Xúc tiến dự án Công viên dược phẩm Ấn Độ tại Đà Nẵng
Chiều 27/7, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cùng Công ty Sri Avantika đã chủ trì tổ chức hội thảo trực tuyến về khả năng hợp tác xây dựng Công viên Dược phẩm tại TP Đà Nẵng (Việt Nam). Tham dự về phía đầu cầu Đà Nẵng có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Kỳ Minh.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, Công viên Dược phẩm là đề xuất đầu tư của hơn 30 doanh nghiệp dược phẩm lớn của Ấn Độ, với mong muốn hình thành Khu công nghiệp ngành dược phẩm tại Việt Nam, trong đó TP Đà Nẵng đang thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư Ấn Độ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh chủ trì đầu cầu Đà Nẵng tham dự hội thảo trực tuyến về khả năng hợp tác xây dựng Công viên Dược phẩm tại TP Đà Nẵng.
Tại đầu cầu Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Kỳ Minh hoan nghênh và đánh giá cao ý tưởng hình thành mô hình chuỗi giá trị dược phẩm tại Việt Nam thông qua việc hình thành Công viên Dược phẩm mà TP Đà Nẵng là nơi đang được các doanh nghiệp dược phẩm Ấn Độ ngỏ ý quan tâm chọn lựa.
Cùng với đó, ông Hồ Kỳ Minh cũng giới thiệu các địa điểm thích hợp trên địa bàn để các nhà đầu tư Ấn Độ chọn lựa. Trong đó, địa điểm được ưu tiên đầu tiên là Khu công nghệ cao (KCNC) Đà Nẵng, được thành lập 2010, là KCNC duy nhất ở miền Trung – Tây Nguyên và là một trong 3 KCNC của cả nước, với diện tích hơn 1.184 ha đất sạch đã có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh. Hiện KCNC Đà Nẵng đã thu hút được 24 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 815 triệu USD.
Theo ông Hồ Kỳ Minh, KCNC Đà Nẵng có vị trí địa lý rất thuận lợi cả về đường hàng không, đường thuỷ, đường bộ và đường sắt, nằm trên các tuyến cao tốc nối liền với các khu kinh tế trọng điểm miền Trung. Hạ tầng kỹ thuật, giao thông, viễn thông và Internet của KCNC Đà Nẵng cũng đã sẵn sàng phục vụ nhu cầu sản xuất của các nhà đầu tư.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh, các dự án đầu tư vào KCNC Đà Nẵng được hưởng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vượt trội. Về thuế thu nhập doanh nghiệp, nhà đầu tư được hưởng thuế suất 10% trong 15 năm, đối với các dự án lớn trên 130 triệu USD là 10% trong 30 năm; được miễn thuế trong 4 năm đầu và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Đối với ưu đãi về tiền thuê đất, trong thời gian xây dựng, miễn tối đa không quá 3 năm kể từ ngày có quyết định thuê đất; miễn tiền thuê đất trong toàn bộ thời gian thuê cho các dự án sản xuất công nghệ cao. Doanh nghiệp được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hoá dùng để tạo tài sản cố định, hàng hoá, tài liệu chuyên dùng cho nghiên cứu khoa học, ươm tạo, nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được.
Ông Hồ Kỳ Minh cho biết TP Đà Nẵng đang kêu gọi đầu tư hạ tầng KCN Hoà Ninh diện tích hơn 400 ha và KCN Hoà Nhơn diện tích hơn 360 ha. Vị trí của các KCN này giáp các tuyến đường tránh, đường cao tốc, đất đai chủ yếu là đồi núi, đất nông nghiệp, dân cư thưa thớt; thuận lợi cho đền bù và giải phóng mặt bằng; có đầy đủ các điều kiện để phát triển thành KCN tập trung, kết hợp với các KCN sẵn có khác, tạo thành mạng lưới đa dạng, rất thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
“Với những điều kiện thuận lợi nêu trên, chúng tôi rất mong muốn được làm việc cụ thể với các nhà đầu tư Ấn Độ về khả năng đầu tư Công viên Dược phẩm tại KCNC Đà Nẵng hoặc các KCN Hòa Ninh, Hòa Nhơn trong thời gian tới. Chính quyền TP cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thiết lập và triển khai dự án đạt hiệu quả tại Đà Nẵng!” – ông Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cũng bày tỏ hy vọng sau buổi hội thảo chiều 27/7 sẽ có cơ hội tiếp tục trao đổi, làm việc với các nhà đầu tư Ấn Độ về dự án Công viên Dược phẩm, đặc biệt là được đón tiếp các nhà đầu tư Ấn Độ đến khảo sát thực tế khi tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát để có thể cảm nhận trực tiếp tiềm năng phát triển cũng như tính khả thi của dự án tại TP Đà Nẵng.