Thủ tướng giao 5 địa phương làm đường Vành đai 4 TP.HCM

Đường Vành đai 4 TP HCM có tổng chiều dài khoảng 197,6 km, đi qua địa giới hành chính của 12 huyện thuộc 5 tỉnh, thành phố.

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý đề nghị của Bộ GTVT về việc giao các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án của đường Vành đai 4 TP.HCM.

Cụ thể, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn Phú Mỹ-Bàu Cạn, chiều dài khoảng 18 km.

UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn Bàu Cạn-cầu Thủ Biên (không bao gồm cầu Thủ Biên), chiều dài khoảng 45 km.

UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn cầu Thủ Biên-Sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên và không bao gồm cầu vượt sông Sài Gòn), chiều dài khoảng 49 km.

Sơ đồ đường Vành đai 4 TP.HCM. Ảnh: Sở GTVT TP.HCM  
Sơ đồ đường Vành đai 4 TP.HCM. Ảnh: Sở GTVT TP.HCM  

UBND TP.HCM là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn cầu qua sông Sài Gòn-kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn), chiều dài khoảng 17 km.

UBND tỉnh Long An là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn kênh Thầy Cai-Hiệp Phước (gồm cả đoạn qua khu vực Hiệp Phước thuộc địa phận TP.HCM), chiều dài khoảng 71 km.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP.HCM và UBND các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các dự án theo đúng quy định.

Bộ GTVT thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành đối với các dự án do các địa phương là cơ quan có thẩm quyền nêu trên; đồng thời có trách nhiệm tổ chức điều phối triển khai thực hiện các dự án trên toàn tuyến, kịp thời phối hợp, hướng dẫn các địa phương liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả và theo đúng quy định pháp luật.

Theo Quyết định ngày 28/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 TP.HCM, tuyến đường này đi qua địa giới hành chính của 12 huyện thuộc 5 tỉnh, thành phố: Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (huyện Tân Thành); tỉnh Đồng Nai (3 huyện: Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu); tỉnh Bình Dương (2 huyện: Tân Uyên, Bến Cát); TPHCM (huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè); tỉnh Long An (4 huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc).

Tổng chiều dài tuyến đường Vành đai 4 khoảng 197,6 km. Đường Vành đai 4 có quy mô là đường cao tốc với mặt cắt ngang 6-8 làn xe cao tốc có đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự trữ mở rộng. Tổng chiều rộng mặt cắt ngang lớn nhất khoảng 121,5 m. Đường song hành quy mô có ít nhất 2 làn xe. Đường song hành được đầu tư phân kỳ tùy theo nhu cầu vận tải và sự phát triển các đô thị hai bên.

Theo quy hoạch, dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), với tổng vốn đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng.

Minh Thái

Theo Đất Việt