50 cổ phiếu tăng giá hơn 100%: Động lực sinh lời đến từ đâu?
Bên cạnh “sóng ngành, “game” chuyển sàn, biến động cổ đông và tỷ lệ chi trả cổ tức hấp dẫn là động lực cho hàng chục cổ phiếu tăng giá hơn 100%.
Thị trường chứng khoán Việt Nam nửa đầu năm 2024 khá ổn định, VN-Index tăng 12,2% và đang dừng chân tại 1.245,32 điểm. Trong đó, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là nhóm đóng góp lớn nhất cho thị trường. Được ví như “cổ phiếu vua” bởi vai trò trụ cột trong nền kinh tế Việt Nam, nhóm ngân hàng đã có màn bứt tốc mạnh mẽ trong quý I, qua đó dẫn dắt thị trường, lan tỏa tâm lý lạc quan, đưa cổ phiếu midcaps và penny đón “làn sóng” tăng giá hàng chục, hàng trăm phần trăm.
Thống kê trên 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM, trong 1.654 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ lưu hành, nhóm tăng giá với 955 mã, chiếm tỷ trọng 60%, áp đảo với tỷ trọng 30,5% của nhóm giảm giá và 9,5% của nhóm đi ngang. Nhóm này có mức tăng trưởng trung bình 32,6%. Trong đó, có tới 50 cổ phiếu bứt phá 100%. Sự tăng trưởng này tạo ra mức sinh lời cao gấp nhiều lần so với các kênh đầu tư tài chính khác.
Cơn sóng ngành đầu tiên diễn ra tại nhóm cổ phiếu ngân hàng. Đầu năm, với động lực là sự phục hồi của nền kinh tế chung, cùng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng và các câu chuyện về vốn... nhiều cổ phiếu ngân hàng đã vượt đỉnh, mang tới tâm lý tích cực cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, đà tăng của nhóm này đã chững lại ngay sau thời điểm kết thúc quý I.
Sau đó, đến lượt nhóm ngành công nghệ - viễn thông "nổi sóng". Bất chấp chỉ số của thị trường chung liên tục ở trong trạng thái giằng co, loạt cổ phiếu công nghệ liên tục bứt tốc và tạo ra đà tăng bằng lần. Theo giới quan sát, sự thăng hoa của nhóm cổ phiếu này đến từ sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI).
Trong bối cảnh “cơn sốt” AI đang làm “khuynh đảo” thị trường chứng khoán thế giới, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nvidia - doanh nghiệp được ví như “người làm chủ cuộc chơi AI” toàn cầu đã thúc đẩy dòng vốn đầu tư, cổ vũ cho đà tăng chóng mặt cho nhóm cổ phiếu công nghệ. Dù chưa tạo được ảnh hưởng lớn song chỉ số của nhóm này đã bứt phá hơn 150% sau nửa đầu năm, lên mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Tăng hơn 35% từ đầu năm, cổ phiếu FPT của Tập đoàn FPT đang minh họa cho bức tranh chung của ngành công nghệ. Hưởng lợi từ cổ phiếu tiên phong, các mã cùng hệ sinht hái như FOX, FOC, FRT và FTS đều ghi nhận đà tăng tích cực. Đặc biệt, cổ phiếu FOX của FPT Telecom bất ngờ gia nhập nhóm “ba chữ số” với mức tăng 113%.
“Họ Viettel” cũng không kém cạnh với VGI, VTR, VTP và VTK. Trong đó, cổ phiếu VGI đã “nhân 4” giá trị, đưa Viettel Global trở thành top 2 công ty vốn hóa lớn nhất thị trường (xếp sau Vietcombank). Cổ phiếu VTK tăng tới 169%, đang nằm trong top 19 cổ phiếu tăng mạnh nhất nửa đầu năm 2024.
Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu công nghệ - viễn thông có thị giá tăng mạnh như cổ phiếu MFS của Mobifone Service tăng gần 200%; cổ phiếu ITD của Công nghệ Tiên Phong tăng 110%; cổ phiếu CMG của Tập đoàn Công nghệ CMC và ICT của Viễn thông – Tin học Bưu điện cùng tăng xấp xỉ 75%; cổ phiếu ELC của Elcom tăng 50%…
Một cơn sóng khác cũng nổi lên tại nhóm cổ phiếu hàng không. Trong bối cảnh khi nhu cầu đi lại, vận chuyển dần hồi phục, nhóm này cũng ghi nhận xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ. Trong đó, cổ phiếu ACV tăng tới 94%. Đặc biệt, sau khi “xóa nợ”, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines cũng "sải cánh" và bay cao tới 180%.
“Game” chuyển sàn
“Chứng sĩ” dễ dàng bắt gặp động thái tăng giá mạnh trước thời điểm chuyển sàn. Thực tế, hoạt động niêm yết hoặc chuyển sàn mang lại nhiều lợi ích lớn cho doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp mở rộng cơ hội tiếp cận với nhiều nhà đầu tư hơn, nâng vị thế của tổ chức niêm yết.
Cổ phiếu MCH của Masan Consumer tăng trưởng tới 153%, lên 221.000 đồng/cp trước động thái chủ trương niêm yết cổ phiếu sang HoSE. Tính hết tháng 6/2024, vốn hóa MCH vượt 6 tỷ USD, cao hơn công ty mẹ Masan Group (HoSE: MSN) và ba thành viên đang niêm yết (NET, VCF, MSR) cộng lại.
Một trường hợp khác là MCM của Mộc Châu Milk. Ngày 25/6, cổ phiếu của thương hiệu sữa lâu đời nhất Việt Nam đã chính thức chuyển sang "ngôi nhà mới" HoSE, với giá tham chiếu 42.800 đồng/cp. Kể từ đầu năm, cổ phiếu MCM ghi nhận mức tăng trưởng khả quan 13,66%, đưa thị giá vốn doanh nghiệp tiến sát mốc 4.500 tỷ đồng.
Tương tự, cổ phiếu GEE và DSC cũng chứng kiến sự tăng tích cực trong thời gian chờ HoSE chấp thuận hồ sơ niêm yết.
Đối với nhóm cổ phiếu có thanh khoản trung bình hoặc thấp, hoạt động mua bán cổ phần của cổ đông lớn, người nội bộ và bên liên quan giúp cổ phiếu có động lực, tăng trưởng thị giá.
Chẳng hạn, tại Công ty CP Dược phẩm Hà Tây (HNX: DHT), từ tháng 12/2023 đến tháng 2/2024, ASKA Pharmaceutial - cổ đông chiến lược lâu năm của doanh nghiệp này đã tích lũy hơn 10 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, ông Lê Tuấn Việt, Phó tổng giám đốc Dược phẩm Hà Tây cũng mua vào 500.000 cổ phiếu.
Thông thường, các giao dịch lớn sẽ thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp mua trên sàn. Khi đó, với thanh khoản thấp, cổ phiếu thường có xu hướng đi lên. Như trường hợp của DHT, thị giá cổ phiếu này đã tăng 135% kể từ đầu năm.
Hay như APP, như VietnamFinance từng thông tin, trong bối cảnh kết quả kinh doanh không có sự đột phá (nếu không muốn nói là bết bát), những cuộc "sang tay" đầy sôi động của nhóm cổ đông lớn và người nội bộ đã tạo ra sự tăng trưởng đột biến cho giá cổ phiếu. Kết thúc nửa đầu năm, thị giá cổ phiếu APP tăng gấp 3 lần sau nửa năm.
“Chất xúc tác” mang tên cổ tức
Chia cổ tức thể hiện doanh nghiệp đang có lãi, sức khỏe tài chính tốt và có dòng tiền cho nhà đầu tư. Ngoài ra, động thái chia cổ tức được cho là động thái khả quan, thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư, giúp cổ phiếu doanh nghiệp tăng trưởng.
Vừa qua, Thép Thủ Đức - VNSTEEL ban hành quyết định trả cổ tức đợt 1/2023 bằng tiền, với tỷ lệ 70% (1 cp nhận 7.000 đồng) sau 3 năm không giải ngân cổ tức. Trước động thái “khủng”, cổ phiếu TDS đã tăng tới 124% kể từ đầu năm. Đáng nói, doanh nghiệp thép trả cổ tức tiền mặt từ năm 2015 đến 2020 với tỷ lệ dao động thấp 8% - 25%.
Bên cạnh đó, cổ phiếu CDH của Công trình công cộng và Dịch vụ Du lịch Hải Phòng cũng không phải ngoại lệ. Chỉ sau gần 1 tháng CDH ra nghị quyết trả cổ tức bằng tiền mặt, mã chứng khoán CDH liên tiếp đón dòng tiền, thậm chí tăng kịch trần liên tiếp 12 phiên trong tháng 6. Hơn nữa, CDH bứt phá tới 535% trong chưa đầy 30 ngày, từ vùng 2.600 đồng lên 13.900 đồng/cp (kết phiên 28/6).
Tương tự CDH, cổ phiếu CID của Xây dựng và Phát triển Cơ sở Hạ tầng cũng bùng nổ giá trị khi có quyết định chi trả cổ tức sau một thập kỷ (quyết định trả cổ tức gần nhất vào năm 2013). Tính đến hết tháng 6, mã này ghi nhận tăng trưởng 380%, khối lượng khớp lệnh cũng bật tăng lên hàng chục nghìn đơn vị.