11 anh em kiện nhau vì 1.200m2 đất thừa kế: Chủ tọa nói 1 câu khiến ai nấy lặng người, sự việc chưa ngã ngũ vì hành động của 2 bên
Tranh chấp đất đai của 11 anh em ruột tại Phú Thọ đến nay tiếp tục mở lại phiên xử sau thời gian hòa giải không thành.
TAND tỉnh Phú Thọ mới đây đã mở lại vụ án dân sự tranh chấp đất đai thừa kế của 11 anh em ruột trong gia đình sau khi bị tuyên hủy án sơ thẩm. Các đương sự là 11 anh chị e ruột đều trú tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.
Theo hồ sơ vụ án, nguyên đơn là ông Bắc - con trưởng, bị đơn là ông Tiến - con trai thứ 4. Năm 1962, cha mẹ của 11 anh em nhận chuyển nhượng về sử dụng mảnh đất 1.213m2 từ một người cùng xã. Năm 1984, cha mẹ cho ông Tiến 138m2 trong mảnh đất này để làm nhà riêng.
Sau khi cha mẹ mất và không để lại di chúc, năm 2020, ông Bắc là con trưởng đã họp bàn với 10 anh chị em còn lại về việc xây nhà từ đường trên mảnh đất rộng 1.075m2 còn lại, cho rằng đó tài sản thừa kế chung. Tuy nhiên, đến lúc này, ông Bắc và các anh chị em còn lại bất ngờ khi ông Tiến thông báo: Toàn bộ 1.213m2 mà cha mẹ để lại đã đứng tên ông Tiến và được huyện Thanh Thuỷ cấp sổ đỏ từ năm 2005, khi đó cha mẹ còn sống.
Theo ông Bắc, việc em trai là ông Tiến tự ý đứng tên tài sản của cha mẹ khi không có văn bản ủy quyền, tặng cho từ cha mẹ cũng không qua họp bàn gia đình là trái luật. 7 anh chị em khác đã ủy quyền cho ông Bắc khởi kiện và đề nghị ông Tiến chỉ được giữ 138m2 đất đã được cho xây nhà, phần còn lại chia đều cho 11 người.
Về phía bị đơn là ông Tiến, ông cho biết toàn bộ di sản thừa kế đã được định đoạt xong khi vào năm 1992, cha đã tới UBND xã làm thủ tục cho mình cả 1.213m2 đất và đến năm 2005 được huyện cấp sổ đỏ và đứng tên ông. Cũng sau khi cho con đất, cha mẹ ông Tiến đã mua khu đất khác nằm cùng xã, sinh sống ổn định đến khi qua đời vào năm 2001 và 2015. Khu đất này đã được 11 anh em bán và chia nhau.
Chính vì vậy, theo ông Tiến, do "sốt đất" thời điểm hiện tại nên các anh chị em "bỗng dưng đòi quyền lợi". Duy chỉ có bà Mến - con thứ 2 trong gia đình 11 anh chị em xác nhận lời khai của ông Tiến là đúng. Đồng thời, bà Mến cũng phản đối việc 9 anh chị em khác đòi chia mảnh đất đã được ông Tiến sở hữu.
Bà Mến cho hay, đôi bên đã nhiều lần thỏa thuận và ông Tiến đồng ý với phương án lấy 1 nửa khu đất với diện tích 600m2 để xây từ đường nhưng ông Bắc và nhiều anh em còn lại không đồng ý.
Tại phiên sơ thẩm mở tháng 8/2022, TAND tỉnh Phú Thọ đánh giá ông Tiến được cấp sổ đỏ mà không có văn bản phân chia tài sản thừa kế hoặc di chúc; UBND huyện không có hồ sơ về việc tách, hợp hai thửa đất là không đúng quy định. Do đó, tòa tuyên huỷ sổ đỏ đã cấp để phân chia tài sản thừa kế.
Theo bản án, ông Tiến được hưởng 138m2 đã được cho trước đó. Hơn 1.000m2 còn lại, được định giá 6,7 tỷ đồng, tòa tuyên chia đều cho 11 người. Không chấp nhận phán quyết này, ông Tiến kháng cáo, đề nghị huỷ bản án sơ thẩm.
Tại phiên phúc thẩm lần đầu vào ngày 3/4/2023, Chủ tọa khuyến khích đôi bên hoà giải theo hướng chia đôi mảnh đất như phương án trước đó và phân tích: "Mục đích xây nhà thờ là để tưởng nhớ tổ tiên, đoàn kết con cháu. Nhưng chỉ vì nó mất tình anh em, có đáng không? Anh em kiện nhau đã là thua cả hai bên rồi".
Trên bàn nguyên đơn, bị đơn, ngồi im lặng, suy nghĩ. Tuy nhiên, sau đó, cả hai bên vẫn quyết định theo đuổi vụ kiện đến cùng.
Tại phiên tòa diễn ra vào ngày 16/5/2024, phía ông Bắc và ông Tiến cũng từ chối hòa giải trước câu hỏi của HĐXX. Tại phiên toà ngoài các đương sự, toàn bộ các đơn vị liên quan gồm: UBND xã nơi có đất, UBND huyện Thanh Thủy, đại diện ngân hàng và đại diện phòng công chứng có đơn xin xét xử đều vắng mặt.
Trước đó, trong phiên phúc thẩm vào tháng 8/2023, TAND Cấp cao tại Hà Nội, luật sư của ông Tiến cho rằng thửa đất đang được thân chủ thế chấp toàn bộ quyền sử dụng tại ngân hàng để đảm bảo khoản vay 6 tỷ đồng. Song toà sơ thẩm không đưa ngân hàng tham gia tố tụng là chưa hợp lý. Phía đại diện VKS cũng đồng tình với quan điểm này.
Sau nghị án, TAND Cấp cao nhận định ngân hàng cần được tham gia tố tụng với vai trò người có quyền nghĩa vụ liên quan là cần thiết để đảm bảo quyền lợi, đồng thời tuyên hủy án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án về TAND tỉnh Phú Thọ để giải quyết lại, theo trình tự sơ thẩm.
Cần rõ ràng tài sản thừa kế để anh em không kéo nhau ra tòa
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời của luật sư Nguyễn Đăng Tư (Đoàn luật sư TP. HCM) về tranh chấp đất đai giữa anh chị em trong gia đình. Luật sự Nguyễn Đăng Tư cho biết, thực tế trong những năm gần đây, việc anh chị em ruột kiện nhau ra tòa để chia tài sản sau khi cha mẹ qua đời rất phổ biến vì thế nhiều gia đình cũng đã tìm đến luật sư để lập di chúc ngay từ khi còn khỏe mạnh, minh mẫn, thậm chí còn công bố di chúc đó cho các con biết.
Tuy nhiên, đa phần những trường hợp tìm đến luật sư đều là ở thành phố, còn rất nhiều gia đình ở nông thôn có gia sản từ đời ông bà để lại, cứ lần lượt chuyển từ đời trước sang đời sau theo thông lệ, ai ở lại trên đất của ông bà thì tài sản thuộc về người đó. Cha mẹ già cũng không nghĩ đến việc phải rạch ròi, rõ ràng về tài sản để các con khỏi phải tị nạnh nhau.
Pháp luật dân sự quy định rất rõ về thừa kế, chia thừa kế. Ở thành phố có thể đến phòng công chứng hoặc luật sư để tư vấn thủ tục lập di chúc. Còn ở nông thôn, dịch vụ đó không có thì người dân có thể đến ủy ban xã để hỏi về thủ tục lập di chúc. Để có được bản di chúc thấu tình đạt lý, các gia đình nên gọi các con về bàn về việc phân chia tài sản sau khi cha mẹ mất, rồi mời chính quyền lập thành văn bản có người làm chứng.