino’s Pizza, Dunkin Donut, Thai Village, gà rán Popeyes...

Ngoài ra, có thể kể đến các hạng mục đầu tư khác của Tập đoàn này như nhà ga quốc tế Cam Ranh có tổng mức đầu tư 3.735 tỷ đồng; chuỗi cửa hàng bán lẻ bao gồm Vietnam’s Delight Thuyền Rồng, Vietnam’s Delight Tháp Chàm, 19 island và Viet House tọa lạc tại tầng 1 và 2 sân bay Cam Ranh.

IPPG cũng quản lý hệ thống trung tâm thương mại xa xỉ dưới danh nghĩa công ty con IPPG Galleria. IPPG Galleria đã đầu tư xây dựng và điều hành khu mua sắm cao cấp Rex Arcade rộng hơn 2.000 m2 tại Khách sạn Rex danh tiếng với tổng số vốn đầu tư hơn 25 triệu USD.

Năm 2013, IPPG Galleria đã đầu tư hơn 45 triệu USD để cải tạo và xây dựng mới hơn 110 cửa hàng thời trang, mỹ phẩm, đồng hồ, nữ trang, mắt kiếng, giày da, ẩm thực… trở thành trung tâm thương mại đầu tiên của Việt Nam quy tụ các thương hiệu đẳng cấp hàng đầu thế giới: Bvlgari, Chanel, Christian Dior, Cartier, Christian Dior Beauty, Ermenegildo Zegna, Kenzo, Lancôme, Louis Vuitton, Salvatore Ferragamo, Shiseido, Shu Uemura, Rolex, Versace… IPPG cũng kinh doanh rượu, nguyên liệu thuốc lá... cùng hàng loạt hạng mục đầu tư giá trị khác.

Không chỉ có IPPG, năm 2016, với việc nắm giữ 44% cổ phần, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chính thức được bầu làm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco). Hiện cổ đông lớn nhất tại SASCO là Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) với tỷ lệ nắm giữ 51%. Kế tiếp là nhóm công ty thuộc tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) đang nắm giữ tổng cộng 43,65% cổ phần tại SASCO, gồm Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) giữ 24,05%, Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) nắm 5%, tỷ lệ còn lại (14,6%) thuộc Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu (ACFC).

Sau khi tham gia mua cổ phần khi SASCO cổ phần hóa vào năm 2014, ông Johnathan Hạnh Nguyễn và bà Lê Hồng Thủy Tiên là thành viên HĐQT. Trong năm 2016, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của SASCO đạt 2.274 tỷ đồng, trong đó doanh thu bán hàng tại các cửa hàng miễn thuế đạt 287,4 tỷ đồng, đóng góp gần một nửa tổng doanh thu công ty. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 283 tỷ đồng, tăng 236% so với năm 2015; lợi nhuận sau thuế đạt 234 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 11,6 tỷ đồng của năm 2015.

Theo Lâm Anh/ Báo Viet Q

Tin liên quan