Xóa bỏ thành phố thuộc tỉnh, thành phố trong thành phố từ 2025

Từ năm 2025, toàn bộ mô hình hành chính trung gian như thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, quận, huyện, thị xã, thị trấn sẽ bị xóa bỏ. Đây là nội dung trọng tâm trong Đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính vừa được Thủ tướng phê duyệt.

Ngày 14/4, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 759, chính thức phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Theo đó, toàn bộ hệ thống đơn vị hành chính trung gian như thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, quận, huyện, thị xã, thị trấn sẽ bị bãi bỏ.

Đề án được xây dựng trên cơ sở định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và kết luận tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Theo mô hình mới, cấp huyện - cấp trung gian trong hệ thống hành chính hiện nay - sẽ chấm dứt hoạt động. Các đơn vị hành chính như thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, quận, huyện và thị trấn sẽ không còn tồn tại.

Xóa bỏ thành phố thuộc tỉnh, thành phố trong thành phố từ 2025 - Ảnh 1

Hiện nay, cả nước có 84 thành phố trực thuộc tỉnh, 53 thị xã và 2 thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương là Thủ Đức (TP. HCM) và Thủy Nguyên (Hải Phòng). Tất cả đều được xác định là đơn vị hành chính cấp huyện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành và sẽ bị xóa bỏ theo đề án mới.

Đề án cũng đề cập việc chuyển đổi các huyện đảo và thành phố đảo hiện nay thành đơn vị hành chính cấp xã mang tên gọi đặc khu. Theo đó, 11 huyện đảo trên cả nước sẽ trở thành đặc khu thuộc tỉnh, gồm Vân Đồn, Cô Tô, Cát Hải, Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quý, Kiên Hải, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn và Côn Đảo. Riêng thành phố Phú Quốc (Kiên Giang) có thể được chia tách để hình thành hai đặc khu là Phú Quốc và Thổ Châu, sau khi xã Thổ Châu được thành lập thành đơn vị hành chính độc lập.

Chính quyền địa phương trong mô hình mới sẽ tổ chức theo hai cấp: cấp tỉnh và cấp xã. Cấp xã sẽ bao gồm ba loại hình đơn vị hành chính là xã, phường và đặc khu. Các phường khi sáp nhập sẽ vẫn giữ nguyên tên gọi là phường, còn xã và thị trấn sau khi sáp nhập sẽ thống nhất thành xã. Việc thay đổi địa giới hành chính do sáp nhập cấp xã sẽ không cần xem xét điều kiện, tiêu chuẩn cũng như không phải thực hiện quy trình điều chỉnh địa giới cấp huyện như trước.

Số lượng đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp dự kiến sẽ giảm từ 60% đến 70% so với hiện tại. Tuy nhiên, đề án yêu cầu đảm bảo sự hợp lý về diện tích và quy mô dân số giữa các đơn vị hành chính mới. Đồng thời, các xã có vị trí biệt lập, khó kết nối giao thông hoặc có tầm quan trọng đặc biệt về quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia sẽ không bắt buộc sáp nhập.

Bên cạnh yếu tố dân số và diện tích, đề án nhấn mạnh cần cân nhắc đầy đủ các yếu tố lịch sử, truyền thống văn hóa, dân tộc, vị trí địa lý, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, quốc phòng, an ninh và khả năng hội nhập quốc tế trong quá trình tổ chức lại đơn vị hành chính.

Mục tiêu của việc sắp xếp là nhằm phát triển đất nước, mở rộng không gian phát triển, phát huy vai trò của các vùng động lực, hành lang kinh tế và cực tăng trưởng. Chính phủ ưu tiên sắp xếp các đơn vị hành chính ở miền núi, đồng bằng và ven biển, kết hợp hài hòa các đơn vị liền kề để tạo thuận lợi trong phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Việc quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị, cảng biển, logistics, hồ chứa nước, đập thủy điện cũng được khuyến khích bố trí trong phạm vi một xã hoặc phường nhằm nâng cao hiệu quả quản lý.

Theo Nghị quyết số 60 của Trung ương, cả nước sẽ còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, 11 tỉnh, thành được giữ nguyên gồm Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Cao Bằng. 52 địa phương còn lại sẽ sáp nhập để hình thành 23 tỉnh, thành mới.

Từ ngày 1/7/2025, khi Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 chính thức có hiệu lực, cấp huyện sẽ chấm dứt hoạt động trên toàn quốc. Việc tổ chức lại đơn vị hành chính được kỳ vọng sẽ giúp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân và tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

An Linh

Theo Vietnamfinance