3 kịch bản thu phí đường vành đai 4

Có 3 kịch bản thu phí BOT đường vành đai 4 được Hà Nội và các địa phương đưa ra sau khi đường cao tốc hoàn thành.

Theo đó, kịch bản thứ nhất được đưa ra là: tuyến đường cao tốc Vành đai 4 được tập trung đầu tư xong trước năm 2024, mức phí được tính toán dựa trên số liệu khảo sát, dự báo lưu lượng xe trong giai đoạn từ 2024 đến 2026 là 1.700 đồng/km với xe tiêu chuẩn (ô tô dưới 12 chỗ), đi toàn tuyến trên 100 km là 188 nghìn đồng/lượt.

3 kịch bản thu phí đường cao tốc vành đai 4  
3 kịch bản thu phí đường cao tốc vành đai 4  

Kịch bản thứ hai, tuyến cao tốc Vành đai 4 thi công xong trước năm 2027, mức phí được tính toán cho xe tiêu chuẩn là 1.900 đồng/km, đi toàn tuyến là 210 nghìn đồng/lượt.

Kịch bản thứ 3, tuyến đường xây dựng xong trước năm 2030, mức phí được tính toán cho xe tiêu chuẩn là 2.100 đồng/km, đi toàn tuyến là 233 nghìn đồng/lượt.

Đánh giá về các phương án thu phí trên, Hà Nội cho rằng phương án bảo đảm được lợi ích cho các bên.

Đại diện lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho biết, khung giá, phí dịch vụ được xác định cụ thể cho từng thời kỳ, bảo đảm tính đúng, tính đủ và công khai, minh bạch. Mức giá vé phù hợp với sức chi trả của người dân từng thời kỳ, phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP đầu người.

Phương án thu phí trên cũng được sự  thống nhất của ba tỉnh thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên dựa trên sự thống nhất về chủ trương triển khai dự án Vành đai 4 với tổng mức đầu tư trên 94 nghìn tỷ đồng.

Dự án được chia làm 3 dự án thành phần.

Với làn đường cao tốc đi trên cao rộng 6 làn xe tại dự án thành phần 3, thành phố Hà Nội vừa thống nhất với nhà đầu tư có chi phí xây dựng trên 60 nghìn tỷ đồng. Về hình thức hiện dự án thành phần 3 này, UBND thành phố Hà Nội có chủ trương huy động vốn bằng hình thức đầu tư PPP (hợp tác công tư) hợp đồng BOT, nhà đầu tư hoàn vốn bằng việc lập trạm thu phí phương tiện.

Tuy nhiên, cho rằng nguồn vốn lớn, nhà đầu tư thu phí, mức phí sẽ rất cao, do đó, Hội đồng thẩm định dự án đề xuất UBND thành phố cần có sự tham gia của phần vốn nhà nước tại phần đường cao tốc.

Theo phương án đã thống nhất, Hà Nội sẽ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, huy động vốn thực hiện dự án đối với dự án thành phần đường cao tốc có chiều dài khoảng 111 km (bao gồm cả phần đường cao tốc nối với cao tốc Nội Bài - Hạ Long).

Về phần vốn, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, trong tổng mức đầu tư cho đường cao tốc Vành đai 4, thành phố Hà Nội sẽ huy động ngân sách nhà nước tham gia 31 nghìn tỷ đồng (chiếm 55%), nhà đầu tư tham gia 26 nghìn tỷ đồng (chiếm 45%); khoảng 2.500 tỷ đồng còn lại là lãi vay.

Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho biết, dự kiến tuyến đường vành đai 4 hoàn thành và bắt đầu thu phí từ năm 2030. Mức phí BOT trên đường cao tốc Vành đai 4 sẽ có mức giá 2.100 đồng/km cho xe tiêu chuẩn (dưới 12 chỗ), đi toàn tuyến 230 nghìn đồng/lượt.

Với mức huy động vốn từ nhà đầu tư là 45%, tư vấn thiết kế dự án tính toán dự án sẽ có thời gian thu phí hoàn vốn trên đường cao tốc là 21 năm.

Liên quan tới dự án này, trước đó một số chuyên gia đã bày tỏ lo lắng với phương án thực hiện dự án trên cao.

Theo thông tin tại buổi làm việc giữa Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội với Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT, thường trực tỉnh ủy 4 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Bắc Giang, tuyến đường vành đai 4 có mặt cắt ngang khoảng 120 m, trong đó dự kiến 30 m là đường sắt quốc gia và 90 m là đường bộ với cao tốc đi trên cao.

Trao đổi với Đất Việt, các ý kiến đều khẳng định việc xây dựng tuyến đường vành đai 4 là cần thiết. Tuy nhiên, theo GS.TS Bùi Xuân Cậy, nguyên Trưởng khoa Công trình, Đại học GTVT bày tỏ băn khoăn: Với mặt cắt 120 m, đường vành đai 4 đủ bố trí cho tất cả các làn xe, tại sao lại xây cầu trên cao mấy chục km?

Chỉ xây cầu khi vượt sông, qua nút, còn bình thường, nếu mặt cắt ngang đủ thì làm đường, vì làm đường rẻ hơn làm cầu rất nhiều. Đường trên cao gây ô nhiễm bụi, tiếng ồn, cũng không tiết kiệm đất vì dưới cầu bỏ không.

Điều quan trọng theo vị chuyên gia là khi hết thời gian sử dụng, mặt đường dùng máy tái chế xử lý là xe chạy ngon. Còn làm cầu trên cao, 50-60 năm sau cầu hỏng, phá dỡ xây mới là cả một vấn đề.

"Tất nhiên lúc ấy những người đưa ra phương án này có lẽ không còn trên cõi này nhưng để lại gánh nặng cho thế hệ sau", GS.TS Bùi Xuân Cậy bày tỏ quan điểm.

An An (tổng hợp)

Theo Đất Việt