Xin trả dự án chống ngập 10.000 tỷ: Cần linh hoạt

Chủ đầu tư Dự án chống ngập có tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng được khởi công giữa năm 2016 của TP.HCM đang xin trả lại dự án.

Những lý do được ông Nguyễn Tâm Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547, chủ đầu tư dự án nêu ra là: thành phố chậm giao mặt bằng dẫn tới dự án bị chậm, hợp đồng gia hạn đã hết, cơ quan chức năng chưa ký phụ lục...

Hai cống ngăn triều khổng lồ được lắp đặt tại cống Cây Khô ngày 22/8. Ảnh: TNG.  
Hai cống ngăn triều khổng lồ được lắp đặt tại cống Cây Khô ngày 22/8. Ảnh: TNG.  
 

 

Bình luận về dự án này kỹ sư Vũ Hải, người có hơn 50 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thoát nước cho rằng công tác chống ngập cho TP.HCM chưa được nghiên cứu thấu đáo, đầu tư tốn kém và chống ngập không đạt hiệu quả. Nguyên nhân là do chưa nắm đúng nguyên nhân gây ngập, các giải pháp chống ngập mà thành phố đang thực hiện chưa phù hợp, có nhiều nhược điểm, giá thành quá cao, công tác điều hành quản lý hệ thống thoát nước đô thị thành phố chưa tốt...

Cụ thể là các dự án thoát nước hiện nay; chống ngập do triều cường bằng cách triển khai dự án "Đập ngăn triều thông minh kiểu mới"; giải pháp chống ngập do mưa; xử lý nước thải bảo vệ môi trường... rất nhiều giải pháp đã được bàn tới, được thực hiện, tốn kém nhiều tiền nhưng hiệu quả không tới đâu.

Riêng với dự án chống ngập có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 được khởi công giữa năm 2016 nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố, tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng, kỹ sư Vũ Hải không ủng hộ thực hiện triển khai dự án này. Theo vị kỹ sư, dự án này ngay từ đầu đã bộ lộ nhiều nhược điểm, không giải quyết được căn cơ tình trạng ngập lụt do triều cho toàn thành phố. Tuy nhiên, những góp ý của ông thời điểm đó đã không được lắng nghe.

Đến khi triển khai dự án những vướng mắc, lùm xùm vẫn tiếp tục xảy ra.

"Lần thứ nhất, dự án bị chậm tiến độ do không thống nhất được giải ngân. Lần thứ hai, dự án bị chậm do vướng mắc về kỹ thuật, chất lượng vật liệu, sắt thép sử dụng cho dự án không chuẩn với yêu cầu của thiết kế. Đến lần thứ ba là không thống nhất được phương án thanh toán cho dự án do thay đổi từ phía các cơ quan quản lý...

Tất cả những điều này cho thấy, việc triển khai thực hiện dự án ngay từ đầu đã không được chuẩn bị tốt, mọi tính toán chưa chặt chẽ, dẫn tới những vướng mắc về chủ quan, khách quan từ cả các bên thì các bên sẽ phải chịu trách nhiệm giải quyết.

Dự án đã triển khai, đã tiêu tốn hàng chục nghìn tỷ tiền ngân sách rồi thì cần phải khẩn trương giải quyết để dự án sớm đưa vào hoạt động, tránh ngâm tôm, kéo dài dự án, gây thiệt hại cho ngân sách", vị kỹ sư nói rõ.

Với dự án này, vị kỹ sư cho hay, cũng chỉ giúp thành phố giảm ngập trong khoảng 5-10 năm, sau đó sẽ phải tính tới phương án khác, vì dự án đã bị lạc hậu, không còn phù hợp.

Đề xuất của kỹ sư Vũ Hải là thực hiện giải pháp xây dựng đập ngăn triều kiểu mới tại cửa sông Soài Rạp (huyện Cần Giờ); trong đó có tuyến đập với chiều dài khoảng 3 km, sâu 5 - 6m tại vị trí phía dưới ngã ba sông Vàm Cỏ, cách cửa biển 11 hoặc 16 km, đồng thời xây dựng tuyến đê bao phía trái đập nối với Quốc lộ 50 dài 10 km hoặc sử dụng đường hiện hữu Quốc lộ 50 - phà Vàm Láng làm đê bao.

Theo kỹ sư Vũ Hải, đập kiểu mới không đóng kín dòng sông mà để mở ở giữa sông với chiều rộng vài trăm mét nhằm mục đích hạn chế nước triều cường vào sông, từ đó làm giảm mức nước triều ở phía trên của đập, giải quyết vấn đề ngập nước do triều cường.

Hai bên cửa mở giữa sông là đập bê tông mềm gồm các trụ bê tông chế sẵn có gắn các lá sách bằng thép không rỉ để khi triều cường lên thì các lá sách tự động đóng lại không cho nước triều vào sông, khi triều cường rút lá sách tự động mở ra để nước mưa, nước bẩn thoát ra biển.

Bên cạnh đó, đập ngăn triều kiểu mới giúp cho độ mặn trên sông không vượt quá 0,1%, không làm thay đổi môi trường sinh thái, cảnh quan khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, khi đó tình trạng ngập lụt do triều của TPHCM mới mong được cải thiện.

Nhìn nhận những khúc mắc của dự án từ góc độ quản lý, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Nguyên Cục Trưởng Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính cũng nêu quan điểm phải sớm đưa dự án vào hoạt động.

Theo ông Thỏa, dự án đã hoàn thành 93% khối lượng, nếu không sớm đưa dự án vào vận hành thì tất cả những chi phí bị đội lên do kéo dài thời gian thi công đều là người dân phải gánh chịu.

"Tại sao một dự án đã thực hiện tới 93% khối lượng mà tới giờ vẫn chưa thể thống nhất được phương án thanh toán, trong khi, dự án muốn thực hiện phải được thống nhất từ chủ trương, được phê duyệt cụ thể, được đầu tư rồi mới thực hiện? Nếu vậy cần phải xem lại quy trình, trách nhiệm xem xét phê duyệt thực hiện dự án này, liệu có hay không việc chạy dự án trước khi thống nhất chủ trương?", ông Thỏa đặt vấn đề.

Còn về vướng mắc trong phương án thanh toán cho dự án do, trước đây Chính phủ có văn bản cho phép TP HCM thanh toán dự án bằng đất, nếu hết đất trả bằng tiền. Sau đó, thành phố đề xuất 15% trả bằng đất, còn lại trả bằng tiền, nhưng Chính phủ yêu cầu thực hiện theo văn bản đã ký, ông Thỏa cho rằng đây không phải vấn đề quá khó khăn, không giải quyết được.

"Trong bối cảnh dự án đã được thực hiện, các giải pháp giải quyết phải mềm mỏng, dung hòa, tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các bên.

Phía chủ đầu tư đầu tư, kinh doanh trên địa bàn cũng phải linh hoạt, chia sẻ nếu phía thành phố thật sự gặp khó khăn về tài chính cũng như bị hạn chế về quỹ đất, không nên dựa vào lợi thế để gây sức ép cho địa phương.

Việc này, TP.HCM cần phải có giải trình cụ thể về phương án thay đổi, nếu hợp lý, các bên cũng phải xem xét lại", ông Thỏa nhận định.

Lam Lam

Theo Báo Đất Việt