3 đạo luật nếu áp dụng từ tháng 7/2024: Bất động sản 'vượt rào' khó khăn, giá chung cư sớm 'hạ nhiệt'
Theo nhận định của Hiệp hội bất động sản TP. HCM, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản thời điểm hiện tại.
Theo nhận định từ Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), thị trường bất động sản đã bắt đầu hồi phục tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bằng chứng là trong giai đoạn 2016-2023 thì có đến 4 năm (2020-2023) là giai đoạn khó khăn nhất của thị trường do tác động của đại dịch và các xung đột địa chính trị ở một số khu vực làm tặng nguy cơ lạm phát, giảm tổng cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu tác động trực tiếp đến nền kinh tế và thị trường.
Theo thống kê, "vùng đáy" khó khăn của thị trường bất động sản rơi vào quý I/2023 khi đến hết quý I/2023, thị trường bất động sản rơi xuống mức tăng trưởng âm sâu nhất (-16,2%). Kể từ quý II/2023 thì mức độ khó khăn giảm dần và từng bước phục hồi, thể hiện đến hết 6 tháng, thị trường bất động sản còn tăng trưởng âm 11,5%, đến hết 9 tháng còn tăng trưởng âm 8,7% và kết thúc năm 2023 thì chỉ còn tăng trưởng âm 6,38%.
HoREA nhận định, bất động sản đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và phục hồi trong cuối năm 2024, trở lại bình thường vào năm 2025. Tuy nhiên trong giai đoạn từ nay đên hết năm 2024, thị trường bất động sản TP. HCM sẽ còn tiếp tục mất cân đối cung - cầu nhà ở, thiếu hụt nguồn cung nhà ở bình dân và nhà ở xã hội, dẫn tới giá nhà có thể bị đẩy lên cao hoặc neo giá cao.
Trong văn bản gửi Thủ tướng và Bộ Xây dựng, Hiệp hội bất động sản TP. HCM cho biết, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) nếu được Quốc hội cho phép áp dụng sớm từ ngày 1/7/2024 cùng với các luật liên quan có hiệu lực sẽ củng cố lòng tin và thúc đẩy thị trường BĐS phục hồi vào cuối năm 2024 và phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Theo HoREA, nếu Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản được áp dụng kể từ 1/7/2024 cùng các nghị định, các luật khác có liên quan sẽ xử lý được hầu hết các vướng mắc pháp lý của hàng loạt dự án. Từ đó, gia tăng nguồn cung nhà của người dân, giá chung cư có thể đi xuống, đồng thời góp phần thúc đẩy tiến trình phục hồi và phát triển trở lại của thị trường bất động sản từ khoảng cuối năm 2024 trở đi.
Còn trong trường hợp 3 đạo luật này không được thông qua đưa vào áp dụng sớm sẽ làm chậm tiến trình phục hồi của bất động sản trong khoảng 6 tháng. Đồng thời, nếu Quốc hội không thông qua dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở thì sẽ dẫn đến tình trạng thị trường bất động sản tiếp tục thiếu hụt nguồn cung dự án, kéo dài tình trạng lệch pha sản phẩm nhà ở và tiếp tục tình trạng giá nhà bị đẩy lên cao, tác động bất lợi đến mục tiêu phát triển thị trường an toàn, lành mạnh, bền vững.